Chuyên gia dự đoán nền kinh tế Afghanistan sẽ sụp đổ trong những tuần tới
Cựu quan chức Liên Hợp Quốc (LHQ) Hans-Jakob Schindler dự đoán nền kinh tế Afghanistan sẽ sụp đổ trong những tuần tới.
“Việc phong trào Hồi giáo cực đoan Taliban bất ngờ nắm quyền ở Afghanistan đã đưa nền kinh tế của nước này đến gần hơn với sự sụp đổ. Tài sản của đất nước bị đóng băng, các ngân hàng đóng cửa và viện trợ nước ngoài đã kết thúc. Các chuyên gia dự đoán rằng nếu không có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, một cuộc khủng hoảng toàn diện sẽ bắt đầu trong những tuần tới”, NBC nhận định.
Tiến sĩ Hans-Jakob Schindler là giám đốc cấp cao của Dự án Chống Chủ nghĩa Cực đoan (CEP), người cũng từng làm việc tại LHQ và cho chính phủ Đức cho biết, triển vọng kinh tế của Afghanistan trong tương lai gần là “thảm khốc”.
Nền kinh tế Afghanistan dự đoán sẽ sụp đổ trong những tuần tới. (Ảnh: Reuters) |
Không tính đến việc Mỹ rót tiền và các tổ chức quốc tế hỗ trợ, nền kinh tế Afghanistan nhận được tiền từ buôn bán ma túy, khai thác mỏ kém phát triển và sản xuất quy mô nhỏ.
Mới đây, truyền thông Pakistan đã đưa tin về việc nối lại thương mại trên biên giới đất liền giữa hai nước, nhưng ông Schindler cho rằng không có sự cứu rỗi nào cho Afghanistan. Trước khi Taliban tiếp quản đất nước, thương mại có rất ít tác động.
Trước đó, hôm 23/8, Taliban đã chỉ định ông Haji Mohammad Idris làm quyền Thống đốc Ngân hàng trung ương Afghanistan nhằm giải quyết tình trạng bất ổn kinh tế ngày càng nghiêm trọng tại nước này.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ông Haji Mohammad Idris là một quan chức vô danh không được đào tạo chính quy về tài chính và việc bổ nhiệm này không làm rõ được triển vọng cho tình hình kinh tế của Afghanistan.
Các chuyên gia tài chính cho rằng việc bổ nhiệm này cho thấy rõ ràng cộng đồng quốc tế cần phải can thiệp. Nếu không, nền kinh tế của đất nước Nam Á này có thể sụp đổ bất cứ lức nào. Đồng thời, bất chấp mọi khó khăn, Taliban khẳng định các công chức sẽ được “trả lương như trước đây”.
Bên cạnh đó, các ngân hàng đã đóng cửa và không hoạt động trong nửa tháng, công chức không được trả lương, và ngay cả giao dịch hàng ngày cũng trở nên khó khăn.
Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây đã đình chỉ hỗ trợ tài chính cho Afghanistan do bất ổn chính trị. Người phát ngôn của Ngân hàng Thế giới Marcela Sanchez-Bender, từ chối trả lời câu hỏi trong điều kiện nào các khoản thanh toán sẽ được nối lại.
Ngoài ra, Mỹ cũng không công nhận Taliban là một chính phủ hợp pháp và từ chối các chiến binh tiếp cận với hàng tỉ USD của ngân hàng trung ương Afghanistan trong các tài khoản của người Mỹ.
Nền kinh tế Afghanistan phụ thuộc lớn vào viện trợ quốc tế, đứng đầu là Mỹ, một nguồn tài trợ có thể không được đảm bảo sau khi quân đội Mỹ rút khỏi nước này. Theo Ngân hàng Thế giới, khoảng 75% chi tiêu công của Afghanistan là từ viện trợ quốc tế.
Đồng tiền của Afghanistan giảm xuống mức thấp kỷ lục trong những tuần gần đây, khi lực lượng Taliban giành quyền kiểm soát và tình trạng thiếu USD gây ra sự hoảng loạn.
Việc đồng afghani mất giá sẽ gây thêm sức ép lạm phát. Giá cả tăng, đặc biệt là giá thực phẩm và hàng hóa thiết yếu, sẽ gây khó khăn lớn nhất cho bộ phận những người nghèo nhất.
Mỹ tiết lộ con số thương vong cuối cùng ở Afghanistan sau 20 năm
Kênh truyền hình C-SPAN dẫn lời Tướng Kenneth McKenzie, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho biết, trong gần 20 năm hiện diện ở Afghanistan, Mỹ đã mất hơn 2.000 người.
Thanh Bình (lược dịch)