Chuyện một người thầy của đỉnh cao toán học
Gương mặt trầm ngâm với cặp kính dày, nhưng càng trò chuyện thầy Hòa càng tỏ ra gần gũi, cởi mở, dễ gần. Những kỷ niệm đã rời xa nửa thế kỷ, nhưng với ông dường như chỉ mới xảy ra ngày hôm qua.
Học trộm dưới gầm giường
Cái ngày tóc còn để chỏm, cậu bé Hòa cũng tinh nghịch, hiếu động như bao chúng bạn cùng trăng lứa. Mỗi lần đi học, Hòa cứ lẩn xuống tận bàn dưới cùng để nói chuyện, nghịch ngợm. Một lần hiếu động, cậu trò nhỏ đã bị ngã gẫy tay. Cũng từ đó mỗi khi ngồi cuối lớp Hòa chẳng nhìn được chữ trên bảng. Sau này mới biết bị cận nặng, nhưng nhà nghèo mà kính lại đắt tiền nên dù không nhìn rõ Hòa vẫn giấu bố mẹ. Đến khi thầy giáo đến tận nhà bảo bố mẹ đưa đi khám, lúc bắt đầu đeo kính thì đã là 8 đi ốp.
Nhớ lại ngày đó, thầy Hòa coi như một “điềm báo” rằng cuộc đời mình sẽ gắn liền với sự học. Nhưng khổ nỗi ngày ấy gia đình khó khăn, nhà có tám anh chị em, bố mẹ lại chỉ là những người lao động bình thường. "Việc học hành lúc đó không được coi trọng lắm. Bố mẹ chỉ muốn con đi làm. Mỗi lần thấy con ngồi học “ông cụ” (người cha của thầy) lại bảo ngồi chơi và bắt đi làm việc nhà. Nhưng vì ham học, nhiều lần mình phải chui xuống gầm giường, rồi học vụng trộm chứ đâu có dám ngồi trên bàn để bố mẹ nhìn thấy. Thậm chí đến khi bảo vệ xong TS khoa học rồi, “ông cụ” còn bảo phải tìm một việc gì mà làm thêm chứ cứ theo nghiệp làm toán có mà chết đói", thầy kể.Học trò Vũ Đình Hòa năm 1974. Ảnh do thầy Vũ Đình Hòa cung cấp |
Nhớ kỷ niệm ăn “canh ruồi” trong ký túc xá ngày ấy thầy rùng mình: “Buổi tối hôm đó ăn cơm chưa kịp bật đèn. Đói quá cả hội quây quần bên nồi canh to đùng và cùng ăn vui vẻ. Đang ăn vội thì có người bật đèn lên, cả nhóm mới tá hỏa phát hiện trong nồi canh kính đặc ruồi. Vứt đi thì phí, vớt trong nồi ra gần 50 con ruồi rồi mọi người cùng ăn tiếp!”. Chững lại giây lát, thầy tiếp lời: “Cuộc sống lúc đó khó khăn lắm. Mọi thứ đều thiếu thốn nên ăn gì cũng ngon”.
Năm 1974, lần đầu tiên Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic toán quốc tế, Hòa và bốn bạn khác trong đội tuyển vinh dự đại diện cho đất nước tham dự một cuộc thi mang tầm cỡ thế giới diễn ra tại nước Đức. Sức khỏe không tốt, thời tiết khí hậu và đồ ăn không hợp nên Vũ Đình Hòa và một số bạn khác trong đoàn bị ốm. Vượt lên chính mình, cuối cùng Hòa đã vinh dự được xướng tên trong lễ trao giải với tấm huy chương bạc đầu tiên đem về cho nước nhà. Trong khoảnh khắc trao giải, Hòa còn nhớ như in hình ảnh vị trưởng đoàn Mỹ đã bắt tay trưởng đoàn Việt Nam dưới gầm bàn. Thoáng nghĩ tới trận chiến khốc liệt nước Mỹ gây ra cho Việt Nam, thầy chỉ cười: “Lúc đó mình trẻ con nên chưa hiểu chuyện người lớn”.
“Trái tim nhỏ trong nỗi nhớ cồn cào”
Ngay sau khi đoạt giải thưởng toán học, năm 1975 thầy Vũ Đình Hòa được Bộ Đại học (bây giờ là Bộ GD&ĐT) cử đi học tại Đức. Dù quê nhà còn nhiều thiếu thốn, vất vả nhưng chưa bao giờ Hòa có ý nghĩ sẽ ở lại trời Tây làm việc. Thời điểm đó người ta quan niệm ở lại là phản bội tổ quốc. Hòa chỉ mong đất nước hết chiến tranh để được về với đất mẹ.
Và chính tình yêu nơi xứ người đã giúp cậu sinh viên hiền lành chân chất nguôi ngoai đi nỗi nhớ nhà. Cùng sang học tại Đức nhưng "đôi bạn cùng tiến" lại ở hai thành phố khác nhau với khoảng cách 600 km. Trừ những dịp đặc biệt, Vũ Đình Hòa và “người yêu” chỉ được gặp nhau vào mỗi dịp nghỉ hè. Trải qua bao sóng gió, cuối cùng cả hai đã nên vợ nên chồng.
Nếu trong toán học Hòa tinh thông lanh lợi bao nhiêu thì trong cuộc sống đời thường lại khờ khạo bấy nhiêu. Đến mức ăn xúc xích Đức mà Hòa chẳng bóc lớp nilon bên ngoài (có thể do cận), cứ thế vừa ăn vừa bảo sao dai thế? Lang thang cùng chúng bạn đi ăn kem Hòa lại thắc mắc “sao ở Đức cũng bán kem Tràng Tiền nhỉ?”…
Và thầy Hòa ngày hôm nay. Ảnh LD |
Cậu bé trong truyện “Hoàng đế cởi truồng”
Năm 1985 Vũ Đình Hòa tham gia công tác và biên chế tại Viện tính toán và điều khiển. Sau khi bảo vệ luận án TS khoa học bên Đức, năm 1997 Vũ Đình Hòa trở về nước. Nhưng thật bất ngờ khi trở lại Viện nơi trước đây mình công tác, Hòa đã không còn trong danh sách biên chế nữa. Vũ Đình Hòa rơi vào thất vọng không chỉ vì mất việc, mà nỗi thất vọng lớn nhất lúc đó là những mối quan hệ đồng nghiệp sao mà phức tạp, nhiêu khê quá chừng. Hòa tự ví mình giống như cậu bé trong truyện “Hoàng đế cởi truồng”.
Vào thời điểm đó một loạt các GS, PGS trong trường ĐHSP Hà Nội đến tuổi nghỉ hưu, Vũ Đình Hòa được trường mời về làm việc từ năm 2002. Trong sự nghiệp “trồng người” thầy Hòa đã nhiều năm dẫn dắt đội tuyển, liên tục làm trưởng đoàn, phó đoàn đi tham dự các kỳ thi toán quốc tế. Bao nhiêu lần “mang chuông đi đánh xứ người” là bây nhiêu lần thầy Hòa và các em học sinh đều vinh dự mang những tấm huy chương về cho nước nhà. “Thế hệ trẻ bây giờ giỏi hơn chúng tôi ngày xưa. Các em có đam mê, có điều kiện phát triển thể lực và trí tuệ nên nhiều em giỏi lắm”.
Bên cạnh các thế hệ thường xuyên dìu dắt, người học trò khác mà thầy Hòa luôn ấn tượng chính là GS Ngô Bảo Châu. Do có mối quan hệ thân quen từ trước, bố mẹ GS Châu đã nhờ thầy Hòa dạy kèm cho Châu từ những năm bắt đầu học cấp 3. Trong mắt thầy Hòa, GS Ngô Bảo Châu là một người rất thông minh, có năng khiếu thiên bẩm và luôn say mê học toán. Sau này khi Ngô Bảo Châu vào đại học thầy vẫn thường xuyên được mời sang giảng giải thêm cho lớp học và sau này cho cả đội tuyển toán của người GS trẻ nhất Việt Nam này. Bây giờ dù đang ở hai phương trời khác nhau nhưng thầy Hòa và GS Ngô Bảo Châu vẫn thường xuyên liên lạc để chia sẻ về toán học và những câu chuyện bình dị trong cuộc sống đời thường.
Câu chuyện giữa chúng tôi hay bị gián đoạn vì thỉnh thoảng thầy Hòa lại nghe điện thoại của học trò thăm hỏi, ghé chơi. Không chỉ là người thầy đáng kính, ở ngoài đời PGS. TS Vũ Đình Hòa còn như một người cha, một người anh dìu dắt, chắp cánh cho những ước mơ không ngừng bay cao.