Cơ sở sản xuất tôm giống đạt chuẩn an toàn dịch bệnh đầu tiên tại Việt Nam
Cơ sở tôm giống đầu tiên của Việt Nam đạt chuẩn an toàn dịch bệnh |
Hiện nay ngày càng có nhiều nước trên thế giới đưa ra các rào cản kỹ thuật yêu cầu tôm và các sản phẩm tôm phải xuất phát từ quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc ít nhất là cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định của tổ chức Thú y thế giới (OIE). Trong khi đó, tôm là một trong các đối tượng chủ lực trong nuôi trồng thủy sản, có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Trong 5 năm qua, tổng kim ngạch xuất khẩu tôm đạt khoảng 3 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, xuất khẩu tôm gặp nhiều khó khăn do các nước nhập khẩu áp dụng các rào cản kỹ thuật về dịch bệnh đối với các sản phẩm tôm từ Việt Nam. Nhiều nước đã hạn chế nhập khẩu sản phẩm thủy sản, áp dụng việc lấy mẫu xét nghiệm 100% lô hàng hoặc thậm chí tạm dừng nhập khẩu.
Ngày 18 tháng 01 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 79/QĐ-TTg về việc ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025” với mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD vào năm 2025.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch hành động quốc gia, cũng như sự phối hợp, hỗ trợ của các Ban, Bộ, ngành, đặc biệt là sự quan tâm của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu, Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trực tiếp chỉ đạo quyết liệt và giao Cục Thú y chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu hỗ trợ Tập đoàn Việt Úc tổ chức xây dựng chuỗi sản xuất tôm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu (bao gồm: Cơ sở sản xuất thức ăn cho tôm, cơ sở sản xuất tôm giống, cơ sở nuôi tôm thương phẩm và cơ sở chế biến tôm) nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh theo khuyến cáo của OIE.
Sau hơn 2 năm thực hiện, trải qua quá trình đánh giá và thẩm định chặt chẽ, nghiêm túc; ngày 05/10/2018, Cơ sở sản xuất tôm giống của Tập đoàn Việt Úc tại phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu đã được công nhận là “Cơ sở sản xuất tôm giống đầu tiên của Việt Nam an toàn dịch bệnh theo khuyến cáo của OIE”.
Theo lãnh đạo Tập đoàn Việt - Úc, khu sản xuất tôm giống của Việt - Úc có vị trí tách biệt về mặt địa lý với các nguồn có nguy cơ ô nhiễm, dễ vệ sinh, sát trùng và không có rủi ro lây nhiễm. Đây là bước tiến hết sức quan trọng cho cả ngành tôm, mở ra cơ hội lớn cho con tôm Việt Nam có được “tấm vé vàng” để gia nhập vào các thị trường nhập khẩu khắt khe nhất trên thế giới.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, tôm có vị trí rất quan trọng trong lĩnh vực thủy sản. Nếu muốn tiếp cận với thị trường thế giới thì con tôm Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn quy định. Vì vậy, để nâng cao giá trị xuất khẩu ngành hàng tôm, không còn cách nào khác là phải sản xuất theo chuỗi công nghệ, đạt tiêu chuẩn 4.0, phải có vùng nuôi an toàn dịch bệnh theo khuyến cáo của tổ chức OIE.
Thứ trưởng đề nghị Tập đoàn Việt Úc cần tổ chức thực hiện tốt việc duy trì các điều kiện theo đúng khuyến cáo của OIE, theo hướng dẫn của Cục Thú y để bảo đảm không có các loại mầm bệnh xâm nhiễm từ bên ngoài, cũng như phát sinh tại cơ sở; Tiếp tục phát huy, nhân rộng mô hình xây dựng chuỗi sản xuất tôm an toàn dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu sản phẩm tôm ngày càng nhiều, đạt mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu đạt 10 tỷ USD vào năm 2025 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ trưởng cũng đề nghị các tỉnh, các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn của Trung ương và địa phương, nhất là là Cục Thú y và các doanh nghiệp sản xuất, chế biến tôm có tiềm năng cần tích cực chủ động, đầu tư nguồn lực để tổ chức xây dựng nhiều chuỗi sản xuất tôm an toàn dịch bệnh.