Chuyển tiền lòng vòng qua ngân hàng, "tiền bẩn" biến thành "tiền sạch"
Ảnh minh họa |
Trong các phương thức rửa tiền thì rửa tiền qua ngân hàng được bọn tội phạm lựa chọn nhiều nhất vì khi tiền đã lọt được vào hệ thống ngân hàng thì lập tức trở thành “tiền sạch”, có thể thực hiện ngay các lệnh thanh toán trong nước thậm chí cả thanh toán quốc tế, với số lượng lớn.
Bọn tội phạm cần các tổ chức tài chính để rửa “lợi nhuận” của mình; nếu không có hệ thống ngân hàng chúng không thể sử dụng nguồn tiền bất hợp pháp đó. Bằng cách gửi tiền vào hệ thống ngân hàng, chúng có thể chuyển vốn qua nhiều nước khác nhau một cách hợp pháp và làm cho việc xem xét nguồn gốc của nguồn vốn này rất khó khăn nếu không nói rằng không thể thực hiện được.
Có thể ví dụ về việc chuyển tiền lòng vòng nhằm hợp thức hóa nguồn “tiền bẩn” của bọn tội phạm như sau: Nhà đầu tư (tội phạm) đưa 1 triệu đồng vốn vào Ngân hàng A, sau đó chúng tiếp tục chuyển số tiền trên đến Ngân hàng B ở nước ngoài. Tiếp đó, chúng dùng 1 triệu đồng đó là tài sản thế chấp, và đề nghị Ngân hàng B cho 1 công ty khác vay (thực chất công ty này cũng là của chúng) 900.000 đồng. Do có đảm bảo chắc chắn, Ngân hàng B sẵn sàng cho vay khoản tiền này. Đến lúc này, kẻ lừa đảo đã có thể chuyển 900.000 ngược trở lại thông qua hàng loạt tài chính trung gian như ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty môi giới chúng khoán… hoặc mua tài sản.
Quy trình chuyển tiền này được gọi là quy trình chuyển tiền lòng vòng giữa các tài khoản khác nhau thuộc các ngân hàng khác nhau nhằm xoá nguồn gốc bất hợp pháp của tiền.