Có các dấu hiệu này trong 2 tuần, chị em phụ nữ nên đến khám bác sĩ sớm nhất
Bà Nguyễn Thị L. (trú tại quận 8, TP.HCM) đến bệnh viện khám trong tình trạng mệt mỏi, đi tiểu thường xuyên. Bà L. cho biết bị chướng bụng, bụng căng từ mấy tháng trước nhưng nghĩ do rối loạn tiêu hóa nên chỉ uống thực phẩm chức năng chữa rối loạn tiêu hóa mà không đi khám.
Gần đây, tình trạng nặng hơn, bà cảm giác chán ăn, mệt mỏi, đi tiểu nhiều, đau vùng xương chậu. Đến bệnh viện, bác sĩ siêu âm ổ bụng thấy nhiều u ở vùng chậu nên giới thiệu bà lên tuyến cao hơn khám.
Kết quả khiến cả gia đình bà L. bất ngờ đó là ung thư buồng trứng. Bác sĩ đã phải phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng, mạc nối lớn.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến – Trưởng khoa Ngoại phụ khoa, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, ung thư buồng trứng không phải là hiếm trong các bệnh ung thư ở nữ giới, tuy nhiên, nhiều chị em còn chủ quan và đa phần phát hiện khi ung thư đã tiến triển.
Có những bệnh nhân thấy bụng chướng, to hơn nghĩ rằng béo bụng. Cũng có chị em cho các dấu hiệu cảnh báo ung thư là bình thường ở phụ nữ. Thậm chí trẻ em cũng có thể bị ung thư buồng trứng.
BS Tiến cho biết ông từng tiếp nhận những học sinh thấy bụng to và đau bụng nên được cha mẹ đưa đi khám thì phát hiện ung thư buồng trứng.
Buồng trứng là một trong những cơ quan sinh sản của phụ nữ, mỗi phụ nữ có 2 buồng trứng, chúng nằm trong khung chậu, ở 2 bên tử cung và nối với tử cung qua 2 ống dẫn trứng.
Chức năng của buồng trứng là sản xuất ra trứng tham gia vào quá trình thụ tinh và sản xuất ra nội tiết tố nữ gồm estrogen và progesterone. Hai loại nội tiết tố do buồng trứng tiết ra có tác động đến quá trình phát triển cơ thể người phụ nữ và liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, mang thai.
Ung thư buồng trứng xảy ra khi các tế bào bình thường của buồng trứng chuyển thành ác tính và tăng trưởng không kiểm soát.
Ung thư buồng trứng trước đây được cho là chỉ khởi nguồn từ buồng trứng, nhưng những bằng chứng gần đây đã cho thấy rất nhiều ung thư buồng trứng có thể xuất phát từ các tế bào ở đoạn xa của vòi trứng.
Theo BS Tiến ước tính, năm 2018 trên toàn cầu có 295.414 ca mắc ung thư buồng trứng, và có tới 184.799 trường hợp tử vong.
Tại Việt Nam, ung thư buồng trứng là ung thư thường gặp đứng hàng thứ 12 ở nữ, ước tính năm 2018 có 1.500 ca mới mắc và 856 ca tử vong.
Đánh giá về mức độ nguy hiểm, ung thư buồng trứng là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các bệnh lý ung thư phụ khoa với tỉ lệ sống sót sau 5 năm chỉ khoảng 40%.
Nếu được phát hiện sớm, ung thư buồng trứng sẽ có tỷ lệ sống cao. Các triệu chứng của ung thư buồng trứng, theo bác sĩ Tiến, nhiều phụ nữ thường chủ quan và bỏ qua các triệu chứng của ung thư buồng trứng vì chúng đôi khi có thể bị nhầm lẫn với các triệu chứng có thể gặp trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc với các rối loạn tiêu hóa, rối loạn tiết niệu ít nghiêm trọng hơn.
Các triệu chứng phổ biến của ung thư buồng trứng bao gồm cảm giác chướng bụng, đau vùng chậu, bụng, khó ăn, ăn nhanh. Chị em cảm thấy thường xuyên muốn đi tiểu, người mệt mỏi, bụng khó chịu, ợ chua như bệnh lý dạ dày, thay đổi kinh nguyệt
Bác sĩ Tiến cho rằng, nếu chị em gặp một trong số triệu chứng trên và kéo dài hơn hai tuần, cần đi khám sớm để phát hiện bệnh kịp thời.
Theo bác sĩ Tiến, mang thai và cho con bú có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư buồng trứng, cũng như việc sinh nhiều con trước 26 tuổi.
Ung thư buồng trứng có yếu tố di truyền, việc tầm soát gen đột biến BRCA1 và BRCA2 để dự phòng cũng có hiệu quả cho chị em.
BS Tiến cho biết, so với ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng khó tầm soát hơn. Nhiều người lầm tưởng rằng xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung có thể phát hiện ung thư buồng trứng. Trên thực tế, tại thời điểm này không có xét nghiệm tầm soát định kỳ đáng tin cậy về ung thư buồng trứng, vì vậy, phụ nữ có tiền sử gia đình mắc bệnh hoặc các yếu tố nguy cơ khác nên nói chuyện với bác sĩ về xét nghiệm di truyền và các bước khác để theo dõi hoặc giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.
K.Chi