Cơ chế hoạt động của Trường Đại học Luật TP.HCM khi đổi mới
Mục tiêu chung
Phát triển Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Trường) thành trường đại học định hướng nghiên cứu với các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; hoạt động tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, trách nhiệm bảo đảm các đối tượng chính sách, đối tượng thuộc hộ nghèo có cơ hội học tập, nghiên cứu tại Trường.
Mục tiêu cụ thể:
Nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm cho người học được đào tạo theo đúng cam kết đã được Trường công bố; được ứng dụng khoa học công nghệ; được rèn luyện kỹ năng và trau dồi phẩm chất đạo đức nghề nghiệp;
Phát triển các chương trình đào tạo trên cơ sở kế thừa có chọn lọc các chương trình đào tạo của các trường đại học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, phù hợp với điều kiện thực tế, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội;
Phát triển quy mô đào tạo hợp lý; chú trọng đào tạo các chương trình chất lượng cao và theo nhu cầu xã hội;
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học cả về nghiên cứu hàn lâm và nghiên cứu ứng dụng. Tăng cường nguồn thu từ các hoạt động nghiên cứu khoa học; tăng cường hợp tác quốc tế để hỗ trợ hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Xây dựng hệ thống tổ chức bộ máy và nhân sự theo mô hình của các trường đại học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; cải cách thủ tục hành chính trong Trường trên cơ sở áp dụng công nghệ thông tin vào hệ thống quản lý chất lượng nhằm nâng cao năng lực quản trị nhà trường, tạo môi trường và điều kiện phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh của Trường;
Thực hiện trách nhiệm xã hội của một trường công lập trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật với các chính sách học bổng, khuyến khích học tập và tín dụng sinh viên; tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng chính sách, đối tượng nghèo, hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được học tập tại Trường;
Thực hiện tự chủ và chịu trách nhiệm trong việc lập kế hoạch và quyết định sử dụng kinh phí từ các nguồn thu hợp pháp của Trường để đầu tư cho cơ sở vật chất theo quy định của Nhà nước.
Trường được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các nội dung sau đây:
Về thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học:
Quyết định mở ngành, chuyên ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ theo nhu cầu xã hội khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, phù hợp với định hướng phát triển của Trường;
Xác định chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh theo đề án tuyển sinh của Trường, bảo đảm tính công khai, minh bạch và thực hiện chế độ ưu tiên trong tuyển sinh theo quy định;
Quyết định các hoạt động đào tạo (chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy; ngôn ngữ giảng dạy, phương pháp thi; kiểm tra đánh giá kết quả học tập; giáo trình, học liệu và quản lý đào tạo; in, cấp phát và quản lý văn bằng, chứng chỉ); bảo đảm chuẩn đầu ra mà Trường đã cam kết;
Thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định; từng bước được các tổ chức kiểm định quốc tế công nhận;
Quyết định hợp tác trong nghiên cứu và triển khai với các đối tác quốc tế, nhất là với các tổ chức phi chính phủ; tổ chức thực hiện các chương trình liên kết đào tạo;
Quyết định hoạt động nghiên cứu khoa học; khuyến khích thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học; quyết định tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ, dịch vụ khoa học công nghệ, tổ chức hội thảo với các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước;
Thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, bao gồm cả dịch vụ do Nhà nước đặt hàng.
Về tổ chức bộ máy, nhân sự:
Hội đồng trường là tổ chức quản trị, đại diện quyền sở hữu của Trường, có nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 16 của Luật Giáo dục đại học. Hội đồng trường bầu Chủ tịch Hội đồng trường và các chức danh Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng; đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ nhiệm hoặc công nhận;
Quyết định và chịu trách nhiệm về việc thành lập mới, tổ chức lại, sáp nhập, chia, tách, giải thể các đơn vị trực thuộc; quy định chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động của các đơn vị trực thuộc bảo đảm phát huy hiệu quả hoạt động của bộ máy;
Quyết định tiêu chuẩn, số lượng, cơ cấu lao động, vị trí việc làm, tuyển dụng, quản lý, sử dụng, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ viên chức và lao động hợp đồng trên cơ sở quy chế và chủ trương được Hội đồng Trường thông qua; quyết định việc ký kết, chấm dứt hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động trong các đơn vị trực thuộc theo quy định của pháp luật;
Quyết định việc giao kết hợp đồng lao động với giảng viên, nhà khoa học, nhà quản lý trong nước và ngoài nước để thực hiện các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học của Trường, đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo.