Có nên thưởng quà, đãi tiệc cho con sau kỳ thi vất vả?
Có những gia đình vay nợ vì những bữa tiệc được tổ chức phô trương, để con bằng bạn bằng bè, rạng rỡ mặt mày cha mẹ..
Cứ đến giai đoạn thi tốt nghiệp từ THCS đến THPT thì dân tình lại ồn ào chuyện kẹt xe, ngủ quên trễ giờ thi, chờ đợi con trước cổng trường; treo thưởng, tiệc tùng nếu kết quả thi tốt, thậm chí còn có cả những cú sốc tâm lý dẫn đến thiệt mạng của sĩ tử vì không đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ.
Đành rằng tất cả đều được hiểu như cách thể hiện tình yêu thương của cha mẹ đối với con cái, nhưng cũng cần hợp thời điểm và có tính giáo dục nhất định. Ví như trong giai đoạn thi của năm 2020 này, khi tình hình dịch bệnh đang diễn tiến phức tạp, và các cơ quan chức năng phải ráo riết vào cuộc ngăn chặn sự lây lan, thì các bậc cha mẹ vẫn tụ tập đội mưa nắng chờ con trước cổng trường.
Nhiều người đồng quan điểm: "Tất cả là vì con mà. Chỉ mong con hiểu bên ngoài cổng trường có cha mẹ dõi theo, thì con sẽ có động lực hoàn thành bài thi thật tốt”. “Ở nhà cũng không yên tâm, nên thôi, ra đây chờ để còn được chia sẻ cùng các cha mẹ khác, và cũng là động viên con”.
Trong những diễn biến khá phổ biến khác, nhiều phụ huynh thể hiện tâm huyết với việc học của con bằng cách… ban thưởng. “Chị vừa mua cho nó chiếc xe đạp xịn mấy triệu đồng, phần thưởng đậu lớp Mười đó”- chị hàng xóm tự hào khoe với tôi, con chị đậu vào trường chuyên hẳn hoi.
Nhiều phụ huynh khác xem việc mở tiệc mừng con tốt nghiệp/đậu đại học là chuyện phải làm.
Một gia đình ở Trung Quốc mới đây đã chi khoảng 150 triệu đồng tổ chức tiệc mừng cùng nhiều hình thức "vinh quy bái tổ" khi biết con đậu đại học. Tuy nhiên thực tế là cậu học sinh này đã bịa ra kết quả, làm giả giấy báo nhập học để lừa cha mẹ. Ảnh: Sina |
Thậm chí, có những gia đình phải đi vay nợ vì những bữa tiệc được tổ chức phô trương, để con bằng bạn bằng bè, rạng rỡ mặt mày cha mẹ sau hành trình dài nuôi con ăn học.
Có những bữa tiệc vui trở thành tiệc than oán vì xích mích khi có bia rượu, hoặc mất an toàn giao thông trên đường về…
Có những bữa tiệc bất chấp cả tình hình dịch bệnh, xem nguy cơ dịch không quan trọng bằng việc họ phải ăn mừng, phải ban thưởng cho con.
Trên mạng xã hội còn lưu thông tin quanh những tấm thiệp mời tiệc con đậu đại học tại nhà hàng, gây tranh cãi trong cộng đồng. Ảnh: Internet |
Dần dà, việc ban thưởng, việc thể hiện lo lắng trở thành một trách nhiệm của phụ huynh. Tâm lý này là dễ hiểu. Sở dĩ phụ huynh treo thưởng, là để tạo thêm động lực cho con cái học tập, và ý thức trách nhiệm.
Tuy nhiên, sự dễ dãi và thiếu quan tâm truyền tải thông điệp về món quà có thể làm trẻ ngộ nhận rằng cha mẹ có bổn phận tặng quà khi mình đạt được điểm số như họ mong muốn. Thậm chí dẫn đến nhầm lẫn về vai trò của bản thân trong việc học của chính mình, nhầm lẫn cả về mục tiêu lâu dài của việc học…
Mục tiêu của việc học dễ bị quy vào phần thưởng, vài kết quả ngắn hạn chứ không phải mục tiêu đúng đắn của sự hiểu biết, trưởng thành. Để rồi, trong những khả năng tiêu cực nhất, không ít học sinh khá giỏi đã không chịu nổi áp lực khi bị điểm kém, dẫn đến trầm cảm, lo sợ, thậm chí suy nghĩ dại dột …
Cha mẹ là người thầy đầu tiên và lâu dài nhất của con. Bởi thế, hành động hay suy nghĩ của cha mẹ sẽ ảnh hưởng đến việc hình thành tính cách của con. Cha mẹ trao quyền cho con, bên cạnh động viên, nâng đỡ ý thức tự giác cho con, sẽ giúp con trưởng thành mạnh mẽ và đủ sức giải quyết mọi vấn đề của cuộc sống. Điều đó quan trọng hơn tất cả mọi sự ban thưởng, bao bọc, chở che.
Thanh Nhiên
Theo www.phunuonline.com.vn