Chuyên gia ngoại cảnh báo VN khó chống rửa tiền qua giao dịch tiền mặt
Bà Virginia Foote – HĐQT Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam cảnh báo và lo ngại trước thực trạng giao dịch tiền mặt quá lớn tại Việt Nam.
Rửa tiền đã trở thành một vấn nạn nghiêm trọng mang tính quốc tế. Đặc biệt, khi các trung tâm tiền tệ hàng đầu thế giới nỗ lực chống lại các hoạt động rửa tiền thì những tội phạm rửa tiền lại có thêm động cơ để chuyển hoạt động rửa tiền sang các quốc gia mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Bà Virginia Foote – HĐQT Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam |
Theo bà Virginia Foote, hành vi phạm tội của tội phạm ngày càng tinh vi, nên nếu giao dịch tiền mặt tại Việt Nam vẫn chiếm tỷ lệ lớn như hiện nay, tới 97% thì sẽ rất nguy hiểm.
Dẫn chứng, bà Virginia Foote cho biết, tại 10 nước có tỷ lệ tiêu dùng không dùng tiền mặt hàng đầu có tới hơn 80% số giao dịch được thực hiện không dùng tiền mặt, thông qua chuyển khoản… trong khi con số này ở Việt Nam chỉ là 3%. Rửa tiền sẽ phát triển khi những giao dịch giá trị lớn như đất đai, xe cộ và hàng hóa giá trị khác được chi trả bằng tiền mặt.
Bà Virginia B.Foote cho rằng, những nền kinh tế dựa nhiều vào tiền mặt dễ dẫn đến những vấn nạn như tham nhũng nhỏ đến rửa tiền quy mô lớn đều phổ biến và khó đối phó hơn.
“Việc giao dịch bằng tiền mặt giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp, nhà nước có thể tạo môi trường cho những hành vi “đưa tiền lót tay”, hối lộ, cũng như những quy trình kế toán, kiểm toán đáng ngờ, không đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế” – bà Virginia B.Foote nhấn mạnh.
Chuyên gia về chống rửa tiền cho rằng, tội rửa tiền là tội phái sinh từ các tội phạm khác. Ba yêu cầu cơ bản và cốt lõi để xác định một hành vi có phải là rửa tiền hay không, đó là trước tiên đã nói tới rửa tiền thì phải chứng minh được nguồn gốc tiền là bất hợp pháp. Thứ 2, phải có hành vi che giấu được quy định tại Điều 251 Bộ Luật Hình sự. Và cuối cùng, phải chứng minh được động cơ của tội phạm là nhằm hợp thức hóa số tiền đó.
Cũng theo bà Virginia B.Foote, đối với những doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động ở Việt Nam để tận dụng được cơ hội từ các Hiệp định thương mại mới, cơ chế thanh toán không dùng tiền mặt và sử dụng để trả phí dịch vụ, lệ phí, đóng thuế, thanh toán tiền điện, tiền nước và các khoản mua sắm lớn… sẽ là phương thức quan trọng để giảm chi phí sản xuất, cũng như đẩy lùi nguy cơ về tham nhũng.