Chuyên gia phân tích ẩn ý từ 'thư miệng' ông Kim Jong-un gửi ông Tập Cận Bình
Ngoài lời chúc mừng Trung Quốc thành công ngăn chặn dịch Covid-19, “thư miệng” được ông Kim Jong-un gửi tới ông Tập Cận Bình còn hướng tới tái thiết mối quan hệ kinh tế giữa Trung - Triều.
Bất ngờ diễn tập hộ tống trên Biển Đông, Trung Quốc muốn chứng minh điều gì?
Sau khi hoàn thành sứ mệnh chống hải tặc tại vịnh Aden, hải quân Trung Quốc còn tiến hành diễn tập hộ tống trong khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) trên Biển Đông.
Hôm nay (8/5), hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, ông Kim đã gửi “lời chúc mừng” tới ông Tập và đề cao những nỗ lực của Trung Quốc nhằm giành chiến thắng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19”.
“Ông Kim chúc sức khỏe ông Tập Cận Bình và bày tỏ sự khâm phục trước việc Đảng và người dân Trung Quốc giành chiến thắng cuối cùng trước dịch bệnh dưới sự chỉ đạo tài tình của ông Tập”, KCNA cho hay.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp mặt hồi tháng 6/2019. (Ảnh: Yonhap) |
Tuy nhiên, KCNA không nói cụ thể thời gian và phương thức lời chúc mừng trên được truyền tải tới nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Đây là lần thứ hai trong năm nay, ông Kim gửi thư tới ông Tập với nội dung đề cập tới dịch Covid-19. Hồi cuối tháng Một, ông Kim đã bày tỏ sự ủng hộ và chuyển gói “hỗ trợ tài chính” cho Bắc Kinh trong cuộc chiến chống Covid-19.
Theo Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc, nền kinh tế của Triều Tiên đã chịu tác động lớn từ việc đóng cửa biên giới với Trung Quốc để ngăn chặn dịch bệnh. Lâu nay, hoạt động thương mại song phương giữa Trung – Triều chiếm khoảng 95% tổng giá trị thương mại của Triều Tiên.
Kể từ tháng Một, thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát mạnh tại Trung Quốc, Triều Tiên đã cho đóng cửa đường biên giới giáp với quốc gia láng giềng.
“Đối với Trung Quốc, tái thiết kinh tế là vấn đề cấp thiết và quan trọng nhất. Nếu như không có quan hệ hợp tác kinh tế với Trung Quốc, chính quyền Triều Tiên không thể tồn tại”, Korea Times dẫn lời Giáo sư Park Won-gon tại Đại học Quốc tế Handong.
Cũng theo ông Park, “mọi thứ đều đã được tính toán, Triều Tiên muốn vượt qua những tổn thất kinh tế bằng cách bình thường hóa mối quan hệ kinh tế song phương với Trung Quốc. Do đó, ông Kim đã gửi tin nhắn cho ông Tập”.
Ông An Chan-il, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Triều Tiên cũng cho rằng, tin nhắn của ông Kim là muốn tăng cường các mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
“Ông Kim muốn ông Tập đầu tư vào khu du lịch Wonsan – Kalma nằm bên bờ biển phía đông, trong khi hoạt động xây dựng đang dần hoàn thành theo kế hoạch. Nếu như 1 triệu du khách Trung Quốc không quay trở lại, vùng trọng điểm du lịch này không thể vận hành thành công và trên hết là nó không thể mang lại nguồn ngoại tệ cho chính quyền Bình Nhưỡng”, ông An nói.
Theo ông An, khu du lịch Wonsan – Kalma là một trong những dự án con cưng của Chủ tịch Kim Jong-un nhằm giúp đất nước vượt qua những khó khăn kinh tế vốn chịu sức ép từ các lệnh trừng phạt từ cộng đồng quốc tế.
“Thư miệng là dấu hiệu cho thấy, quyết định của Chủ tịch Triều Tiên trong nỗ lực cải thiện mối quan hệ hợp tác kinh tế hai chiều”, ông An nói thêm.
Trước đó, vào cuối tháng Tư, Reuters từng đưa tin, một phái đoàn kinh tế Triều Tiên sẽ sớm tới thăm Bắc Kinh để bàn thảo về hoạt động cung cấp thực phẩm và các vấn đề về thương mại giữa hai nước.
Cho tới nay, Triều Tiên vẫn chưa xác nhận có bất cứ ca mắc Covid-19, song chính quyền Bình Nhưỡng đã cho triển khai nhiều biện pháp khắt khe như đóng cửa biên giới với Trung Quốc và giám sát cách ly chặt chẽ đối với các chuyến hàng ra vào đất nước.
Song những biện pháp này lại được xem là gây ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế vốn bấp bênh của Triều Tiên do hoạt động thương mại quốc tế chủ yếu là với Trung Quốc. Đây cũng là yếu tố gây cản trở cho kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm sẽ kết thúc vào năm nay của Triều Tiên.
“Sau khi chuyển hàng cứu trợ tới Trung Quốc hồi đầu năm nay, thư miệng của ông Kim dường như tái khẳng định quan hệ hợp tác dựa trên sự tin tưởng của hai nhà lãnh đạo”, Yonhap dẫn chia sẻ của Giáo sư Yang Moo-jin tại Địa học Nghiên cứu Triều Tiên.
“Thông điệp truyền đi muốn nhắc tới việc nối lại mối quan hệ trên nhiều lĩnh vực bao gồm chính trị, kinh tế và ngoại giao giữa Trung – Triều cùng hy vọng mối đe dọa từ dịch Covid-19 sẽ sớm được đẩy lùi”, ông Yang nói thêm.
Theo Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc, tổng giá trị thương mại giữa Trung – Triều trong quý I năm nay đạt 230 triệu USD, giảm 55% so với năm ngoái. Thậm chí, riêng tháng Ba, giá trị thương mại Trung – Triều chỉ là 18 triệu USD, giảm 91 so với cùng kỳ năm ngoái.
“Trong giai đoạn khó khăn kinh tế, nhiều khu chợ tại các tỉnh ở Triều Tiên đã không thể mở cửa hoạt động và đẩy giá hàng hóa như đường và gia vị tăng chóng mặt”, đại diện Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc, ông Kim Byung-kee cho hay.
Mối quan hệ gắn bó giữa Trung – Triều được thể hiện qua chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Bình Nhưỡng vào tháng 6/2018. Ông Tập trở thành nhà lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên tới thăm Triều Tiên trong 14 năm qua. Còn ông Kim Jong-un cũng đã 4 lần tới thăm Trung Quốc kể từ năm 2018.
Hôm 2/5 là lần đần tiên Chủ tịch Triều Tiên tái xuất trước truyền thông sau 20 ngày vắng bóng bí ẩn. Theo đó, KCNA đã cho công bố đoạn video ghi lại hình ảnh ông Kim đi lại, môi luôn nở nụ cười, tay cầm điếu thuốc lá khi tham dự lễ khánh thành Nhà máy phân bón photphat Sunchon ở thành phố Sunchon, phía bắc thủ đô Bình Nhưỡng vào ngày 1/5.
Những tin đồn về tình hình sức khỏe của Chủ tịch Kim Jong-un xuất hiện khi nhà lãnh đạo Triều Tiên vắng mặt trong lễ kỷ niệm ngày sinh nhật của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành hôm 15/4.
Thậm chí, CNN dẫn lời giới chức Mỹ giấu tên cho hay, ông Kim Jong-un đang “nguy kịch” sau ca phẫu thuật tim mạch. Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần bày tỏ nghi ngờ và cho rằng đây là thông tin sai sự thật.
Trên thực tế, ông Kim, người được cho hiện 36 tuổi, từng vài lần biến mất một cách bí ẩn trên các phương tiện truyền thông Triều Tiên. Cụ thể, hồi năm 2014, sau 6 tuần không xuất hiện trước dư luận, ông Kim Jong-un tái xuất với hình ảnh bước chân đi khập khiễng. Trong một động thái hiếm hoi, truyền thông quốc gia Triều Tiên cho biết nguyên nhân khiến ông Kim vắng mặt một thời gian là do cảm thấy “không khỏe”.
Nhiều tin đồn về sức khỏe của ông Kim cho rằng ông là người nghiện thuốc lá, thừa cân và gia đình có tiền sử về bệnh tim mạch.
Minh Thu (lược dịch)