Chuyên gia Nhật mắc Covid- 19 tử vong, ít có khả năng lây từ Hà Nội
“ít có khả năng BN2229 lây từ Hà Nội vào ngày 1/2 rồi tiếp tục lây cho 2 người khác do không đủ thời gian để virus phát tán”, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói.
Người đàn ông Nhật mắc Covid- 19 tử vong, ít có khả năng lây từ Hà Nội |
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, lũy tích giai đoạn 4, từ ngày 27/01 đến nay, Hà Nội ghi nhận 35 ca mắc ngoài cộng đồng, giảm 1 trường hợp so với báo cáo kỳ trước (do BN2060 là người Hưng Yên đến khám tại Bệnh viện Phổi Trung ương, được Bộ Y tế tính lại là ca bệnh của tỉnh Hưng Yên).
Về công tác rà soát, xét nghiệm cho những người về từ vùng dịch, tổng số người về từ Chí Linh, tỉnh Hải Dương từ ngày 1/1/2021 và người về các khu vực ổ dịch tại tỉnh Quảng Ninh từ 5/1/2021 là 18.151 người, tất cả đã được lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả, có 4 trường hợp dương tính, còn lại đều âm tính.
Tổng số người về từ huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương từ ngày 15/1/2021 là 1.517 người; đã lấy mẫu xét nghiệm cho 1.150 người, kết quả có 437 âm tính, còn lại chưa có kết quả.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho rằng, hiện nay, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, số ca mắc và tử vong không ngừng tăng lên.
Với Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc cho phép các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh để làm việc, mặc dù các chuyên gia đã được cách ly theo quy định nhưng vẫn có nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh xâm nhập từ các chuyên gia này. Bên cạnh đó, sau Tết Nguyên đán, rất đông người dân từ các tỉnh, thành trở về Hà Nội sinh sống và làm việc nhiều, có thể mang theo mầm bệnh vào thành phố. Đồng thời, trên địa bàn Hà Nội có nhiều bệnh viện tuyến Trung ương nên tại các bệnh viện này cũng tiềm ẩn nguy cơ mắc dịch bệnh và lây lan.
Theo lãnh đạo Sở Y tế, dù người dân Thủ đô đã cơ bản đồng thuận, hưởng ứng và thực hiện các quy định của Trung ương, Thành phố và tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch, nhưng tại một số khu vực, cộng đồng dân cư còn hiện tượng tập trung đông người và đi lại không cần thiết. Một số ít người dân chưa đeo khẩu trang; một số cửa hàng chưa nhắc nhở khách hàng tuân thủ đeo khẩu trang và ngồi giãn cách… Vì vậy, trong thời gian tới, có thể tiếp tục ghi nhận các ca bệnh mới trên địa bàn thành phố.
Liên quan đến ca bệnh người Nhật BN2229 đã tử vong, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, Hà Nội đã khoanh vùng và lấy mẫu tất cả người đã tiếp xúc.
Về nguồn lây nhiễm, qua xét nghiệm BN2229 và 2 BN2234, BN2240 (là F1 của BN2229) cho thấy, BN2229 có nồng độ virus cao nhất, sau đó đến BN2234 và BN2240 (tức là, nguồn lây là từ BN2229 sang 2 bệnh nhân có nồng độ virus thấp hơn có nghĩa là thời gian lây nhiễm ít hơn).
“Qua rà soát cũng cho thấy 3 bệnh nhân chỉ tiếp xúc với nhau vào ngày 2/2, sau khi BN2229 trở về Hà Nội vào ngày 1/2, vì vậy, ít có khả năng BN2229 lây từ Hà Nội vào ngày 1/2 rồi tiếp tục lây cho 2 người khác (không đủ thời gian để virus phát tán)”, ông Hiền nói.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đã rà soát, trong Công ty Mitsui có 1 người đã đến Chí Linh, tỉnh Hải Dương ngày 13/1, đã lấy mẫu và gửi đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm, kết quả là không có cả kháng thể lẫn kháng nguyên, tức là người này chưa từng nhiễm bệnh.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho rằng, diễn biến dịch trên thế giới đặc biệt tại Hải Dương sẽ có “tác động rất lớn trong công tác phòng chống dịch của Hà Nội".
Do đó, trong thời gian tới, UBND TP Hà Nội yêy cầu các đơn vị tập trung mở rộng diện xét nghiệm đối với toàn bộ người dân về từ tỉnh Hải Dương kể từ 0h, ngày 2/2/2021 trở lại đây.
Trong đó, ưu tiên lấy mẫu xét nghiệm những người ở huyện Cẩm Giàng trước, sau đó đến những người về từ các địa bàn khác của tỉnh Hải Dương; tiếp đến là xét nghiệm cho tất cả những người về từ 11 tỉnh, thành phố có ca mắc Covid-19. Việc xét nghiệm cho 100% số người từ Hải Dương về xong trước ngày 21/2/2021.
Ngoài ra, lực lượng chức năng cần có thêm các biện pháp hành chính để giảm thiểu tình trạng khai báo quanh co, gian dối hoặc cố tình không khai báo y tế. Với biện pháp xét nghiệm người về từ Hải Dương, cơ quan chức năng cần có kế hoạch cụ thể để phát hiện ca bệnh, không bỏ sót trường hợp dương tính.
N. Huyền