Phú Thọ: Nhân rộng mô hình “CLB phụ nữ và trẻ em gái” chống bạo hành gia đình
Câu lạc bộ "Phụ nữ và trẻ em gái" được Hội LHPN tỉnh Yên Bái nhân rộng |
Theo nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam được Liên Hợp quốc tiến hành khảo sát cho thấy ở nước ta, cứ ba phụ nữ có gia đình hoặc đã từng có gia đình thì có một người (34%) cho biết họ đã từng bị chồng mình bạo hành thể xác hoặc tình dục.
Số phụ nữ có hoặc từng có gia đình hiện đang phải chịu một trong hai hình thức bạo hành này chiếm 9%.
Nếu xem xét đến cả ba hình thức bạo hành chính trong đời sống vợ chồng là thể xác, tình dục và tinh thần, thì có hơn một nửa (58%) phụ nữ Việt Nam cho biết đã từng là nạn nhân của ít nhất một hình thức bạo lực gia đình kể trên. Các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy khả năng phụ nữ bị chồng mình lạm dụng nhiều hơn gấp ba lần so với khả năng họ bị người khác lạm dụng.
Trước thực trạng trên, năm 2015, Trung Tâm Dân Số -KHHGĐ huyện Yên Lập (Phú Thọ) đã phối hợp với Hội LHPN, Ban chỉ đạo xã Xuân Viên (Yên Lập) lựa chọn trường THCS xã Xuân Viên là đơn vị làm điểm thành lập Câu lạc bộ phụ nữ và trẻ em gái.
Với 46 thành viên là những em học sinh nữ (từ lớp 7 đến lớp 9) chăm chỉ học tập, ý thức tốt, tham gia tích cực các hoạt động xã hội, có ý thức trong công việc của trường, của lớp. Câu lạc bộ được lãnh đạo nhà trường bố trí một phòng truyền thông, có đủ các tài liệu như: Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình và nhiều tài liệu tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản.... Công tác phối hợp giữa nhà trường, hội phụ nữ, trạm y tế được thực hiện thường xuyên, liên tục bảo đảm hiệu quả, chất lượng.
Câu lạc bộ sinh hoạt định kỳ hàng tháng với các chủ đề sinh hoạt khác nhau phù hợp với tâm sinh lý của lứa tuổi các em, tạo không khí sinh hoạt sôi nổi, tránh nhàm chán.
Những chủ đề tuyên truyền và đưa ra thảo luận như: Tình bạn, tình yêu, tác hại mang thai ở lứa tuổi vị thành niên và để phòng chống bạo lực trong gia đình, bạo lực học đường, phòng chống các tệ nạn xã hội, tệ nạn xâm hại tình dục trẻ em gái, đặc biệt những vấn đề liên quan đến trẻ em gái trong giai đoạn phát triển trưởng thành, vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội hiện đại…, thông qua đó giúp các em gái có kiến thức để tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục của bản thân, phát huy vai trò của mình trong gia đình, nhà trường và xã hội.
Từ kiến thức được trang bị, các em đã chia sẻ với bạn bè, người thân để cùng chung tay bảo vệ trẻ em gái và giúp các em tự tin hơn trong các mối quan hệ ở nhà trường và ngoài xã hội. CLB còn tổ chức các buổi ngoại khóa có sự tham gia của một số thành viên là các em nam trong trường.
Cô giáo Đinh Thị Hảo chủ nhiệm câu lạc bộ chia sẻ: “Ngày đầu thành lập CLB gặp không ít khó khăn trong tổ chức và sinh hoạt, do tâm lý của các em ngại ngùng, rụt rè, e ngại, không nói ra những ý nghĩ của mình trong lúc thảo luận; qua một thời gian hoạt động do áp dụng nhiều hình thức sinh hoạt, tuyên truyền phù hợp, những câu hỏi gợi mở, đã giúp các em dần quen với các buổi sinh hoạt.
Tuy nhiên, đến nay, sau hai năm đi vào hoạt động, câu lạc bộ “Phụ nữ và trẻ em gái” đã góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng và hành vi của các em trong việc tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bản thân cũng như ý thức được việc phòng chống bạo hành gia đình.
Bên cạnh đó, CLB còn là cầu nối giúp các em vị thành niên trên địa bàn xã, cũng như nhà trường có điều kiện, giao lưu, trao đổi, tư vấn về những vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản, tình bạn khác giới, tình yêu, phòng tránh có thai ngoài ý muốn, phòng chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội. Từ đó giúp các em hiểu đúng và có hành động đúng về lợi ích của việc chăm sóc sức khỏe.
Với những kết quả bước đầu hoạt động của câu lạc bộ, trong thời gian tới, Hội LHPN xã sẽ gắn kết và nhân rộng mô hình gắn với CLB “Gia đình hạnh phúc” trong toàn xã, giúp cho chị em phụ nữ và các em gái vị thành niên biết cách chăm sóc sức khỏe cho mình, trở thành người có ích cho xã hội.