Cơ hội để một tỉnh nghèo “đuổi kịp, tiến cùng” các địa phương khác
“Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã tăng cường chỉ đạo, triển khai đồng loạt các nhiệm vụ trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, xã hội số và kinh tế số. Yên Bái đã làm theo cách đặc trưng riêng của tỉnh đúng theo tinh thần chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2022: Chuyển đổi số là cơ hội để một tỉnh nghèo như Yên Bái dù “đi sau”, nhưng có thể “đuổi kịp, tiến cùng”, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các tỉnh, thành phố khác”, ông Hoàng Minh Tiến, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái cho biết.
Xác định chuyển đổi số cần lấy người dân làm trung tâm, chủ thể và động lực, tất cả các kế hoạch, chương trình, mô hình chuyển đổi số của Yên Bái trong năm 2022 đều đặt mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Một trong những giải pháp then chốt thực hiện mục tiêu này là việc thành lập các Tổ chuyển đổi số cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn. Tổ chuyển đổi số cộng đồng tham gia thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh, huyện hoặc xã.
“Đến hết tháng 6/2022, 100% cấp xã (173/173) đã có Tổ chuyển đổi số cộng đồng với 1.744 thành viên, và 100% cấp thôn (1356/1356) đã thành lập Tổ chuyển đổi số cộng đồng với 9.107 thành viên. Với kết quả này, tỉnh Yên Bái là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên trên cả nước (cùng Lạng Sơn, Thái Nguyên) thành lập được 100% Tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp xã, cấp thôn”, Giám đốc Hoàng Minh Tiến phấn khởi chia sẻ.
Mô hình công dân số được Yên Bái đặc biệt quan tâm triển khai với nhiều hoạt động như: Phát động phong trào thi đua “Tự hào tôi là công dân số” tại xã Đông Cuông; Gắn việc tuyên truyền, vận động, phát triển công dân số với việc triển khai giải pháp “Đưa nền tảng số đến người dân” trong các Tuần cao điểm chuyển đổi số, Tháng cao điểm chuyển đổi số, Ngày hội chuyển đổi số tại các xã, thị trấn, các trường học,…
Dự kiến đến hết năm 2022, toàn huyện sẽ có 55.000 công dân số, đạt 67,4% so với tổng số công dân trong độ tuổi lao động của huyện.
Đặc biệt, Yên Bái là tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành Bộ chỉ tiêu đánh giá công nhận xã, phường, thị trấn chuyển đổi số/chuyển đổi số nâng cao trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2022 - 2025, gồm 4 nhóm chỉ tiêu với tổng số 17 chỉ tiêu cụ thể. Dự kiến, Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ thông qua Nghị quyết Quy định chính sách để thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó, sẽ có cơ chế thưởng cho cấp xã được công nhận chuyển đổi số là 100 triệu đồng/xã và 150 triệu đồng/xã được công nhận chuyển đổi số nâng cao. Như vậy, Yên Bái đã biến chuyển đổi số thành phong trào giống như phong trào xây dựng nông thôn mới”.
Được biết, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái về chuyển đổi số (Nghị quyết số 51) đã xác định rõ 15 mục tiêu của ba trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; tương ứng với đó là 5 nhiệm vụ, giải pháp lớn xuyên suốt cả giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030.
Để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, Yên Bái triển khai các mô hình điểm về chuyển đổi số để từ đó đánh giá, nhân rộng là từ dưới lên.
Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các kế hoạch triển khai nhân rộng mô hình “Chuyển đổi số tại các sở, ngành”, “Chuyển đổi số tại trường học”, “Xã chuyển đổi số”, “Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt”…
Một kinh nghiệm hay của Yên Bái là huy động lực lượng công nghệ thông tin trong và ngoài tỉnh, trong hệ thống chính trị và ngoài hệ thống chính trị (tư nhân) tham gia các nhiệm vụ chuyển đổi số cấp tỉnh. Trong đó lấy lực lượng cán bộ của doanh nghiệp bưu chính, viễn thông và CNTT làm lực lượng nòng cốt.
Chính quyền các cấp đã đề nghị các doanh nghiệp cử cán bộ tham gia các Tổ triển khai chuyển đổi số; đào tạo, tập huấn, truyền thông về chuyển đổi số; hỗ trợ cung cấp, triển khai các nền tảng, ứng dụng tại các cơ quan, đơn vị và có hỗ trợ giảm giá cước cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và nhà văn hoá tại các thôn, bản, tổ…
Với cách làm như trên, trong năm 2022, Yên Bái xếp hạng thứ 27/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số, tăng 13 bậc so với năm 2020; xếp thứ nhất về tốc độ phát triển, tốc độ thay đổi xếp hạng trong 14 tỉnh thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Việt Hà