Chuyển tiền ra nước ngoài kiểu "ngân hàng ngầm" có phạm luật?
Anh T.A, một người có nhu cầu chuyển tiền ra nước ngoài cho người thân cho biết, có lần do cần chuyển gấp mà không tiện ra ngân hàng, anh được bạn bè giới thiệu đến một quầy thu đổi ngoại tệ ở phố Hà Trung để chuyển tiền cho người thân một cách nhanh gọn và thuận tiện nhất. Và chỉ 1 ngày sau người nhà thông báo đã nhận tiền đầy đủ.
Nhiều người có thể chọn cách gửi tiền qua các đại lý ngoại tệ hoặc cửa hàng kinh doanh vàng, không có hoạt động chuyển tiền chính thức, mà thực chất là người gửi nộp tiền cho chủ đại lý thu đổi ngoại tệ. Còn việc lo làm sao để tiền đến tay người nhà của khách hàng ở nước ngoài là việc của họ. Anh T.A lập luận “cái này thì tin nhau là chính, chứ cũng không biết họ làm thế nào, chỉ biết sau đó người nhà báo lại đã nhận đủ số tiền bên này gửi sang”.
Như vậy hành vi này có phạm luật không?
Theo một chuyên gia về phòng chống rửa tiền, khoản 4 Điều 7 của Luật Phòng chống rửa tiền thì đây là hành động bất hợp pháp.
Trong quy định thì tất cả hoạt động thanh toán chuyển tiền phải được cấp phép. Đại lý thu đổi ngoại tệ không có chức năng đó. Hoạt động ngân hàng ngầm rất khó phát hiện ra vì bản chất của hoạt động này gọi là chuyển tiền nhưng không có tiền qua biên giới; hoạt động trên cơ sở niềm tin chứ không có sổ sách ghi chép gì, hoàn toàn trên cơ sở niềm tin.
Đấy là luật pháp VN, còn chuẩn mực quốc tế thì đây là chuyển tiền phi chính thức chứ không phải bất hợp pháp, vì đây cũng là một tiện ích.
"Theo quy định về quản lý thanh toán và trong hệ thống NHNN yêu cầu các loại thanh toán phải được cấp phép. Hoạt động ngân hàng ngầm là chưa được cấp phép", vị chuyên gia phòng chống rửa tiền khẳng định.
Theo quy định về phòng chống rửa tiền, tại Thông tư 31 của NHNN, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2013 về một số quy định về phòng, chống rửa tiền:
Các tổ chức tín dụng phải báo cáo Cục Phòng chống rửa tiền từng giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước có mức giá trị từ 500 triệu đồng trở lên hoặc ngoại tệ có giá trị tương và giao dịch chuyển tiền điện tử quốc tế ra vào Việt Nam có mức giá trị từ 1.000 USD trở lên hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương.
Như vậy, việc người gửi có thể gửi vài ngàn USD không qua ngân hàng sẽ không thể được báo cáo trên bất cứ hệ thống kiểm soát thông tin phòng chống rửa tiền nào. Và để kiểm soát hoạt động "lách luật" này cũng không dễ dàng.