Phổi đen xì do làm việc trong hầm mỏ khai thác than đá
Phổi đen vì bụi than |
Ám ảnh phổi đen vì bụi
Anh Nguyễn Ngọc Đ. 34 tuổi, quê Đông Hưng, Thái Bình là công nhân mỏ từ năm 19 tuổi, anh tham gia khai thác mỏ tại mỏ than Mông Dương, Cẩm Phả, Quảng Ninh. Làm thợ mỏ tai nạn rình rập, vất vả ai cũng biết điều đó nhưng mọi người đều chấp nhận bởi một phần đó là công việc kiếm ra thu nhập có thể nuôi cả gia đình.
Năm 2014, sau hơn 10 năm gắn bỏ với vùng mỏ, anh Đ đành giã từ bởi vì căn bệnh bụi phổi nhiễm phải trong quá trình làm việc. Anh Đ kể anh thường xuyên ho, cảm giác khó thở và giống biết bao đồng nghiệp của anh việc rửa phổi phải thực hiện thường xuyên, mỗi lần rửa anh phải cùng vợ khăn gói lên bệnh viện ở Hà Nội. Trên phim X-quang cho thấy rõ hình ảnh bụi phổi và rải rác tổn thương xơ hóa ở hai thùy phổi. Sau khi rửa phổi, bác sĩ cho biết anh bị nặng quá, bụi lấy ra từ phổi được bác sĩ giữ lại anh Đ cũng không dám nhìn, sợ hãi. Điều anh sợ nhất đó là những biến chứng do bụi phổi gây ra có thể gây ra ung thư phổi.
Sau đó, anh Đ đã quyết định xin nghỉ công việc khai thác mỏ và chuyển qua nghề khác.
Tại trung tâm y tế của Công ty Than và Khoáng sản Việt Nam, đã tiếp nhận và rửa phổi cho hàng nghìn công nhân. Mỗi lần lọc, các bác sĩ phải dùng tới 12 lít nước mới rửa được một lá phổi, nước chảy ra đen ngòm như nước than. Trung bình, một ca phẫu thuật sẽ kéo dài từ 4-6 tiếng với kíp phục vụ gồm 6 người. Điều trị cho một trường hợp súc rửa phổi thường phải mất từ 15-25 ngày.
Công nhân khai thác than đá hầu như mắc bệnh về phổi |
Ths.BS. Nguyễn Đình Trung - Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp – Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế cho biết đối với công nhân làm việc tại các hầm mỏ đã được chứng minh có nguy cơ mắc bệnh bụi phổi than từ những năm 1831 với tên gọi “bệnh phổi đen ở công nhân than”. Kể từ đó đến nay ở các nước trên thế giới đã ghi nhận bệnh bụi phổi – than làm một bệnh mắc phải ở những công nhân khai thác than và một số nghiên cứu được công bố tại Anh, Mỹ ... đã chứng minh rõ ràng mối liên quan giữa sự tiếp xúc của công nhân khai thác than với bụi than và gây nên bệnh bụi phổi-than.
Bệnh bụi phổi - than là bệnh nghề nghiệp của các nước trên thế giới như Anh, Pháp, Nhật, Trung Quốc và tại Mỹ qua thời gian lâu dài từ 1865 đến năm 1977 bệnh bụi phổi - than đã chính thức được công nhận là bệnh nghề nghiệp được bồi thường và năm 1981 luật thuế thu nhập đã chấp nhận đánh thuế sức khỏe vào than để lấy kinh phí bồi thường cho những người mắc bệnh bụi phổi - than trong quá trình làm việc.
BS Trung cho biết ở Việt Nam, những năm 60 bệnh Bụi phổi - Silic đã được xác định ở thợ mỏ và một số ngành nghề tiếp xúc với bụi silic như thợ đúc, gạch chịu lửa, xay khoáng sản…Năm 1976, bệnh này mới được công nhận là bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm. Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, ước tính trong cả nước có trên nửa triệu công nhân tiếp xúc với bụi và đã có hơn 20.000 người mắc bệnh, trong số những bệnh nhân này có nhiều người mắc bệnh bụi phổi - than nhưng chưa được công nhận mà chủ yếu các công nhân được giám định bệnh bụi phổi-silíc.
Hiện nay, bác sĩ Trung cho biết một số lượng khá lớn công nhân làm việc tại ngành than được phát hiện mắc bệnh bụi phổi, những công nhân được giám định này rất khó khăn khi tiến hành giám định vì đa số các kết quả đo môi trường tại các mỏ than có tỷ lệ silíc tự do trong bụi rất thấp và cơ quan Bảo hiểm xã hội không chấp nhận để tiến hành cấp sổ bảo hiểm cho những công nhân này.
Trong năm 1998 Viện Y học Lao động và Vệ sinh môi trường đã có các buổi làm việc với cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Ninh để làm sao đảm bảo được quyền lợi cho người công nhân ngành than và một thời gian dài chúng ta đã chấp nhận bệnh bụi phổi - than là bệnh bụi phổi - silíc.
Việc xác định công nhân tiếp xúc với môi trường lao động bị ô nhiễm bụi than và mắc bệnh bụi phổi - than đã được chứng minh ở các nước khác từ rất sớm, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho công nhân tiếp xúc với bụi than tại Việt Nam bệnh bụi phổi than đã được công nhận từ năm 2014. Đến nay, BHYT đã chi trả cho 34 nhóm bệnh nghề nghiệp điều này giúp người lao động trong ngành mỏ được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.