Clip đen nhanh nhản, dạy trẻ tự phòng tránh thế nào?
Trong những lúc rảnh rỗi, việc con cái mượn điện thoại của bố mẹ để lướt mạng Facebook, YouTube hay TikTok dường như đã trở thành thói quen của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, clip đen nhan nhản trên các nền tảng này khiến phụ huynh vô cùng bối rối…
Clip đen nhan nhản, được quảng cáo công khai
Vứt chiếc điện thoại lên bàn ăn để vào tắm, lát sau chị Đỗ Thị Hà (Thường Tín, Hà Nội) ra sấy tóc và lấy điện thoại để đặt hàng cho buổi chợ ngày mai thì thấy con trai 8 tuổi của chị đang cầm nghịch máy. Thói quen “sểnh” ra là trẻ con lại lấy máy của chị vào chơi game, lướt TikTok hay YouTube đã trở thành thói quen của chúng. Thôi thì cho chúng xả hơi những lúc điện thoại rảnh cũng không sao, miễn các con chịu khó học và nghe lời là chị yên tâm.
“Thế nhưng vừa nhìn vào màn hình, thấy con đang lướt TikTok mà có những hình ảnh vô cùng phản cảm như: Một cô gái uốn éo với trang phục vô cùng thiếu vải, một clip khác thì đang quảng cáo thuốc cường dương/chống yếu sinh lý ở nam… Tôi đỏ mặt giật ngay lại điện thoại và quát con “sao lại xem những thứ bậy bạ như thế”. Nó hồn nhiên bảo thì “lướt qua, thấy có vậy chứ con có xem đâu”. Tôi hoảng hồn xem lại lịch sử trình duyệt thì thấy có quá nhiều clip đen trên 2 nền tảng YouTube và TikTok mà bản thân cũng không biết nó “nhảy” từ đâu ra”, chị Hà tâm sự.
Thực tế, sự lo lắng của chị Hà hoàn toàn có cơ sở khi thực trạng clip đen (được quảng cáo) xuất hiện nhan nhản trên các nền tảng mạng xã hội. Thậm chí, các Facebooker (người chơi Facebook), TikToker (người chơi TikTok), YouTuber (người chơi YouTube) là các đối tượng xấu còn sẵn sàng chi tiền để quảng cáo các mặt hàng người lớn nhưng trẻ em lại có thể dễ dàng xem được. Ví dụ, các diễn đàn/trang gái gọi thậm chí cũng được quảng cáo để mời chào khách làng chơi ngay trên Facebook. Để rồi từ các đường dẫn này, người dùng tò mò có thể click vào các web đen hoặc các room (phòng) show thân thể của các cô gái làng chơi để kiếm tiền.
Đáng chú ý, dưới các tên gọi mỹ miều như: Ở đây có thung…; Nụ cười…; Tối nay anh… - những Fanpage hay kênh TikTok, YouTube đen nhan nhản trên 3 nền tảng mạng xã hội này và được quảng cáo để thu hút người dùng nhấp vào, nạp tiền để được xem các clip bẩn không phù hợp với trẻ em.
Dạy trẻ phòng tránh, tự vệ thế nào?
Quay lại với chị Hà, chị cho biết bản thân rất hoang mang và không biết nên ứng xử với con ra sao. Bởi chị không cho cháu dùng điện thoại, có hay chăng là những lúc rảnh rỗi thì cho con mượn máy để lướt mạng. Các tài khoản mạng xã hội cũng đều do con chị lập cho chứ chị hoàn toàn mù về công nghệ, chính vì vậy việc các con dùng mạng xã hội và xem được các clip bẩn, clip đen như vậy ngay trên giao diện tên chị khiến chị vô cùng xấu hổ.
Bình luận vấn đề này, chuyên gia an ninh mạng Trần Đức Bình cho rằng: Tỷ lệ trẻ em được tiếp cận các thiết bị có kết nối mạng ngày càng tăng. Bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận của Internet, mạng xã hội thì những nguy cơ rình rập các em và nguy cơ xem phải các clip đen như con chị Hà giờ đây đã trở thành nguy cơ thường trực chứ không còn là những cảnh báo. Bên cạnh đó, những nguy hiểm, cạm bẫy khó nhận biết để trẻ tự phòng tránh như truy cập vào những nội dung xấu, thông tin giả; bị bắt nạt, dụ dỗ trên mạng xã hội trước kia giờ đã được các đối tượng nâng lên tầm cao mới khiến phụ huynh rất khó kiểm soát.
Trong khi đó, hầu hết trẻ em chưa được trang bị đầy đủ kiến thức để tự bảo vệ mình trên môi trường mạng. “Do đó, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của trẻ về sử dụng Internet và mạng xã hội an toàn có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Chính cha mẹ và thày cô phải là những người giảng dạy cho trẻ những nguy hiểm mà chính bản thân các em cũng không hiểu hết. Bên cạnh đó, sự vào cuộc của cộng đồng mạng (báo cáo tài khoản vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng, report những tài khoản thường xuyên vi phạm hoặc đăng tải các clip độc hại) mạnh mẽ hơn nữ chính là giải pháp để các nền tảng mạng xã hội phải vào cuộc.
Đứng ở góc độc cơ quan quản lý, bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng phòng Kiểm định, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, việc chủ động cập nhật xu hướng công nghệ hỗ trợ, bảo vệ trẻ em có vai trò vô cùng quan trọng. Theo đánh giá của bà Hoa, hiện nay chúng ta đã có nhiều công nghệ bảo vệ trẻ em trên không gian mạng (phần mềm chặn web đen, tổng đài hỗ trợ các tình huống khẩn cấp 111, giám sát con khi lướt mạng, hay đường dây nóng 0963.563.571 để báo cáo các tài khoản đăng tải clip xấu độc.
“Hy vọng phụ huynh tích cực giám sát, cùng con sử dụng mạng xã hội thay vì buông lỏng quản lý. Có như vậy chúng ta mới có thể bảo vệ trẻ trên không gian mạng được an toàn”, bà Hoa kết luận.
Nam Phương