Chuyển đổi số trong công tác đảm bảo an toàn giao thông
Tại hội thảo Chuyển đổi số trong công tác đảm bảo ATGT do Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức sáng 26/12, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhấn mạnh, chuyển đổi số trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông là cả một quá trình thay đổi công nghệ, thủ tục quy trình và khái niệm trong quản lý tổ chức xã hội.
Vừa qua, chuyển đổi số trong cả nước ngày càng được đẩy mạnh và có bước đi thực chất như ngành công an đã triển khai nền tảng cơ sở dữ liệu dân cư. Bên cạnh đó, còn có các hoạt động liên quan đến Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số…
Về vấn đề thu thập, xử lý số liệu liên quan đến bảo đảm an toàn giao thông, ông Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, thực tế đòi hỏi cần có một hệ dữ liệu về an toàn giao thông cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác nhằm hỗ trợ đắc lực cho quá trình ra các quyết định quản lý về an toàn giao thông trên phạm vi toàn quốc, các cấp từ Trung ương đến địa phương.
Về định hướng chuyển đổi số của ngành giao thông vận tải, ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, ngành giao thông vận tải được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số để phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp. Bộ đã ban hành chương trình chuyển đổi số với mục tiêu đến năm 2025 hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung về kết cấu hạ tầng, phương tiện, người điều khiển phương tiện và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Đến nay, Bộ Giao thông vận tải đã tập trung số hóa dữ liệu thống kê hiện trạng kết cấu hạ tầng, bảo trì hạ tầng và ứng dụng công nghệ bảo trì kết cấu hạ tầng nhằm bảo đảm an toàn giao thông. Bên cạnh đó, đang tiến hành số hóa các lĩnh vực khác như đường sắt, đường thủy, hàng không, hàng hải.
Nhằm hiện thực hóa, đến nay, Bộ GTVT đã thực hiện số hóa dữ liệu kết cấu hạ tầng giao thông, lĩnh vực đường bộ quản lý gần 25.000km mặt đường, gần 7.354 cầu đường bộ và đang số hóa các lĩnh vực khác như đường sắt và đường thủy trong năm nay, lĩnh vực hàng không và hàng hải dự kiến cuối năm 2023 và đầu năm 2024 sẽ hoàn thành. Trong đó, sẽ ứng dụng CNTT để theo dõi, thống kê lưu lượng giao thông, xây dựng kế hoạch bảo trì đảm bảo ATGT.
Bộ GTVT cũng đã xây dựng quản lý điều hành giao thông đường quốc lộ và cao tốc (5/17 đoạn cao tốc xây dựng và quản lý điều hành ITS gồm giám sát giao thông, biển báo, hệ thống phản ánh thông tin qua đường dây nóng, kiểm soát tải trọng xe; thu phí điện tử không dừng).
Với dự án cao tốc, Bộ GTVT đang có 21 dự án, trong đó 9 đoạn tuyến triển khai năm 2017-2020, 12 đoạn triển khai năm 2021-2025 và trong thiết kế sẽ triển khai đồng loạt giao thông thông minh (ITS) về quản lý điều hành giao thông.
Bộ cũng dự kiến hình thành trung tâm điều hành giao thông cho cao tốc và quốc lộ để kết nối với giao thông đô thị để cung cấp tình hình giao thông từ khu vực ngoại ô đi vào đô thị.
Theo kế hoạch từ năm 2023 ngành sẽ cung cấp dữ liệu mở, trong đó có dữ liệu về Kết cấu hạ tầng giao thông (kho, bãi, bến xe, tàu…) phục vụ bài toán giảm ùn tắc ATGT .
Ông Tùng cho biết, hiện việc quản lý dữ liệu phương tiện rời rạc từ đăng kiểm, đăng ký xe, xử phạt,… do đó, cần định danh lại và ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý phương tiện.
Để thực hiện, Bộ GTVT đã hoàn thành số hóa, định danh dữ liệu quản lý 1.570 phương tiện hàng hải; 235.000 phương tiện thủy nội địa; 4.616.908 phương tiện đường bộ (xe ô tô); 5.823 phương tiện đường sắt; 264 phương tiện hàng không.
Bộ cũng đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin quản lý phương tiện bao gồm: thiết bị hộp đen (có 200.000/205.000 xe đã lắp, còn 5.000 xe do tạm dừng hoạt động nên chưa lắp); số hóa 11.000 tuyến vận tải cố định có đầy đủ thông tin về loại phương tiện, đơn vị, người điều khiển xe.
Cùng với đó, thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu cho Bộ Công an khi đăng ký xe trực tuyến; Tổng cục thuế khi thực hiện thu thuế điện tử; 16/63 tỉnh thành phố về số liệu cấp phép; chia sẻ cho các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai...trong thực hiện cửa khẩu số giúp thông quan hàng hóa…
Với người điều khiển phương tiện, đang thực hiện quản lý từ khâu đào tạo sát hạch lái xe, cấp phép bằng lái xe. Hiện Bộ đang kết nối với cơ sở dữ liệu về khám sức khỏe lái xe(Bộ Y tế), xử phạt vi phạm (Bộ Công an) nên thời gian tới việc cấp đổi lái xe rất thuận tiện bởi theo thống kê mỗi năm có khoảng 2 triệu bằng lái xe cấp, đổi.
“Định danh thống nhất về dữ liệu sẽ không còn cát cứ giữa các lĩnh vực mà cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chia sẻ dữ liệu với các bộ ngành, địa phương. Do đó, vai trò của Chính phủ và Ủy ban ATGT Quốc gia phải hình thành nền tảng số, giải quyết bài toán tổng thể về ATGT để các cơ quan đơn vị có những đóng góp về dữ liệu và chia sẻ,” ông Tùng nhấn mạnh.
Đối với các lĩnh vực do Bộ Công an quản lý, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) chia sẻ, ngành công an chuyển đổi số cơ bản đến các lĩnh vực về bảo đảm trật tự an toàn giao thông như đăng ký xe, xử lý vi phạm (qua hình ảnh) và tai nạn giao thông đã triển khai tới công an cấp huyện.
Để thúc đẩy hơn nữa chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo đảm an toàn giao thông, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cần tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai như với đăng ký phương tiện, nộp phạt xử phạt vi phạm hành chính...
Bảo Khánh