Clip: Bão số 9 đổ bộ đất liền, Quảng Nam gió cực lớn, hàng chục ngôi nhà tốc mái
Lúc 12h trưa nay, bão số 9 gây gió rất lớn nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, đã có khá nhiều nhà dân bị tốc mái, cây khối ngã đổ.
Sóng biển dữ dội đánh đứt neo tàu ở Núi Thành.
* Tại huyện Phước Sơn, nguồn tin của phóng viên Báo Quảng Nam cho biết, mưa to kéo dài kèm theo gió lớn khiến nhiều khu dân cư bị sạt lở nặng. Đã có người dân trong một gia đình tại thôn 2 (xã Phước Thành) bị thương được chuyển đến cấp cứu tại Trạm y tế xã.
Ông Nguyễn Quảng - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, qua thông tin sơ bộ hiện trên địa bàn huyện đã có ít nhất 10 ngôi nhà của người dân bị sạt lở. Chính quyền địa phương đang tiếp tục chỉ đạo công tác cứu hộ, đưa người dân đến nơi an toàn.
*Tại Hội An, từ 12 giờ trưa nay gió bắt đầu tăng cấp mạnh mẽ và quật đổ nhiều cây cối, kể cả cây cổ thụ. Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, sóng lớn đã đánh tràn lên nhiều mái nhà của người dân ở Bãi Làng (xã đảo Tân Hiệp).
Cuối giờ sáng nay, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PT-NT) Trần Quang Hoài và đoàn công tác đã có chuyến thực địa vệt sạt lở bờ biển Hội An để nắm tình hình báo cáo về Sở chỉ huy tiền phương ứng phó bão số 9 đặt tại Đà Nẵng.
Tại vùng ven biển Cẩm An, Cửa Đại, gió đã làm tốc mái hàng chục ngôi nhà, trong đó có cả cơ sở lưu trú. Trong khu vực phố cổ Hội An, hàng chục cây lớn bị quật gãy đổ nằm ngổn ngang ven đường. Mực nước tại Hội An hiện đang dao động ở báo động 1, khiến đường Bạch Đằng ngập sâu và tràn lên một số tuyến đường khác ven sông Hoài.
* Lúc 13 ngày 28/10, ông Lê Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, trưa nay, một tàu câu mực đang neo đậu tại âu thuyền xã Tam Quang bị đứt neo, gió đẩy trôi vào vùng nước cạn.
Tại thời điểm tàu bị trôi, trên tàu vẫn còn 2 ngư dân đang mắc kẹt trên nóc ca bin. Do có gió mạnh nên tàu đang nghiêng. Hiện hai ngư dân đã liên lạc được với lực lượng biên phòng và đã được hướng dẫn họ giữ liên lạc với đất liền và mặc áo phao an toàn. Huyện đã báo cáo UBND tỉnh và đã có chỉ đạo các lượng, khi gió tan sẽ cử lực lượng đến cứu. Cũng tại huyện Núi Thành, hiện có rất nhiều nhà dân bị hư hỏng, tốc mái do bão số 9 gây ra.
* Một số hình ảnh TPTam Kỳ trong cơn bão lúc 12h45 trưa nay (Ảnh: A.N):
Clip gió mạnh thổi bay mái tôn, cây cối ngã đổ tại TP Tam Kỳ (H.Q):
Khu vực ven biển Hội An
* Tại huyện Bắc Trà My lúc 12h trưa nay, gió giật mạnh chưa từng có, điện và giao thông bị tê liệt; nhiều nhà dân bị tốc mái, di dời khẩn cấp hơn 200 người đến nơi an toàn.
Nhiều người dân sinh sống lâu đời ở Bắc Trà My nhận định, họ chưa từng chứng kiến gió giật mạnh như cơn bão này gây ra trước đây. Thống kê chưa đầy đủ, có ít nhất hàng chục nhà dân bị tốc mái, trong đó có 4 hộ bị tốc mái hoàn toàn; trên 150 hộ nhà ở có nguy cơ cao bị sạt, nhà yếu, dễ bị tốc mái hoặc sập với trên 200 nhân khẩu được vận động, di dời đến trú ngụ tại Trụ sở UBND xã, Trạm Y tế, trường học và nhà người thân đảm bảo an toàn.
Di dời nhiều nhất là tại Trà Nú, 26 hộ 75 khẩu và Trà Bui 16 hộ, 67 khẩu. Hệ thống điện bị mất toàn huyện từ khuya ngày 27/10; giao thông các tuyến huyết mạch từ huyện về các xã bị tê liệt do nước lũ các sông, suối dâng cao, băng qua các ngầm và dây điện sà, cây cối ngã đổ chắn ngang đường chưa thể dọn kịp để thông tuyến. Hai cầu ngầm Sông Trường và Sông Nước Oa trên quốc lộ 40B tại xã Trà Sơn, Trà Tân đã bị nước lũ chia cắt ngay từ sáng sớm nay.
Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, ông Thái Hoàng Vũ đã chỉ thị cho các địa phương nghiêm túc bố trí lực lượng chốt chặn tại các điểm, nút giao thông xung yếu, khu vực nguy cơ sạt lở đất, tuyên truyền nâng cao cảnh giác, không để nhân dân ra ngoài khi không thực sự cần thiết, bảo đảm an toàn tính mạng lực lượng và nhân dân.
Còn tại xã Duy Hải (huyện Duy Xuyên), trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam online, ông Trần Văn Siêm – Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải (Duy Xuyên) cho biết, từ 5 – 10 giờ sáng nay, tại địa phương gió bão càng lúc càng mạnh. Theo ông Siêm, do nằm ở vùng ven biển nên chính quyền xã Duy Hải đặc biệt quan tâm đến công tác di dời dân ra khỏi những khu vực nguy hiểm nhằm đảm bảo an toàn tính mạng.
“Trong buổi sáng nay, lực lượng xung kích của địa phương tiếp tục di dời 10 người dân ở các khu vực xung yếu đến nơi trú ẩn tập trung. Như vậy, đến thời điểm này, toàn xã Duy Hải đã di dời tổng cộng 103 hộ dân với 259 nhân khẩu tới nơi an toàn. Trong đó, di dời đến các trường học, trạm y tế, trụ sở xã là 26 hộ với 87 nhân khẩu và di dời đến các nhà kiên cố 77 hộ với 172 nhân khẩu” – ông Trần Văn Siêm nói.
Ông Trần Văn Siêm cho biết thêm, nhờ tích cực tuyên truyền, vận động và tằng cường khâu kiểm tra, giám sát nên từ tối qua (27/10) đến 10 giờ sáng nay (28/10), tại các khu neo đậu tàu thuyền, không có ngư dân Duy Hải nào bám trụ trên tàu. “Đặc biệt, mặc dù gió khá mạnh nhưng nhờ những ngày qua lực lượng xung kích và người dân nỗ lực chằng chống nhà cửa nên đến thời điểm này xã miền biển Duy Hải chưa có nhà dân nào bị tốc mái” – ông Siêm thông tin.
Trong khi đó, ông Nguyễn Sáu, Chủ tịch UBND xã Duy Vinh cho biết, tính đến sáng nay 28.10, chính quyền địa phương đã tổ chức di dời 135 hộ dân với 347 nhân khẩu ở những vùng nguy hiểm đến nơi trú ẩn an toàn. Theo ông Sáu, do nước biển dâng cao nên hiện giờ một số vùng của xã đã bị ngập nước, trong đó tuyến đường độc đạo từ thôn Hà Mỹ qua thôn Đông Bình đã bị ngập sâu, chia cắt hoàn toàn.
Clip sóng lớn tại khu vực biển Cửa Đại (TP.Hội An):
Clip gió bão tại huyện Đại Lộc. (Nguồn: CTV)
Clip tôn nhà dân bay vướng vào dây điện tại Núi Thành. (Nguồn: CTV)
Clip mái tôn nhà người dân tại Hội An dù đã chằng chống vẫn bị gió thổi bay. (Nguồn: CTV)
* Tại các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, mưa lớn cũng bắt đầu xuất hiện từ sáng sớm nay, kèm theo gió lớn khiến một số cây cối dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đã bị bật gốc. Để đảm bảo an toàn, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng khẩn trương khắc phục hậu quả tạm thời trước khi bão đổ bộ vào đất liền.
Cộng tác viên ở thị trấn Prao (huyện Đông Giang) thông tin, với sức gió rất mạnh liên tục xuất hiện, trên một số tuyến đường, cây cối bắt đầu bật gốc, ngã đổ, rất nguy hiểm. Từ chiều qua, chính quyền địa phương đã tổ chức sơ tán di dời khoảng 500 hộ dân với gần 1.300 nhân khẩu đến túi xách bảo tại các điểm trường học, trụ sở ủy ban và một số nhà ở kiên cố của người dân.
Công tác di dời, sơ tán người dân đến tránh trú bão an toàn cũng được triển khai đồng bộ tại các huyện miền núi Nam Giang, Tây Giang. Theo thông tin từ Ban chỉ đạo PCTT&TKCN các huyện cho biết, hiện sức gió trên địa bàn bắt đầu mạnh dần, mưa to xuất hiện, nguy cơ xảy ra sạt lở đất và lũ quét.
* Tại Cù Lao Chàm, theo Thượng tá Trần Văn Ba - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm thì đến 9h30 sáng nay, gió bão tại đảo Cù Lao Chàm mạnh cấp 11-12, giật cấp 13. Sóng biển cao 4 - 6m, sóng biển đang phủ lên hàng chục nhà dân ven biển tại thôn Bãi Làng và Bãi Hương.
Theo bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp, để bảo đảm tính mạng người dân có nhà cấp 4 sát biển, từ chiều qua, chính quyền đã sơ tán toàn bộ đến nhà tránh trú bão cộng đồng và các homestay kiên cố an toàn cách xa biển. Hiện sóng biển quá lớn đang uy hiếp đến nhiều nhà dân, tàu thuyền, sóng cũng đang làm xói lở nhiều đoạn đường sát biển.
Clip gió bão tại Cù Lao Chàm sáng nay 28/10:
* Từ 8 giờ sáng nay, người dân TP Tam Kỳ bắt đầu cảm nhận rõ sức gió mạnh dần lên khi bão số 9 áp sát đất liền. Tiếng gió rít, giật mạnh liên hồi. Nhiều cây xanh đã ngã đổ. Kèm với gió là mưa đổ xuống trắng trời.
Khu vực phía trước khách sạn Bàn Thạch, sức gió quan sát được rất lớn. Bên trong khách sạn, hàng chục hộ gia đình đang trú, tránh bão. Từ đêm qua đến sáng nay, khách sạn huy động nhân viên tổ chức chằng chống lại các cửa chính; quấn băng dán ở những cửa sổ tránh sự cố...
Nguy hiểm nhất là, dù được khuyến cáo không ra khỏi nhà nhưng khu vực cầu Nguyễn Văn Trỗi vẫn có nhiều phương tiện đi lại trong sáng nay, bất chấp gió lớn.
Clip gió bão bão tại TP.Tam Kỳ lúc 9h00 sáng 28/10:
Clip gió bão bão tại TP Tam Kỳ lúc 11h00 sáng 28/10:
* Trong khi đó, tại Phú Ninh, bão số 9 đã làm cây cối ngã đổ nhiều nơi, gây chia cắt giao thông. Công an huyện đã phân công 2 tổ công tác đi xử lý thông tuyến.
Tại xã Tam Lộc, một trường hợp nhà dân khu vực Núi Vũ, thôn Đại Đồng bị cây gã đập vào nhà. Lực lượng xung kích Tam Lộc đang hỗ trợ người dân khắc phục. Trên tuyến ĐH3 (Tam Đàn - Phú Thịnh) cây ngã đổ đè trên lưới điện. (VINH ANH – HẢI CHÂU)
* Tại xã Tam Thanh (Tam Kỳ), theo ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Tam Thanh, từ sáng sớm nay, trên địa bàn xã bắt đầu có gió mạnh và mưa lớn. Hiện gió khoảng ở khoảng cấp 8 và đang mạnh dần lên.
"Ngày hôm qua, người dân đã chèn chống nhà cửa; lực lượng chức năng xã đã tổ chức đốn, hạ các cây cao lớn nên hiện chưa có thiệt hại nhiều. Riêng chỉ có vài nhà dân bỏ hoang, không có người ở lâu nay nên không được chèn chống kịp thời đã bị tốc mái; các cây cối nhỏ ven biển bị ngã đổ. Hiện lực lượng chức năng của xã đang túc trực 24/24 để ứng phó với mọi diễn biến của bão", ông Bình nói.
Ông Bùi Ngọc Ảnh, Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ cho biết, ngành chức năng thành phố Tam Kỳ vừa đi kiểm tra tại các xã ven biển, qua đó ghi nhận nhiều cây xanh ngã đổ gây ách tắc giao thông. Hiện tại Trung tâm Văn hóa - thông tin tỉnh Quảng Nam đã bị tốc mái nghiêm trọng. TP Tam Kỳ đã yêu cầu lực lượng quân đội, công an sẵn sàng lực lượng khi bão tan từng bước dọn dẹp các tuyến đường bị ách tắc.
Theo baoquangnam.vn