Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Kiều hối cũng có thể bị lợi dụng để rửa tiền!
Ảnh minh họa |
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, biểu hiện của việc rửa tiền muôn hình vạn trạng, có những đại gia liên tục xây khách sạn 5 sao nhưng rất vắng khách. Nhiều người nghi ngờ khi có tiền bất minh rồi kiếm chỗ nào đó để đầu tư.
Cũng theo ông Lê Đăng Doanh, ngay cả kiều hối cũng có thể bị tội phạm lợi dụng để rửa tiền. Theo thống kê, kiều hối về Việt Nam năm 2014 đạt hơn 12 tỷ USD, tốc độ tăng trung bình hàng năm là 38,6%.
Còn theo ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Quản lý Trung ương, lượng tiền gửi theo con đường không chính thức bằng gần 1/4 kiều hối qua kênh chính thức, bởi luật pháp cho phép mang ngoại tệ vào Việt Nam trong phạm vi dưới 5.000 USD không phải khai báo, nhưng cũng có một lượng ngoại tệ từ trong nước chạy ra nước ngoài theo con đường phi chính thức thì chúng ta không thể ghi nhận được là bao nhiêu. Chẳng hạn nhập lậu hàng hóa, nhập lậu vàng, hay gửi tiền cho con cái học tập ở nước ngoài…
Cách đây không lâu, ông Vũ Quang Việt, chuyên viên cao cấp của Liên Hợp Quốc đã chỉ ra một con số giật mình: 33 tỷ USD của Việt Nam đã bị chảy ra nước ngoài bất hợp pháp trong vòng 6 năm qua. Phía sau con số ấy, theo ông Vũ Quang Việt là tiền tham nhũng và nhập lậu hàng hóa.
“Con số 33 tỷ USD của Việt Nam chảy ra nước ngoài không hợp pháp từ năm 2008 đến năm 2013 là có thật, và đặc biệt là mức chảy ra ngoài tăng mạnh từ sau năm 2008. Năm 2009, số tiền chảy ra nước ngoài trên 9 tỷ USD, từ năm 2010 có giảm xuống nhưng lại ngày càng tăng và đạt mức gần 9 tỷ năm 2013,” ông Vũ Quang Việt khẳng định.
Trong trao đổi ngoại tệ với nước ngoài và trong điều kiện của Việt Nam, ngoại tệ được chuyển ra nước ngoài bao gồm các khoản dùng để nhập khẩu, trả lãi và trả nợ. Còn ngoại tệ chuyển vào Việt nam là tiền nhận được từ xuất khẩu, từ đầu tư trực tiếp để sản xuất và gián tiếp vào thị trường cổ phiếu, từ vay mượn qua trái phiếu và nợ nước ngoài, từ viện trợ và nhất là từ người Việt cư trú hoặc xuất khẩu lao động gửi về.
Chuyển giao vãng lai ở Việt Nam chủ yếu là tiền người Việt cư trú ở nước ngoài gửi về (thường gọi là kiều hối) cho gia đình. Kiều hối tăng mạnh từ sau năm 2006 và năm 2013 đạt 8,9 tỷ USD. Con số này thấp hơn con số 11 tỷ USD mà Ngân hàng Thế giới công bố.
“Thật ra số lượng kiều hối từ nguồn Việt Nam hay Ngân hàng Thế giới thống kê cũng đều khó tin, và rất có thể chúng không chỉ gồm kiều hối mà còn gồm cả tiền không chứng minh được nguồn gốc gửi về để rửa tiền,” ông Vũ Quang Việt nhận định.
“Khi làm ăn bất chính, cách đơn giản để các công ty nước ngoài liên quan đến đầu tư trực tiếp, hoặc xuất nhập khẩu tạo thế đứng và lợi nhuận là tăng chi phí phải trả cho phía Việt Nam, một phần chi phí này được “lại quả” cho những người có trách nhiệm liên quan đến các hợp đồng này qua việc thiết lập tài khoản cho họ ở nước ngoài. Những người này tất nhiên muốn chuyển tiền về thì đơn giản nhất là dùng hình thức kiều hối,” ông Vũ Quang Việt nhận định.