Có con gái, tôi chẳng bao giờ cho đi thi hoa hậu nhí!
Mấy ngày qua, dư luận xôn xao khi cô bé 14 tuổi V.H.D đăng quang tại một cuộc thi hoa hậu nhí diễn ra tại Ai Cập.
Trái ngược với sự vui mừng khi Thuỳ Tiên được xướng tên cho ngôi vị cao nhất tại Hoa hậu Hoà bình Quốc tế cách đây không lâu, khi nhìn bé V.H.D mặc đầm dạ hội đội vương miện, tôi thấy e ngại nhiều hơn. Chiếc váy đỏ choé, ôm sát khoe đường cong cơ thể, gương mặt dày cộm son phấn... rõ ràng không phù hợp với trẻ con ở ngưỡng tuổi này.
Một gương mặt nhí được Hương Giang và "đương kim hoa hậu" (cũng ở tuổi nhí) trao vương miện tại cuộc thi Miss Baby Vietnam 2020 |
Sẽ có ý kiến cho rằng tôi quá hà khắc, bởi đây chỉ đơn thuần là một cuộc chơi. Nhưng đây không phải là trường hợp đầu tiên để tôi suy nghĩ như thế. Vài năm qua, trẻ từ 5 tuổi trở lên liên tục được mang đi thi thố ở các cuộc thi sắc đẹp trong và ngoài nước như: T.T, D.N.H, N.N.T.A, N.N.L.V... Con số ngày càng tăng dần. Liệu trong tương lai gần, thi hoa hậu nhí sẽ trở thành một trong những thước đo vô hình được áp lên cuộc sống của những bé gái?
Dù muốn hay không, với cuộc thi hoa hậu, nhan sắc vẫn phải là yếu tố hàng đầu. Vài năm qua, nhiều sân chơi bắt đầu có sự thay đổi tiêu chí, hoặc đánh vào truyền thông rằng chấp nhận vẻ đẹp khác biệt, tôn trọng sự đa dạng… nhưng thí sinh chiến thắng, hoặc lọt top cao đều phải có nhan sắc nổi bật. Đó là sự thật không thể chối cãi. Việc để trẻ sớm tiếp xúc với tiêu chuẩn đánh giá giá trị con người dựa trên hình thức, tôi nghĩ chưa bao giờ là điều tốt. Đặc biệt, ở lứa tuổi này, tâm lý, nhận thức của trẻ chưa phát triển toàn diện, mấy ai dám chắc sẽ không gây ra những ảnh hưởng tiêu cực?
V.H.D. (13 tuổi) đăng quang cuộc thi hoa hậu nhí tại Ai Cập cách đây vài ngày |
Trong khi đó, xã hội đang dịch chuyển theo hướng giáo dục con người tôn trọng mọi sự khác biệt trong bối cảnh có quá nhiều sự phân biệt đối xử dựa trên ngoại hình, chủng tộc, màu da… Liệu việc đẩy con trẻ đến các cuộc chơi này, có phải là quyết định phù hợp?
Chưa kể, dù là "nhí", các bé vẫn tô son trát phấn, thậm chí khoác lên mình những bộ cánh hở hang không hề thuộc về số tuổi.
Những năm qua, việc đưa con trẻ thi thố ở các cuộc chơi mang tính cạnh tranh đã nhiều lần gây tranh cãi. Riêng tôi, ở phe không ủng hộ. Chúng ta đã thấy những giọt nước mắt khi con trẻ bị đặt vào chuyện thắng thua. Nhiều bé không thắng giải có tâm lý nặng nề, vì chúng chìm trong cảm giác mình không giỏi, thấp kém so với bạn bè…
Cô bé T.T (5 tuổi) đăng quang cuộc thi hoa hậu nhí hồi vào 2018 |
Áp lực từ chuyện thi cử, kỳ vọng của gia đình, người lớn cũng đẩy không ít trẻ nhỏ vào tình thế căng thẳng. Chưa kể, những cuộc chơi này nhuốm màu tiêu cực, được thể hiện từ cách ứng xử giữa phụ huynh với nhau cho đến phụ huynh với đối thủ của con mình.
Năm 2014 - 2016, loạt báo quốc tế tiếp cận được với các lò đào tạo hoa hậu nhí tại Venezuela. Các cô bé 5 tuổi đã được đi giày cao, tập tô son phấn, ăn kiêng, tắm nắng, dùng mỹ phẩm, chỉnh xương, thậm chí ngồi hay nói chuyện đều theo khuôn mẫu do người lớn đặt ra. Không ít người phải giật mình vì tuổi thơ bị đánh cắp của trẻ. Một phóng viên của tờ People phải thốt lên rằng không thể tin được khi một cô bé chỉ 6 tuổi nhưng cách đi đứng, nói chuyện y hệt người lớn.
Tại Việt Nam, thời gian vừa qua, các mô hình đào tạo trẻ thi hoa hậu cũng manh nha xuất hiện. Dẫu tính chất có nhẹ nhàng hơn nhưng thật khó tưởng tượng hoặc chấp nhận nếu trong tương lai việc này càng được đẩy mạnh, khi các cuộc thi nhan sắc nhí được tung hô vô tội vạ trên truyền thông, mạng xã hội.
Các cô bé trong lò đào tạo hoa hậu ở Venezuela |
Chưa kể, nạn lạm dụng tình dục trẻ em gái đang trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện tại. Tháng 12/1996, hoa hậu nhí nước Mỹ JonBenet bị xâm hại tình dục, giết chết, giấu xác ở hầm rượu. Câu chuyện cũ nhưng cũng khiến không ít người rùng mình mỗi khi nhắc lại.
Thực tế, việc tấn công, xâm hại tình dục trẻ em nữ không chỉ diễn ra ngoài đời thực mà còn trên mạng xã hội. Tại Mỹ, Trung tâm quốc gia về trẻ em mất tích và bị bóc lột mỗi ngày phải xử lý 60.000 báo cáo về lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến. Việc biến trẻ thành người đẹp “chín ép” có làm gia tăng nguy cơ này hay không cũng là câu hỏi tôi tin sẽ không ít người trăn trở.
Tháng 4/2018, Bolivia đã ra sắc lệnh cấm trẻ em thi nhan sắc, cấm tổ chức các cuộc thi hoa hậu dành cho thiếu nhi. Pháp còn có động thái cứng rắn hơn ngoài lệnh cấm như trên: Nếu bố mẹ cố ý gửi con cái đến các cuộc thi nhan sắc sẽ bị phạt 30.000 Euro, thậm chí bị tù đến 2 năm. Những lệnh cấm này hoàn toàn có căn cứ, xuất phát từ những tác động tiêu cực của các sân chơi này.
Tôi ủng hộ các sân chơi nhan sắc vì ở đó phái đẹp được thể hiện bản thân trong nhiều khía cạnh. Nhưng đó phải là những phụ nữ trưởng thành, đủ nhận thức, còn trẻ em thì không.
Hà Xuyên (TP. Thủ Đức)
Vừa sinh con gái thứ 3, tôi thất vọng quay mặt vào tường thì mẹ chồng nói điều này
Tôi cứ nghĩ sinh đứa thứ 3 là con gái thì mẹ chồng sẽ chẳng thèm đến thăm.
Theo www.phunuonline.com.vn