Sinh vật lạ ngoài đời thực giống ‘đống dây thừng’ nằm trên bãi biển
Thứ trông giống như rác thải là một loại san hô ven biển đầy màu sắc.
Một đám rối trông giống như sợi dây màu vàng bỏ đi trôi dạt vào bãi biển ở Texas, Mỹ, nhưng đống nút đặc biệt này không phải là rác. Đó là một "trùng roi biển', san hô biển mềm, dẻo đầy màu sắc.
Rebekah Claussen, 39 tuổi, hướng dẫn viên tại Công viên quốc gia (NPS), Bờ biển Quốc gia Đảo Padre gần Vịnh Mexico, đã tìm thấy một trong những "quả cầu dây" này chôn vùi trong cát.
Rebekah cho biết: "Tôi đã làm việc ở đây được 5 năm, khi mới chuyển đến đây, tôi thực sự không biết roi biển là gì. Tôi nghĩ giống như hầu hết những người mới nhìn thấy lần đầu đó giống như dây điện hoặc dây thừng, nhưng thực ra đó là một loại san hô mềm".
Sinh vật lạ ngoài đời thực giống ‘đống dây thừng’ nằm trên bãi biển |
Loại san hô biển này có màu đỏ, vàng, cam, tím, tuy nhiên, đại diện của NPS chia sẻ rằng: "Chúng tôi chủ yếu nhìn thấy các loại màu vàng và đỏ đang trôi dạt trên các bãi biển".
Thuật ngữ "trùng roi biển" đề cập đến một số chi san hô mềm trong bộ Gorgonacea, loài sinh vật dạt vào các vùng ven biển Bắc Mỹ là trùng roi biển nhiều màu sắc, tên khoa học là Leptogorgia virgulata.
Màu sắc rực rỡ của roi biển bắt nguồn từ các đàn polyp, loài động vật nhỏ, thân mềm với tám xúc tu tạo thành một vòng quanh miệng. Theo Trung tâm khoa học hàng hải Đảo Tybee (TIMSC), khi chúng tụ lại với nhau, tiết ra các protein tạo thành bộ xương màu sẫm, phân nhánh thành những thân cây hình cái roi cao khoảng 0,9 mét.
Nhưng khi những con roi biển thoát khỏi môi trường sống ở đại dương, dạt vào các bãi biển, chúng rất dễ nhầm với dây câu, lưới hoặc dây cáp bỏ đi.
Một số cư dân mạng bình luận về bài chia sẻ về sinh vật lạ trên trang Facebook của NPS cho biết họ đã bắt gặp roi biển khi đang dọn dẹp các bãi biển ở địa phương và đã thu thập nhầm vì cho rằng đó là rác thải.
Rebekah Claussen cho biết: "Nói chúng, khi dạt vào bờ, hầu hết roi biển đã chết. Chúng tôi khuyên mọi người nên để chúng lại trên bãi biển vì đó là tự nhiên và sẽ phân huỷ, giúp ích cho hòn đảo".
Hoàng Dung (lược dịch)