Các ngân hàng Afghanistan đang chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất?
Triển vọng của hệ thống ngân hàng tại Afghanistan dường như cũng khá bấp bênh, khi việc tái khởi động một nền kinh tế đã bị tàn phá bởi 40 năm chiến tranh vẫn đang đặt ra dấu hỏi lớn.
Theo Reuters, chứng kiến sự bất ổn của đồng tiền quốc gia và thái độ của Taliban đối với lao động nữ, các tổ chức ở Afghanistan đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất. Tại thời điểm hiện tại, Taliban đang buộc các ngân hàng phải mở cửa, vì đó gần như đã trở thành cứu cánh duy nhất khỏi sự sụp đổ hoàn toàn của nền kinh tế.
Afghanistan là một trong những quốc gia trên thế giới có hệ thống ngân hàng kém phát triển nhất. Do sự sụp đổ của chính phủ sau sự xuất hiện của Taliban, tất cả các tổ chức tài chính trên lãnh thổ nước này đều ngừng hoạt động.
Hầu hết các ngân hàng thương mại đã quyết định đình chỉ dịch vụ cho đến khi ngân hàng trung ương công bố các biện pháp đảm bảo tính thanh khoản của tiền tệ và sự an toàn của các tổ chức. Hiện tại, các ngân hàng đã đóng cửa được hơn 10 ngày. Các khu vực nông thôn của Afghanistan phụ thuộc rất ít vào các dịch vụ ngân hàng, nhưng ở các thành phố việc ngừng hoạt động của các tổ chức tài chính gây ra khó khăn lớn cho nền kinh tế dựa nhiều vào tiền mặt ở đất nước Nam Á này.
Các ngân hàng của Afghanistan, vốn đóng vai trò quan trọng đối với sự phục hồi của nước này sau khủng hoảng, đang đối mặt với một tương lai bất ổn với những hoài nghi về mọi mặt. (Ảnh: AP) |
Taliban gần đây đã thông báo rằng các ngân hàng sẽ sớm được mở cửa trở lại. Tuy nhiên, người dân địa phương không thấy bằng chứng nào cho thấy chúng sắp mở cửa. Vào ngày 25/8, một đám đông tập trung bên ngoài các ngân hàng ở Kabul yêu cầu mở cửa.
Ông Gazal Gailani, Cố vấn Kinh tế và thương mại tại đại sứ quán Afghanistan ở London cho biết: “Hệ thống ngân hàng của Afghanistan hiện đang trong tình trạng sụp đổ và người dân đang cạn kiệt tiền bạc”.
Theo cựu quyền Thống đốc ngân hàng trung ương Afghanistan Ajmal Ahmady, nước này không có mặt hàng xuất khẩu nào đáng kể do vậy trở ngại trước mắt chính là tính thanh khoản. Vấn đề thanh khoản xảy ra trước khi các ngân hàng đóng cửa, vì mọi người cố gắng rút hết tiền trong tài khoản.
Mới đây, ngân hàng trung ương “Yes Afghanistan” đã bắt đầu cung cấp tiền mặt cho các ngân hàng sau khi Kabul bị Taliban kiểm soát, nhưng sự hỗ trợ có thể sẽ cạn kiệt trong tương lai gần vì dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương chỉ vào khoảng 9 tỉ USD.
“Các ngân hàng sẽ phải đối mặt với các vấn đề về thanh khoản ngoại tệ, chúng gây ra những biến động lớn về tỷ giá hối đoái”, một chủ ngân hàng địa phương nói với Reuters.
Trong khi, đồng tiền Afghanistan đã sụt giảm nghiêm trọng trong bối cảnh lo ngại về tình trạng thiếu USD.
Bên cạnh đó, các nhân viên ngân hàng Afghanistan cũng đang chờ thông tin mới từ các ngân hàng ở nước ngoài, nơi cung cấp các dịch vụ thu đổi ngoại tệ và chuyển tiền. Các tổ chức tài chính Afghanistan muốn biết liệu các mối quan hệ kinh doanh có tiếp tục dưới thời Taliban hay không.
Các biện pháp trừng phạt mới có thể cắt đứt quan hệ với nhiều đối tác. Tuy nhiên, một nhân viên ngân hàng Afghanistan cho biết, các ngân hàng nước ngoài ở Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Tây Ban Nha, UAE, Qatar, Pakistan và Ấn Độ vẫn tiếp tục hỗ trợ các dịch vụ.
Theo Reuters, các doanh nghiệp có lý do để lo ngại khi Taliban có thể buộc họ chuyển sang hoạt động ngân hàng Hồi giáo theo các nguyên tắc của luật Sharia.
Mới đây, Taliban đã chỉ định ông Haji Mohammad Idris làm quyền Thống đốc Ngân hàng trung ương Afghanistan nhằm giải quyết tình trạng bất ổn kinh tế ngày càng nghiêm trọng tại nước này.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ông Haji Mohammad Idris là một quan chức vô danh không được đào tạo chính quy về tài chính và việc bổ nhiệm này không làm rõ được triển vọng cho tình hình kinh tế của Afghanistan.
Theo Taliban, việc chỉ định ông Haji Mohammad Idris làm quyền Thống đốc Ngân hàng trung ương Afghanistan giúp lập lại trật tự cho nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá.
Người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid cho biết ông Haji Mohammad Idris sẽ giúp tổ chức các cơ quan và giải quyết các vấn đề kinh tế mà Afghanistan phải đối mặt.
Trong khi đó, sự không chắc chắn lớn hơn bao quanh việc làm trong tương lai của phụ nữ Afghanistan.
“Cho đến nay, không có báo cáo chính thức nào từ Taliban về việc làm của các nữ nhân viên”, ông Syed Moosa Kaleem Al-Falahi, Giám đốc điều hành và Chủ tịch của Ngân hàng Hồi giáo Afghanistan (IBA) cho biết.
“Các nữ công nhân của chúng tôi sẽ trở lại làm việc khi ngân hàng mở cửa trở lại. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn hoài nghi về sự đảm bảo từ chính phủ mới rằng phụ nữ sẽ được phép làm việc theo luật Hồi giáo”, ông Kaleem Al-Falahi nói thêm.
Thủ lĩnh Taliban bị Mỹ truy nã có mặt trong Hội đồng lãnh đạo Afghanistan
NBC đưa tin, một trong những thủ lĩnh của Taliban và ứng cử viên của Hội đồng Afghanistan, Khalil al-Rahman Haqqani đã bị Washington đưa vào danh sách truy nã là một trong những kẻ khủng bố nguy hiểm nhất thế giới.
Thanh Bình (lược dịch)