Tuyên truyền bình đẳng giới vùng dân tộc miền núi còn nhiều khó khăn
Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.
Bình đẳng giới là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển của một xã hội, một đất nước, tự nó là mục tiêu của sự phát triển và là yếu tố hỗ trợ, nâng cao khả năng tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội của quốc gia.
Công tác bình đẳng giới và việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới ở vùng dân tộc miền núi đã và đang góp phần quan trọng vào việc nâng cao bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa, gia đình.
Công tác tuyên truyền về bình đẳng giới đã góp phần làm chuyển biến nhận thức và hành vi của cán bộ, nhà giáo, người lao động về giới và bình đẳng giới trong quan hệ đối xử giữa nam và nữ, trong thực hiện kế hoạch hoá gia đình, trong lựa chọn sinh con theo giới tính, về vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.
Công tác tuyên truyền về bình đẳng giới vùng dân tộc miền núi vẫn còn nhiều khó khăn |
Tuy nhiên, thời gian qua, công tác tuyên truyền về bình đẳng giới vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là đối với vùng dân tộc miền núi cần tiếp tục giải quyết như:
Tư tưởng định kiến giới còn tồn tại nhiều trong nhân dân, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số và một bộ phận không nhỏ cán bộ gây khó khăn trong việc triển khai thực hiện chính sách về bình đẳng giới tại địa phương.
Trình độ dân trí, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, việc tuyên truyền pháp luật chưa thường xuyên, chậm đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền.
Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vẫn chưa được thực hiện một cách thường xuyên, nhất là trong quá trình xây dựng kế hoạch triển khai các văn bản quy phạm pháp luật.
Đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới mỏng, thiếu kiến thức, kỹ năng chuyên sâu, nên chất lượng tham mưu còn hạn chế.
Vì Ủy ban Dân tộc không được cấp kinh phí để triển khai các hoạt động của Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020 nên việc duy trì hoạt động của các mô hình thí điểm dịch vụ tư vấn hỗ trợ về bình đẳng giới tại 30 xã vùng dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn.
Tuy còn những khó khăn, vướng mắc nhưng công tác tuyên truyền về bình đẳng giới năm 2017 vẫn đạt được một số thành tựu như:
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác phụ nữ của cả hệ thống chính trị, thực hiện lồng ghép giới vào kế hoạch hoạt động của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị, tạo điều kiện cho phụ nữ có cơ hội vươn lên bình đẳng như nam giới.
Đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện, vị thế của người phụ nữ dân tộc thiểu số được khẳng định và nâng cao trong gia đình và trong xã hội cũng như tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện có hiệu quả các quyền cơ bản và phát huy vai trò phụ nữ đối với việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương đã góp phần hạn chế bất bình đẳng giới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội vùng dân tộc miền núi.
Để đạt được kết quả trên là có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương tới địa phương; sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các Vụ, đơn vị, đoàn thể làm công tác dân tộc trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện các mục tiêu đề ra.
Ủy ban Dân tộc đã tích cực và chủ động trong triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước về bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số; phối hợp với các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế để nâng cao năng lực, nhận thức về bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số cho cán bộ làm công tác bình đẳng giới.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, tập huấn bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm và đẩy mạnh thực hiện, đặc biệt là công tác truyền thông nhằm tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp, đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp. Công tác hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động của UBQG khá kịp thời, tạo điều kiện để Ban VSTBPN ở các Bộ, ngành, địa phương nắm bắt thông tin để triển khai hoạt động bài bản, hiệu quả hơn.