Chuyên gia 'điểm mặt' các yếu tố nguy cơ gây ung thư
Sự phát triển và di căn của ung thư
Một cơ thể khỏe mạnh có hàng nghìn tỷ tế bào được tạo ra từ sự phát triển, phân chia nhằm duy trì các hoạt động hàng ngày của cơ thể.
Các tế bào khỏe mạnh đều có những chu kỳ sống riêng biệt, sinh sản và chết đi theo chương trình định sẵn, tùy theo mỗi loại tế bào. Các tế bào mới được sinh ra thay thế cho các tế bào già cỗi, hoặc các tế bào bị hư tổn khi chúng chết đi.
Ung thư làm phá vỡ quá trình bình thường ở trên, dẫn đến sự phát triển hỗn loạn các tế bào. Điều này được giải thích là do những biến đổi hoặc sự đột biến DNA trong tế bào.
DNA tồn tại trong các gen riêng lẻ của mỗi tế bào, chúng giúp định hướng cho tế bào thực hiện đúng chức năng và cả sự phát triển, phân chia tế bào. Hầu hết các đột biến DNA được tế bào sửa chữa nhưng một khi có một lỗi nào đó không sửa chữa được, tế bào có thể sẽ bị ung thư hóa. Các tế bào ung thư sẽ phát triển quá mức, không kiểm soát dẫn tới hình thành các khối u. Tùy thuộc vào vị trí khối u, nó gây ra những mức độ ảnh hưởng khác nhau cho cơ thể.
Không phải tất cả các khối u đều gọi là ung thư. Có những khối u lành tính, không gọi là ung thư, chúng không xâm lấn và lan ra các mô cơ quan khác. Dù vậy, khi chúng phát triển to quá mức chèn ép vào các cơ quan lân cận sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Các khối u ác tính hay còn gọi là ung thư đặc trưng bởi tính xâm lấn và di căn xa. Các tế bào ung thư có thể di cư thông qua dòng chảy mạch máu hay hệ bạch huyết để đi đến các vùng khác của cơ thể, gọi là hiện tượng di căn xa. Ung thư đã di căn xa thường khó điều trị và có tiên lượng xấu.
Các yếu tố nguy cơ gây ung thư
Nguyên nhân trực tiếp của ung thư là những biến đổi, hay đột biến tại các DNA bên trong tế bào. Các đột biến gen này có thể được di truyền bẩm sinh. Chúng cũng có thể xuất hiện trong quá trình sinh sống do tác động của môi trường.
Một số các yếu tố nguy cơ gây ung thư có thể là:
- Phơi nhiễm với hóa chất gây ung thư.
- Phơi nhiễm với bức xạ.
- Phơi nhiễm với ánh nắng mặt trời.
- Một số loại virus, ví dụ như virus u nhú ở người (HPV).
- Hút thuốc lá.
- Lối sống: chế độ ăn kém lành mạnh, ít hoạt động thể chất.
Nguy cơ mắc ung thư có xu hướng gia tăng theo độ tuổi. Một số tình trạng viêm nhiễm sẵn có cũng có thể làm tăng nguy cơ gây ung thư, ví dụ bệnh viêm loét đại tràng mạn tính.
Hiểu biết được các yếu tố nguy cơ của ung thư giúp chúng ta biết điều chỉnh và thực hiện lối sống lành mạnh, khoa học, làm giảm nguy cơ ung thư cho cơ thể.
Các cách tốt nhất để dự phòng ung thư
- Bỏ thuốc lá và tránh tiếp xúc với khói thuốc
- Chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng
- Hạn chế sử dụng các loại thịt chế biến sẵn
- Cân nhắc áp dụng chế độ ăn Địa Trung Hải, tập trung vào thực phẩm nguồn gốc thực vật, protein nạc, chất béo có lợi cho cơ thể
- Không uống rượu bia hoặc tiết chế việc uống rượu bia
- Giữ được cân nặng hợp lý và hoạt động thể chất ít nhất 30 phút mỗi ngày
- Che chắn bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời: Che chắn bằng quần áo, kính râm, mũ, và thoa kem chống nắng thường xuyên. Tránh ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian từ 10h đến 16h. Đây là lúc tia nắng mặt trời ở mức mạnh nhất
- Tiêm vắc xin phòng virus có thể dẫn đến ung thư, chẳng hạn virus viêm gan B, virus gây u nhú ở người HPV
- Không thực hiện các hành động có tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư: Thực hành tình dục an toàn, không sử dụng chung bơm kim tiêm, chỉ xăm hình ở các cơ sở có uy tín và an toàn
- Thường xuyên khám định kỳ để có thể phát hiện sớm các loại ung thư, làm tăng cơ hội chữa khỏi cho người bệnh.
Như vậy, ung thư là bệnh lý nguy hiểm do sự đột biến DNA của tế bào, dẫn đến sự phát triển không kiểm soát, có tính chất xâm lấn và di căn xa. Hiểu biết được các yếu tố nguy cơ của ung thư giúp chúng ta biết điều chỉnh và thực hiện lối sống lành mạnh, khoa học, làm giảm nguy cơ ung thư cho cơ thể.
BSCK1 Nguyễn Xuân Kiên (Khoa Xạ trị – Xạ phẫu, Viện Ung thư, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108)