Ông Tập Cận Bình nhận cảnh báo 'nóng' về căng thẳng Mỹ - Trung
Ông Tập Cận Bình đã nhận được bản báo cáo đánh giá tư tưởng phản đối Trung Quốc ngày càng gia tăng trên thế giới và nguy cơ bùng nổ xung đột quân sự trực tiếp giữa Mỹ - Trung.
Ông Tập Cận Bình nhận cảnh báo 'nóng' về căng thẳng Mỹ - TrungĐây là thông tin được Reuters đăng tải hôm 4/5. Cụ thể, bản báo cáo được Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc chuyển tới ông Tập hồi tháng Tư đã kết luận rằng, “tư tưởng thù địch” chống lại Trung Quốc liên quan tới đại dịch Covid-19 đã tăng lên mức cao nhất kể từ sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989.
Bản báo cáo này được cho do Viện Các mối quan hệ quốc tế đương đại trực thuộc Bộ An ninh và là một trong những viện nghiên cứu chính sách đối ngoại lâu đời nhất của Trung Quốc tiến hành.
Căng thẳng Mỹ - Trung càng gia tăng trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát. (Ảnh: AP) |
Reuters dẫn lời các nguồn tin cho hay, kịch bản tồi tệ nhất được bản báo cáo của Bộ An ninh Trung Quốc nhắc tới bao gồm nguy cơ bùng nổ xung đột quân sự giữa Mỹ - Trung.
Cũng theo Reuters, bản báo cáo nhấn mạnh rằng Mỹ xem sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc là mối đe dọa đối với kinh tế và an ninh quốc gia, cũng như là thách thức đối với hệ thống chính trị dân chủ phương Tây.
Trong thời gian qua, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần cáo buộc Trung Quốc che giấu giai đoạn đầu dịch Covid-19 bùng phát, cũng như thay đổi số liệu về các ca mắc và tử vong vì dịch bệnh. Thậm chí, Mỹ cho rằng virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp là sản phẩm bị rò rỉ ra bên ngoài từ một phòng thí nghiệm tại Vũ Hán.
Về phần mình, Bắc Kinh đã phủ nhận những lời cáo buộc trên và khẳng định Trung Quốc đã xác nhận về sự lây nhiễm từ người sang người đồng thời phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), giúp Mỹ có dư thừa thời gian để chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh.
Chính phủ Trung Quốc cho rằng, những tuyên bố từ chính quyền của Tổng thống Trump là nỗ lực nhằm tránh để Nhà Trắng bị đổ lỗi khi mà Mỹ đang là điểm nóng số 1 trên thế giới trong giai đoạn dịch Covid-19.
Sau khi Mỹ rút khoản hỗ trợ cho WHO trước cáo buộc tổ chức này bị Trung Quốc điều khiển, hồi tuần trước, các quan chức cấp cao giấu tên trong chính phủ Mỹ chia sẻ với tờ Washington Post rằng, Tổng thống Trump đang cân nhắc các biện pháp trả đũa liên quan tới dịch Covid-19, trong bối cảnh nhiều nước cho rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm trước đại dịch.
Cụ thể, Australia đã kêu gọi cần có một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của virus corona chủng mới. Hồi tháng Tư, Pháp đã triệu tập đại sứ Trung Quốc sau khi đại sứ quán Trung Quốc cáo buộc chính phủ Pháp để người dân tự chết.
Chính phủ Anh, một trong những đồng minh thân thiết nhất với Mỹ, cũng ám chỉ rằng mối quan hệ giữa Anh và Trung Quốc không thể trở về “trạng thái như bình thường” sau đại dịch.
Dù Mỹ nhiều lần nghi ngờ virus SARS-CoV-2 được phát tán từ một phòng thí nghiệm tại thành phố Vũ Hán, nơi phát hiện những ca mắc Covid-19 đầu tiên trên thế giới, nhưng cho tới nay chưa có bất cứ bằng chứng xác thực nào được công bố.
Hôm 4/5, WHO cho biết cơ quan này chưa nhận được bất cứ thông tin hay bằng chứng cụ thể từ Washington về nguồn gốc của dịch Covid-19 như tuyên bố trước đó của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
Minh Thu (lược dịch)