Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt tại thị trường UAE và Kuwait?
Cầu nối cho doanh nghiệp Việt
Ngày 25/9, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Tổng lãnh sự quán Kuwait tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Hành trình đến với thị trường Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và Kuwait”. Đây là hai thị trường đầy tiềm năng ở khu vực Trung Đông hiện nay.
Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Kuwait là 2 trong 6 quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (Gulf Cooperation Council – GCC). Đây là 2 quốc gia được đánh giá là có nhiều tiềm năng cho thương mại, đầu tư đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Tại hội thảo, ITPC đã cung cấp đến các doanh nghiệp nhiều thông tin về thể chế, kinh tế thương mại – đầu tư, văn hóa kinh doanh, thị hiếu tiêu dùng, nhu cầu hàng hóa tại UAE và Kuwait, cũng như những lưu ý khi thâm nhập thị trường.
Đại diện nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham dự hội thảo. |
Ông Jasem Abomarzouq, Phó Tổng lãnh sự Nhà nước Kuwait tại TP. Hồ Chí Minh vui mừng thấy sự quan tâm cũng như nỗ lực thúc đẩy cho mối quan hệ thương mại, đầu tư giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Kuwait nói riêng và khối các nước GCC nói chung. Ông Jasem Abomarzouq nêu ra rất nhiều lĩnh vực mà doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội giao thương, đầu tư tại Kuwait.
Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC cho biết, ITPC sẽ hỗ trợ doanh nghiệp khảo sát thực tế thị trường, nhu cầu tiêu dùng về lĩnh vực, ngành hàng mà doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu sang UAE và Kuwait như lương thực – thực phẩm, thực phẩm chế biến, vật liệu xây dựng, thủ công mỹ nghệ, dệt may, da giày, cơ khí - điện, điện tử, nhựa gia dụng…; tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giao thương giữa doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh và doanh nghiệp, các nhà mua hàng, đại diện kênh phân phối tại UAE và Kuwait một cách chặt chẽ hơn.
ITPC có thể hỗ trợ việc đưa hàng vào các siêu thị, sắp xếp các buổi làm việc, tìm kiếm cơ hội xuất hàng vào các chuỗi siêu thị lớn nhất của Dubai như Al Maya, Choithrams, Westzones…
Ngoài ra, ITPC đang tiếp nhận các doanh nghiệp trong các lĩnh vực bất động sản, dịch vụ, du lịch, ngân hàng, công nghệ thông tin, thực phẩm chế biến, nông sản, thủy sản, các sản phẩm công nghiệp,... và các sản phẩm có thế mạnh khác của TP. Hồ Chí Minh, đăng ký tham gia cùng Đoàn đại biểu cấp cao thành phố thăm, làm việc tại hai quốc gia trên.
Đâu là những mặt hàng tiềm năng?
Theo ITPC, UAE là thị trường có khả năng thanh toán cao, là địa bàn trung chuyển lớn nhất tại khu vực, có sức mua lớn và nhu cầu nhập khầu hàng hóa đa dạng với kim ngạch nhập khẩu năm 2017 khoảng 265 tỷ USD. Trong khi kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE năm 2017 đạt hơn 5 tỷ USD, chiếm chưa tới 2% thị phần.
Tiềm năng mở rộng và đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt Nam sang UAE còn rất lớn, tập trung ở một số mặt hàng như thủy sản, hạt tiêu, hạt điều, cà phê, rau quả, dệt may, giày dép, vật liệu xây dựng…
Nhóm nông, thủy sản gồm các mặt hàng gạo, chè, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, rau quả, cá tra, cá ba sa, tôm đông lạnh… là những mặt hàng có lợi thế, nhiều tiềm năng xuất khẩu sang UAE. UAE là thị trường tiêu dùng khá tốt và là trung tâm tái xuất nông sản của cả khu vực Trung Đông và châu Phi.
Ông Jasem Abomarzouq, Phó Tổng lãnh sự Nhà nước Kuwait tại TP. Hồ Chí Minh giới thiệu về cơ hội đầu tư tại Kuwait. |
Trong khi đó, theo ông Phạm Thiết Hòa, Kuwait là quốc gia giàu có tại khu vực Trung Đông, phải nhập khẩu hầu hết các loại hàng hóa, do vậy nhu cầu nhập khẩu tương đối lớn và đa dạng. Quốc gia này nhập khẩu các mặt hàng chính như điện tử, nông sản, thực phẩm, vật liệu xây dựng, máy móc, ô tô, hàng may mặc…
Việt Nam xuất khẩu sang Kuwait mới chỉ đạt khoảng 70 - 75 triệu USD/năm, chiếm khoảng 0,25% thị phần. Tiềm năng mở rộng và đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt Nam sang Kuwait còn rất lớn, tập trung vào một số mặt hàng như nông lâm thuỷ sản. Trong đó có các mặt hàng như chè, cà phê, hoa quả sấy khô, đóng hộp, nước uống lon, nước ép hoa quả, điều, tiêu…
Theo ông Jasem Abomarzouq, Phó Tổng lãnh sự Nhà nước Kuwait tại TP. Hồ Chí Minh, kim ngạch thương mại song phương giữa Kuwait và Việt Nam cả năm 2017 chỉ đạt 350 triệu USD. 8 tháng đầu năm 2018 kim ngạch song phương đã tăng gấp 4 lần so với cả năm 2017, đạt khoảng 1,43 tỉ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam vào Kuwait khoảng 54 triệu USD, nhập khẩu của Việt Nam từ Kuwait đạt 1,37 tỉ USD.
Nhiều hàng hóa của Việt Nam đã có mặt tại thị trường Kuwait từ nhiều năm nay như trái cây, hải sản đông lạnh, gạo, giày dép, vật liệu xây dựng, than củi, mỹ phẩm, nước uống giải khát, kẹo bánh…
“Trong tương lai, Kuwait mong muốn hàng hóa của Việt Nam có mặt ngày càng nhiều hơn nữa tại thị trường Kuwait nói riêng và thị trường các nước GCC nói chung", ông Jasem Abomarzouq kỳ vọng.