Cô giáo 9X xinh đẹp chia sẻ phương pháp giáo dục học sinh lớp 1 'nhàn hạ' và hiệu quả

Phương pháp giáo dục học sinh lớp 1 của cô giáo Ngọc Anh được nhiều phụ huynh ủng hộ, làm theo và thu được hiệu quả tốt.

Hạnh phúc khi được trở lại bục giảng sau 2 năm chịu ảnh hưởng của Covid-19

Cô giáo Lương Ngọc Anh (sinh năm 1995) là một trong những giáo viên tiểu học thường xuyên giành được nhiều sự quan tâm trên mạng xã hội. Nữ giáo viên này luôn có nhiều phương pháp giáo dục trẻ hay, hiệu quả, được rất nhiều phụ huynh áp dụng và thành công.

Trở lại bục giảng sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cô Ngọc Anh không giấu nổi sự hạnh phúc và xúc động. Khi được tương tác trực tiếp với các bé, nữ giáo viên 9X cảm thấy yêu thương học trò như chính người thân trong gia đình mình.

Cô giáo tiểu học Lương Ngọc Anh

Cô Ngọc Anh chia sẻ với Infonet: "Qua nhiều năm dạy lớp 1 mình nhận ra rằng lớp 1 bao giờ cũng là khoảng thời gian nhiều kỉ niệm đáng nhớ của mỗi bạn nhỏ. 

Mình nhớ ngày khai giảng vừa qua, lớp mình có 3 học sinh nam đang dự lễ khai giảng thì cùng khóc òa lên vì nhớ mẹ. Lúc đó mình chạy lại, ôm cả ba bạn vào lòng. Một lúc lâu sau các bạn mới nín khóc, vui cùng các bạn trong lớp. Khoảnh khắc ấy mình cảm giác mình là mẹ của 3 đứa con vậy, chỉ ước cánh tay có thể dang rộng hơn nữa để vỗ về, yêu thương các con, xóa tan đi sự bỡ ngỡ, lạ lẫm và lo sợ của các con ngày đầu tiên đi học.

Với mình, mỗi ngày được dạy các bạn nhỏ lớp 1 đều là khoảng thời gian trải nghiệm nhiều ý nghĩa. Các con còn ngây thơ, non nớt, rất đáng yêu. Năm học này lớp mình có một bạn nhỏ gặp chút khó khăn về ngôn ngữ. Con giao tiếp bằng Tiếng Anh rất tốt nhưng lại chưa giao tiếp được nhiều bằng Tiếng Việt.

Nhớ hồi đầu năm học, con thường xuyên không thực hiện những yêu cầu của thầy cô giáo. Thầy cô nói gì cũng thấy con chỉ ngồi yên, không thực hiện. Và thế là mình thử đưa ra các yêu cầu bằng Tiếng Anh với con. Điều khiến mình bất ngờ là con vui vẻ và nhanh chóng làm theo yêu cầu đó. Khi đó mình mới biết con chưa hiểu hết lời cô nói bằng Tiếng Việt. Vậy là mình đã tiếp cận con bằng Tiếng Anh, sau đó mới dạy Tiếng Việt cho con. Cho đến giờ, con đã quen với các yêu cầu bằng Tiếng Việt của thầy cô và tự giác thực hiện khá tốt rồi!

Một trường hợp khác, lớp mình có một học sinh nam bị chứng sợ tiếng ồn. Mỗi khi nghe tiếng ồn của cả lớp trong các giờ ăn trưa, giờ ra chơi, con thường hoảng sợ và khóc rất nhiều. Mình đã vỗ về, trấn an con, kịp thời trao đổi với phụ huynh để cho con làm quen dần với lớp học.

Ban đầu con đến lớp một vài giờ, sau đó đến nửa ngày, và thời gian sau con mới đi học cả ngày như các bạn khác. Cho đến giờ, con đã làm quen được với môi trường lớp học, với thầy cô và bạn bè, không còn khóc nữa. Gia đình và giáo viên chủ nhiệm như mình cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi con tiến bộ!".

Nhiều năm dạy lớp 1, cô Ngọc Anh có nhiều kỷ niệm đáng nhớ với học sinh.

Theo cô Ngọc Anh, trẻ "đại học chữ to" là vậy. Giáo viên cần trở thành người bạn lớn của con, trước khi là người thầy của các bé. Khi mối quan hệ của cô giáo và các con thực sự được kết nối, các bạn nhỏ lớp 1 thể hiện tình cảm chân thành và ngọt ngào lắm! Nhờ đó việc học tập của các em cũng hiệu quả và vui vẻ hơn rất nhiều.

Phụ huynh cần tham gia vào việc học hành của con

Ngày nay, có quá nhiều phụ huynh lo lắng rằng những thiết bị điện tử như điện thoại, TV hay máy tính bảng sẽ làm con trẻ dễ bị phân tâm, thậm chí nhiều trường hợp trở nên tăng động giảm chú ý. 

Theo cô giáo Lương Ngọc Anh, phụ huynh cần theo dõi xem con mất tập trung ở mức độ nào, liệu con có thực sự “tăng động giảm chú ý” (bệnh lí) hay chỉ hiếu động quá mức để có phương pháp giúp đỡ phù hợp. Nếu con có những biểu hiện tăng động giảm chú ý, bố mẹ nên cho con đi khám để có phương pháp điều trị thích hợp. Nếu con hiếu động thông thường, bố mẹ có thể rèn luyện sự tập trung cho con tại nhà.

"Một cách rèn sự tập trung cho trẻ hiệu quả đó là bố mẹ làm gương. Con sẽ nhìn theo người lớn và bắt chước. Nếu bố mẹ làm việc tập trung, cho con quan sát điều đó, con cũng sẽ có ý thức thực hành giống cha mẹ mình.

Bên cạnh đó, để rèn luyện sự tập trung cho con, bố mẹ hãy cho con một không gian đủ tĩnh lặng, không bị tác động bởi âm thanh tiếng ồn hay những món đồ sặc sỡ dễ gây chú ý. Bố mẹ hãy để những đồ vật đó ở xa khu vực học tập của các con.

Có rất nhiều cách đơn giản, dễ thực hiện để bố mẹ rèn luyện sự tập trung cho con ở lứa tuổi này. Mình xin gợi ý một vài hoạt động:

- Bố mẹ cùng con giải một bài toán (Khuyến khích các dạng bài toán tư duy, cần khả năng tập trung quan sát như tìm điểm giống nhau – khác nhau; các dạng bài đếm số lượng với mức độ nâng cao, dạng bài toán tìm đường đến đích…).

- Bố mẹ cùng con tập trung vẽ hoặc tô màu một bức tranh.

- Bố mẹ cùng con tập trung luyện viết chữ thật nắn nót, cẩn thận.

- Bố mẹ cùng con chơi cờ, làm đồ handmade thủ công hoặc tự làm món đồ chơi nào đó…

Và còn rất nhiều các hoạt động khác nữa. Chỉ cần bố mẹ dành cho con thời gian, một không gian yên tĩnh cùng với sự kiên trì của bố mẹ, chắc chắn con sẽ rèn được sự tập trung nhanh chóng", nữ giáo viên cho hay.

Cô Ngọc Anh cùng các học sinh trong ngày khai giảng

Theo cô giáo Ngọc Anh, trẻ không chỉ học mỗi trong sách giáo khoa mà cần có những trải nghiệm những kiến thức mới trong cuộc sống hằng ngày, học hỏi để phát triển các kỹ năng.

Ở lứa tuổi tiểu học, các bé nên làm quen bảng chữ cái, làm quen các số có một chữ số, biết đếm số lượng… Đây là kiến thức nền tảng để con phát triển mai sau.

“Hãy cung cấp cho con những kiến thức và trải nghiệm mới, phù hợp lứa tuổi ngay từ khi con còn nhỏ. Mình thấy các con luôn có nhu cầu được học hỏi, khám phá thêm nhiều điều mới lạ. Bố mẹ đừng nghĩ “học” là điều gì lớn lao và làm mất đi tuổi thơ của con. Hãy xem việc học đơn giản như con đang khám phá và trải nghiệm những điều mới lạ vậy”, cô Ngọc Anh nhắn nhủ.

Giáo viên là phải yêu trẻ

Theo cô Ngọc Anh, nghề giáo là một nghề khó. Giáo viên cấp 1, đặc biệt là giáo viên dạy lớp 1 còn khó hơn nhiều nữa. Lý do là vì giáo viên lớp 1 thường mất một khoảng thời gian đầu tiên để tìm hiểu, thấu hiểu học sinh. Mỗi bạn một cá tính khác nhau, làm sao để xây dựng nền nếp lớp học, có những phương pháp phù hợp riêng với từng bạn.

Bên cạnh đó vẫn phải đảm bảo lượng kiến thức theo đúng chương trình học. Hơn nữa, phải luôn sát sao, giữ an toàn cho các con, chăm từng bữa ăn, giấc ngủ. Chỉ cần kể tên những công việc đó thôi, chắc các bố mẹ cũng hình dung ra được công việc của một giáo viên lớp 1 vất vả thế nào.

Cô giáo 9X cho rằng, chỉ những ai yêu trẻ mới có thể dạy được chúng, và chỉ có như thế họ mới thường xuyên tìm tòi các phương pháp giáo dục phù hợp nhất với học sinh của mình. 

Với mình, một người giáo viên luôn cần thấu hiểu đối tượng mà mình muốn giáo dục. Mình có đam mê nghiên cứu tâm lý giáo dục, đặc biệt ở lứa tuổi lớp 1. Qua trải nghiệm dạy lớp 1 nhiều năm liền, mình thấy những giáo viên nắm bắt được tâm lí của học sinh thường sẽ có phương pháp giảng dạy hiệu quả, dễ dàng hơn. Khi giáo viên tìm hiểu và thấu hiểu học sinh, việc dạy và học trở nên thực sự hạnh phúc. Bản thân mình luôn thu nhỏ mình lại, sống trong thế giới của các con lớp 1 để thấu hiểu, cảm thông và trở thành một người bạn lớn của các con. Đôi lúc mình lại là một người mẹ tận tình, yêu thương, chăm lo cho các con như chính con trai, con gái của mình.

Trong quá trình dạy lớp 1 nhiều năm liền, mình đã tìm ra những phương pháp dạy học lớp 1 rất dễ dàng và hiệu quả. Mình hi vọng sự chia sẻ những phương pháp hữu ích này tới thật nhiều bố mẹ có con học lớp 1 trên khắp cả nước sẽ giúp việc học của các con nhẹ nhàng và có hiệu quả cao hơn, các con được học tập trong hạnh phúc”, cô giáo Ngọc Anh nói.

Bạch Dương

Ảnh: NVCC

Nam sinh mồ côi bố giành học bổng 7 tỷ: Làm nghề bưng bê lấy tiền thi IELTS, SAT

Biến cố mất bố vào năm lớp 2 khiến Quang dần thu mình, không muốn giao tiếp với ai. Cho đến tận đầu năm lớp 8, em mới bắt đầu có khát khao xóa bỏ con người nhút nhát để bước ra khỏi vùng an toàn.

Đam mê về game đưa nữ sinh trúng tuyển ĐH Mỹ, học bổng 6,6 tỷ

Tự tin chọn lối đi riêng với niềm đam mê về game, Trịnh Bảo Hân (học sinh lớp 12 Anh 2 trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam) vừa giành học bổng trị giá 6,6 tỷ đồng vào ĐH Drexel, Mỹ.

'Tôi nghỉ việc để giữ sự uy nghiêm cuối cùng của người thầy'

Trước áp lực của học sinh và phụ huynh, sau một tình huống sư phạm gây tranh cãi, cô H. đã quyết định nộp đơn nghỉ việc, chia tay với nghề đã nhiều năm gắn bó.

Nữ sinh xứ Nghệ trúng tuyển 9 đại học Mỹ

Từ Nghệ An ra Hà Nội học trong môi trường hoàn toàn bằng tiếng Anh, Quỳnh Anh phải chật vật để bắt kịp với các bạn. Nhưng cũng chính cú sốc ấy đã tạo đà giúp nữ sinh chinh phục hàng loạt đại học hàng đầu nước Mỹ.

Người lao công ăn bánh mì trên phố 'giúp' nữ sinh Hà Nội vào ĐH top đầu Mỹ

Thay vì chọn những ngành học đang được coi là thời thượng, Võ Nguyễn Gia Minh (học sinh lớp 12, Hà Nội) quyết theo đuổi ngành Khoa học môi trường ở đại học công lập top đầu Mỹ với khát khao trở về giúp đất nước xanh và sạch hơn.

Cuộc thi sáng tạo STEM thu hút hàng trăm nghìn giáo viên, học sinh tham gia

Cuộc thi nhằm đem đến cho các em học sinh cơ hội ứng dụng kiến thức giáo dục STEM liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học để tìm ra và hiện thực hóa các giải pháp sáng tạo.

Giảng viên trình độ giáo sư, tiến sĩ phía Bắc nhiều hơn các vùng khác cộng lại

Theo Bộ GD-ĐT, hiện nay quy mô và chất lượng giảng viên được nâng lên rõ rệt trong những năm qua. Riêng vùng Đồng bằng sông Hồng, số người có trình độ tiến sĩ bằng cả nước cộng lại.

'Khóc ròng' ở trường quốc tế học phí tiền tỷ: Đi không được, ở cũng không xong

Tin tưởng nhà trường, không ít phụ huynh ‘xuống tiền’ cho vay từ vài tỷ đến chục tỷ. Đổi lại, học sinh sẽ được học tập với mức chi phí 0 đồng. Đây cũng là nguồn cơn khiến nhiều phụ huynh ‘khóc ròng’ vì chờ mòn mỏi nhưng không đòi được “nợ”.

Học sinh lớp 11 Hà Nội lọt nhóm đầu tư chứng khoán xuất sắc tại trường Mỹ

Trong vòng 1 tháng khi tham gia trên sàn giao dịch chứng khoán ảo, Thái Toàn làm tăng khối lượng “tài sản” từ 1 triệu USD lên 7,5 triệu USD.

Tình tiết lạ vụ học sinh nghi bị thầy giáo đánh phù nề vùng đầu

Một số học sinh khẳng định thầy giáo có dùng que nhỏ đánh vào đầu Q., nhưng số khác cho biết do Q. đi xe đạp buông hai tay nên bị ngã ra đường.

Đang cập nhật dữ liệu !