Chuyên gia 'vẽ đường' giúp học sinh tuổi teen trút bỏ áp lực cuộc sống
Nhiều học sinh lớp 9, chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 Hà Nội năm nay chia sẻ, điều các em thấy áp lực nhất là có những lúc cảm giác bố mẹ không hiểu gì về mình.
Trải lòng tại diễn đàn “Điều em muốn nói” tổ chức tại trường THCS Giảng Võ (Hà Nội) ngày 16/5, nhiều học sinh chia sẻ rằng bản thân nhiều khi cảm giác bố mẹ không hiểu gì về mình, có nhiều chuyện nói với bố mẹ nhưng bố mẹ lại không quan tâm đầy đủ, thích đáng, nhất là sau thời gian dài học trực tuyến rồi mới được quay lại trường học.
Em Trần Minh Tâm học sinh 9A1 (trường THCS Giảng Võ) chia sẻ, thời gian đầu học trực tuyến khá thoải mái tự do, không bị kiểm soát như học trực tiếp nên em có sự buông lỏng học hành. Hậu quả là khi quay lại học trực tiếp thì điểm số các bài kiểm tra điểm giảm sút, em thu mình lại, cảm thấy buồn chán và tẻ nhạt.
Học sinh trường THCS Giảng Võ chia sẻ những áp lực trong cuộc sống. |
Thừa nhận những áp lực mà học sinh gặp phải, cô Tô Thị Hải Yến - Hiệu trưởng trường THCS Giảng Võ cho biết, khi đón học sinh quay lại trường học trực tiếp sau thời gian dài học online, giáo viên nhận thấy học sinh có nhiều khó khăn như khả năng tập trung trong học tập, thực hiện các nhiệm vụ học tập chưa tốt.
Một số chuyên gia cũng chỉ ra rằng, khả năng quản lý cảm xúc của các em chưa tốt, dễ nóng giận, căng thẳng và áp lực, nhất là khi không nhận được sự đồng cảm của bố mẹ. Các em chưa biết cách chuyển hóa những căng thẳng lo âu, dễ tạo thành những suy nghĩ, hành động bột phát.
Theo TS Nguyễn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục TP Hà Nội, bản thân học sinh cũng phải đối mặt với rất nhiều áp lực và các em phải biết cách vượt qua.
“Áp lực lớn nhất có lẽ là áp lực từ phía gia đình nên bố mẹ đừng ép con mình môn gì cũng giỏi. Thực ra đó là mong ước chính đáng nhưng cha mẹ không biết điều đó vô tình lại tạo nên áp lực cho con mình.
Ngoài ra, học sinh cũng gặp áp lực từ nhà trường, bởi lẽ nhà trường nào cũng có quy chuẩn nên đòi hỏi học sinh phải đạt ngoan, học giỏi... các em phải phấn đấu đạt được chuẩn mực của nhà trường cũng là vấn đề, các em phải tự mình điều chỉnh phù hợp với yêu cầu của nhà trường.
Áp lực thứ 3 đến từ bạn bè, có những học sinh luôn thấy bạn có nét hơn mình, học giỏi hơn mình và điều kiện sống tốt hơn mình... Khi không giải quyết được áp lực sẽ tạo nên bế tắc cho bản thân học sinh đó.
Ngoài ra, mỗi ngày có quá nhiều thông tin, quá nhiều thú vui cuốn hút các em mà đôi khi những cái xấu rủ rê hơn cái tốt. Vậy nên nếu không có bản lĩnh thì các em khó vượt qua cám dỗ”.
Theo TS Nguyễn Thanh Sơn thì chính bản thân các em phải bình tĩnh, nhìn nhận vấn đề đầy đủ, nhìn được đâu là áp lực gì và tìm cách giải quyết.
TS Nguyễn Thanh Sơn |
“Tôi khuyên các em, nếu là áp lực đến từ bố mẹ thì hãy mạnh dạn trình bày ý muốn với bố mẹ, nói 1 lần chưa được thì nói nhiều lần vì cuộc đời này không ai thương mình bằng bố mẹ. Bố mẹ là người gần gũi các em nhất, bố mẹ là người luôn yêu thương các con, tạo cơ hội cho con đạt ước mơ.
Tại trường, các thầy cô giáo rất gần gũi, các em có thể chọn giáo viên để tâm sự, chia sẻ, hãy mạnh dạn nói suy nghĩ của mình để thầy cô lưu ý cũng như định hướng chúng ta tới cái tốt.
Với điều kiện sống như hiện nay, các em có nhiều thuận lợi từ công nghệ, đây là thứ giúp các em có điều kiện tốt hơn, tránh tiêu cực để thành công. Tuổi trẻ của các em rất đẹp, tôi mong các em hãy học tập, làm việc hết mình, mở lòng đón nhận cái tốt của những người xung quanh.
Có một số học sinh cũng thừa nhận mình chịu áp lực trong học tâp nhưng các em đừng cho mình quyền được sinh ra và bố mẹ phải phụng sự. Hãy để mình quyền yêu thương, chia sẻ với bố mẹ, thấy trách nhiệm của mình với sự vất vả của bố mẹ, với sự khó khăn vất vả của mẹ mỗi giờ cuối ngày”, TS Nguyễn Thanh Sơn nhắn nhủ tới các em học sinh.
Hoàng Thanh