Chuyện của gã trai “ngáo đá”: "Giang hồ đẫm máu em không sợ..."
![]() |
Học viên V trò chuyện với PV |
Kế hoạch "hoàn hảo" kiếm tiền tỷ
V kể mình bị chính ba ruột “lừa” vào Trung tâm cai nghiện chứ thực chất V không hề bị nghiện ma túy hay tâm thần gì cả. V còn nhớ rất rõ vào một ngày cuối năm 2013, V được ba gọi đến hỏi có muốn đi học nhạc trên Sài Gòn không? Vốn đam mê được đi học nhảy nên V liền đồng ý theo ba từ Phú Yên lên Sài Gòn.
Lúc mới được ba dẫn vào trung tâm, nhìn thấy nhiều thanh niên nam nữ đang tập thể dục, có một sân khấu nhỏ nhiều ánh đèn (vốn là nơi để các học viên luyện tập thể chất), V lầm tưởng là chốn nhảy nhạc sàn. Chỉ đến khi ba dẫn vào phòng y tế, bắt xét nghiệm nước tiểu, V mới tá hỏa tưởng bị vào tù.
“Lúc đấy em sợ lắm! Người ta còn bắt em thay đồ nhưng em không chịu vì bộ đồ em đang mặc rất đẹp và sành điệu, còn bộ đồ ấy xấu quắc. Đến lúc nhìn thấy dòng chữ Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện trong cuốn sổ ba cầm, em mới nhận ra: Rồi xong!”, V hồn nhiên nói.
V cho rằng, do ba không hiểu chuyện nên đưa mình vào đây. Bởi trước đó, V có một kế hoạch mà cậu cho là vĩ đại. Cậu thỏ thẻ tiết lộ kế hoạch ấy với PV như sau: Bước một, V sẽ xâm nhập vào thế giới xã hội đen tại TP Tuy Hòa để trở nên có tiếng nói trong xã hội.
Để xâm nhập được vào thế giới ngầm này, cậu sẽ phải tập chơi các loại ma túy tổng hợp từ bồ đà đến hàng đá. Còn ba V là người có đầu óc kinh doanh và có mối quan hệ mật thiết với chính quyền. Từ đó, con đường làm ăn của gia đình cậu sẽ thênh thang rộng mở khi những chuyện bên chính quyền đã có ba lo, những chuyện liên quan đến giang hồ, V sẽ đứng ra giải quyết.
Sau khi vẽ xong kế hoạch hoàn hoản này, V lập tức thực hiện. Việc đầu tiên mà cậu làm là bỏ học giữa chừng khi mới đang học lớp 10, tập tành hút hít các loại chất kích thích. “Em thấy mọi người xung quanh em cứ đi kiểu giật giật. Đường sá xung quanh cứ lao vun vún như trong game đua xe vậy. Còn về tâm trạng, em cũng hay nóng tính hơn, nhất là khi bị ba xúc phạm em đập hết đồ đạc trong nhà. Nhưng em chỉ dám đập chén đĩa thôi vì nó phát ra tiếng kêu to và cũng ít tiền nữa”, V tỏ ra láu cá.
Song, mọi tính toán của cậu trai 17 tuổi đều sụp đổ khi bị ba “lừa” vào trại cai nghiện khiến V hận ba. “Em thấy ba kí giấy bắt em ở đây cai nghiện 6 tháng làm em giận lắm. Giang hồ đẫm máu em không sợ, chỉ sợ ở đây vì toàn cái thứ gì đâu. Suốt ngày thấy mấy ông la hét, đập phá…”, V cáu kỉnh nói.
Ma lực của ma túy đá giết chết giới trẻ
Theo các bác sĩ tại Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa, V sử dụng ma túy tổng hợp từ tháng 10/2013 và dương tính với ma túy đá. Ngày mới vào Trung tâm, V hay đập phá và rất hận ba mình. Có lần, ba V bắt xe từ Phú Yên lên Sài Gòn thăm con, chưa kịp hỏi han gì, V đã cầm ghế định phang vào đầu ông. May mắn, bảo vệ đến giằng chiếc ghế kịp thời nên ba V không bị thương nhưng người cha thì rưng rưng ra về.
Theo tìm hiểu của PV, thời gian trở lại đây, loại ma túy này đã dần trở thành “món ăn” không thể thiếu được trong các cuộc ăn chơi thác loạn của một bộ phận giới trẻ. Có ma lực như vậy là bởi độ phê, độ ảo nó đem lại gấp nhiều lần so với thuốc lắc, ketamin…
Để sử dụng chúng cũng rất dễ dàng, dân chơi chỉ cần một bộ phụ kiện gồm “cóng”, ống hút, bật lửa, bình gas với giá khoảng 160.000 đồng. Bộ chơi “đá” còn được rao bán công khai trên mạng với giá xấp xỉ 200.000 đồng. Với mỗi 1 gam “đá” được dân “đập đá” từ 7 – 8 người sử dụng hết trong vòng khoảng 6 – 8 tiếng. Tuy nhiên, thời gian sử dụng “đá” cũng sẽ thay đổi theo độ phê của dân “đập đá”.
Sau khi thực hiện đập đá, một số người sẽ gom lượng đá còn sót lại từ chân phễu để hút lần cuối, đây là lần hút dễ bị “ngáo” (say) thuốc nhất nên dân mới tập chơi rất sợ. Song, với giới “đập đá” sành sỏi, đây là tuần chất nhất, phê nhất nếu biết mồi lửa đều tay.
Trao đổi với PV, BS Nguyễn Hữu Khánh Duy, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện Ma túy Thanh Đa cho biết, người sử dụng “đá” thường xuyên sẽ nhanh chóng bị các triệu chứng như mất ngủ, rối loạn hệ thống thần kinh, loạn thị, suy nhược cơ thể… Nếu người hút “đá” trong thời gian dài sẽ rất dễ có nguy cơ đột quỵ do hiện tượng thiếu máu não, tặng nhịp cơ tim gây ra.
Giai đoạn nghiêm trọng sẽ dẫn tới hoang tưởng ảo giác, lo sợ, bị kích động, lên cơn loạn thần. Những phản ứng này rất dễ dẫn tới các hành vi nguy hiểm như phóng xe nhanh, tự hành hạ bản thân mình, đâm chém nhau, thậm chí phi người từ trên cao xuống.
BS Duy cho biết thêm, nhiều bệnh nhân “ngáo đá” từng điều trị tại trung tâm còn có những hành vi vô thức như bảo hát thì hát, bảo ngồi thì ngồi hoặc tưởng mình là chủ tịch nước… Số lượng các học viên bị mắc chứng tâm thần phải vào điều trị ngày càng tăng lên, hiện tại trung tâm có tới hơn 40 người phải chuyển qua hẳn Bệnh viện Tâm thần điều trị.
Cũng theo BS Duy, hiện chưa có phác đồ điều trị nghiện ma túy tổng hợp, thay vào đó các bác sĩ chỉ có thể điều trị theo phương pháo hội chứng cai, giải độc và chống tái nghiện.