Chuyện cá chết và hội chứng đám đông

Những đám đông luôn bị vô thức tác động, họ xử sự như người nguyên thuỷ, người dã man, không có khả năng suy nghĩ, suy luận, mà chỉ cảm nhận bằng hình ảnh, bằng sự liên kết các ý tưởng, họ không kiên định, thất thường...

Trong cuốn “Tâm lý học đám đông” nổi tiếng, Gustave Le Bon, nhà tâm lý học xã hội người Pháp, cho rằng những đám đông luôn bị vô thức tác động, họ xử sự như người nguyên thuỷ, người dã man, không có khả năng suy nghĩ, suy luận, mà chỉ cảm nhận bằng hình ảnh, bằng sự liên kết các ý tưởng, họ không kiên định, thất thường, và đi từ trạng thái nhiệt tình cuồng loạn nhất đến ngây dại ngớ ngẩn nhất. Vả lại, do thể tạng của mình, những đám đông ấy cần có một thủ lĩnh, một người cầm đầu, kẻ có thể dẫn dắt họ và cho bản năng của họ một ý nghĩa (Wikipedia).

Khối người chỉ trích Le Bon, nhưng học trò xuất sắc nhất, Adolf Hitler đã vận dụng lý thuyết này tài tình đến độ từ một kẻ thất bại trong nghệ thuật trở thành một kẻ dẫn dụ cả nước Đức, một trong những dân tộc thông minh nhất, lôi một nửa thế giới vào vòng chiến tranh thảm khốc. Và hôm nay, tiếc thay, khi mạng xã hội thống trị truyền thông thì lý thuyết của Gustave Le Bon lại càng ngày càng đúng.

Chuyện cá chết và hội chứng đám đông - ảnh 1

Năm 2013, tôi xử lý khủng hoảng cho sữa bột trẻ em Danlait. Phải nói rằng lúc ấy, với chiêu bài bảo vệ sức khoẻ cho con trẻ, chỉ một người đàn bà đã dẫn dụ cả một đám đông cuồng nộ trên mạng tấn công một sản phẩm mà sau này được chứng minh là chất lượng hoàn toàn tốt, được bảo đảm bởi nước Pháp và Cộng đồng châu Âu. Lúc ấy, chính các nhà báo cũng hoang mang và đăng tải rất nhiều tin tức nguỵ tạo do nhóm tấn công xây dựng, trong đó có kết quả rất xấu do Viện Pasteur TP.HCM đưa ra. Bị vạch trần là nhân viên Viện này sử dụng phương pháp kiểm nghiệm thịt bò, họ đã phải kiểm nghiệm lại và đưa ra kết quả hoàn toàn bình thường cho Danlait.

Đó là chuyện cũ. Bây giờ nói chuyện chính này: câu chuyện cá chết, môi trường và Formosa. Nhưng trước khi quý vị đọc tiếp, tôi phải nói ngay rằng, cá nhân tôi không biết Formosa có phạm tội đầu độc biển Vũng Áng và cả Bắc miền Trung hay không, bởi vì tôi không có chuyên môn, cũng không có đầy đủ thông tin, và những ngày này càng chưa nhúng chân xuống biển Vũng Áng như hầu hết quý vị.

Cũng có thể Formosa phạm tội lắm chứ, nhưng đó là trách nhiệm điều tra của các nhà khoa học, của giới chuyên môn và của chính quyền. Còn cá nhân tôi không đưa ra bất cứ kết luận nào về Formosa, chỉ đơn giản là vì tôi-không-có-cái-khả-năng-đó.

Trước tiên, tôi sẽ nói về vấn đề của chính quyền. Trong một bình luận gần đây, cũng như trong nhiều bài báo chính thống và phát biểu trên truyền hình quốc gia, tôi nói rằng vấn đề của chính quyền là để mất niềm tin nơi công chúng, và cội nguồn của việc mất niềm tin là ở năng lực làm truyền thông của họ. “Truyền thông” là cách nói dân dã, còn thuật ngữ chuyên môn là “public relations”, quan hệ công chúng. 

Phần lớn quý vị đều hiểu rằng “truyền thông” có nghĩa là tuyên truyền cho công chúng, thậm chí mang cái nghĩa xấu là mị dân để che giấu vấn đề. Trong khi đó, truyền thông – hay đúng hơn là public relations, là môn khoa học và nghệ thuật bảo vệ hình ảnh, danh tiếng và tạo dựng niềm tin đối với công chúng. Dân PR thực thụ, và các doanh nghiệp, tổ chức mà tôi tư vấn hoặc đào tạo đều hiểu như vậy, chứ không phải cách hiểu hời hợt của nhiều quý vị.

Vậy là, như tôi nói, chính quyền đã không biết cách làm PR, thậm chí họ còn không biết là phải làm, và làm một cách bài bản, nghiêm túc. Không phải bằng cách chỉ đạo thông tin báo chí chọn cái tốt, cái tích cực mà nói, mà phải bằng cách xây dựng một cơ chế truyền thông tương tác, hữu hiệu. 

Cái cơ chế ấy, ở thời đại này, theo quan điểm của công ty tôi, tựu trung nằm trong bốn nguyên tắc chính: kết nối với công chúng; truyền thông hai chiều; xây dựng chiến lược nội dung bài bản; và minh bạch thông tin. Về bốn nguyên tắc này, nếu cần, phải viết thành bốn cái luận án cỡ tiến sỹ, nên tôi không đi sâu ở đây. 

Vấn đề của các cơ quan nhà nước không phải là ở giải quyết tình thế, nhất là trong vụ môi trường biển miền Trung này, mà là cả một quy trình và chiến lược truyền thông dài hạn, chuyên nghiệp, xây dựng niềm tin, càng bắt đầu làm sớm thì càng tránh rơi vào các tình huống tương tự về sau.

Khi tôi khen người Nhật bình tĩnh trước các tình huống khủng hoảng cũng là tôi khen chính phủ Nhật, bởi vì họ đã làm được cái điều là làm cho công chúng tin tưởng vào sự minh bạch, công tâm và khách quan. Chính phủ các nước khác cũng vậy, không phải chính sách nào của họ cũng được lòng công chúng, cũng có lúc bị phản đối, nhưng về căn bản họ được công chúng hiểu thấu đáo và tin tưởng hành động vì lợi ích chung.

Khi chưa xây dựng được niềm tin, bất cứ việc gì làm, dù mang ý nghĩa tích cực, cũng bị nghi ngờ, thậm chí bị bóp méo. Người ta chờ đợi các vị lãnh đạo xuống tắm biển, ăn cá để an dân, nhưng ngay cả khi họ đã làm như vậy, thì vẫn có kẻ gán cho hành động ấy là mị dân và tiểu xảo (!). Các bộ ngành đang triển khai quan trắc, nghiên cứu, dù tiến trình chậm trễ, nhưng ở thời điểm này, bất cứ thông tin nào họ đưa ra cũng sẽ bị nghi ngờ, ném đá mà thôi, trừ phi kết quả đó phù hợp với định kiến sẵn có của đám đông.

Tình huống này chẳng khác nào với vụ Danlait, khi mà các cơ quan có trách nhiệm, như Bộ Y tế, Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quốc gia, đưa ra kết quả kiểm nghiệm tích cực, cơ quan Quản lý Thị trường trả lại sản phẩm bị tịch thu, kể cả bảo chứng của một số cơ quan chức năng Pháp như Bộ Nông Lương và Đại sứ quán Pháp, thì đều bị đám đông cuồng nộ, giận dữ gán cho doanh nghiệp cái tội danh “mua chuộc”. Có lẽ, giờ phút này, chỉ có một cơ quan độc lập, đủ uy tín, ví dụ như một viện nghiên cứu quốc tế, mới có thể được dân tin mà thôi.

Bây giờ tôi nói về nhân dân, nhưng tôi không nói về đa số công chúng, phần lớn là nông dân, những người lẽ thường không có nhiều thông tin, mà tôi nói về thiểu số những người có khả năng tiếp cận thông tin tốt hơn. Đó là những người, lẽ ra, có thể định hướng phản ứng xã hội, một mặt vẫn có thể đánh động thảm họa môi trường, cung cấp một bức tranh trung thực và chính xác về những gì đang diễn ra, nhưng đồng thời cũng có thể góp phần bảo vệ những phần còn chưa bị ảnh hưởng, còn có thể cứu vãn, không chỉ vì những tháng ngày trước mắt, mà còn vì tương lai của những người nông dân, vì cuộc sống của họ sau khủng hoảng.

Thay vì thế, nhiều người còn cường điệu vấn đề, phát tán một cách vô ý thức (có khi là có ý thức cũng nên) những thông tin thất thiệt, gây bất ổn xã hội và hoang mang dư luận. Cá chết có nhiều không? Có con số nói là 70 tấn. Theo tôi, như vậy là nhiều, gấp 70 lần khối lượng một con tàu đánh bắt xa bờ vừa phải đổ hết lên đường quốc lộ vì không ai mua. 

Nhưng nó cũng không thể giống như bức ảnh dưới đây, là một trong những chi tiết làm chấn động dư luận, gây xúc cảm mạnh mẽ nhất trong những ngày đầu bùng phát tin cá chết trắng, và vẫn còn được nhiều người tiếp tục phát tán những ngày gần đây. Không khó khăn gì để google và tìm thấy tác giả thực của nó, đó là Gerald Simmons, chụp ngày 2/4/2008, tại hồ Mona, ở bang Michigan, Hoa Kỳ (https://www.flickr.com/photos/41789280@N06/3857799247). Bức ảnh này cũng được đăng lại trên nhiều website khác, nói về một thảm hoạ môi trường khác (tham khảo http://blog.mlive.com/chronicle/2008/04/dnr_official_lake_fish_kill_li.html hoặc http://www.dcclothesline.com/2014/05/21/mass-fish-deaths-millions-found-dead-world-past-month/)

Chuyện cá chết và hội chứng đám đông - ảnh 2

Ngay khi clip của VTC quay cảnh 2 con cá chết trong chậu nước sau 2 phút được tung ra, tôi nói với anh em, bạn hữu của tôi rằng, ai phát tán cái clip ấy thì kệ họ, nếu chúng ta là người biết tư duy và suy nghĩ, sẽ không dễ dàng giúp sức lan toả cái clip ấy, vì chúng ta không hề biết VTC có thử nghiệm theo đúng tiêu chuẩn nghiêm ngặt và khách quan hay không. Bài học kiểm nghiệm Danlait nhãn tiền rồi. Để tăng tính tin cậy, tiêu đề của video clip này nói rằng họ làm thí nghiệm cùng Trung tâm quan trắc môi trường Hà Tĩnh, nhưng sau đó, chính trung tâm này đã phản bác bằng một công văn cho biết hai bên tình cờ cùng đến lấy mẫu nước chứ không hề phối hợp với nhau. 

Xem bài đăng trên Infonet tại đây. Bài này, trích dẫn anh Trần Xuân Trường (chủ nhà bè Trường Vẽ, kinh doanh mực nhảy, cảng Vũng Áng) cho biết, nếu cá nước biển đưa lên khỏi mặt nước, cho vào thau nước để thí nghiệm thì cá sẽ chết vì thiếu ôxi. “Hơn nữa tính chất của cá nước biển thở được phải có dòng chảy. Đó là chưa nói đến khả năng cá bắt từ Kỳ Hà là cá nước ngọt” - anh Trường khẳng định.

Rất nhiều người, trong đó có cả mẹ tôi, viết post, làm thơ, kêu gọi mọi người đừng về Hà Tĩnh, đừng đi tắm biển miền Trung. Không ít người kêu gọi đừng mua hải sản, đầu cơ muối. Tôi không trách mẹ tôi, vì cũng như nhiều người thiếu thông tin và bị chi phối bằng cảm xúc, nhưng tôi trách những người có khả năng tìm hiểu thông tin. Họ không chịu hiểu rằng, đằng sau thảm hoạ môi trường, cho dù ai là thủ phạm đi nữa, cũng vẫn sẽ phải là tiến trình làm sạch môi trường biển, và cứu vớt lại nền kinh tế ở nơi đó. Cả nước Mỹ và thế giới lên án BP làm tràn dầu, huỷ hoại môi trường Vịnh Mexico, nhưng, trong khi phạt nặng BP, ưu tiên hàng đầu của họ là đồng tâm xử lý ô nhiễm, cứu hệ sinh thái.

Nếu kết quả cuối cùng cho thấy Formosa là tác nhân gây độc, thì chắc chắn giải pháp vẫn không phải là buộc họ cuốn gói ra đi như những gì nông dân Hà Tĩnh, Quảng Bình đang đòi hỏi. Đó sẽ là một hình phạt vô cùng nặng nề, như Thủ tướng đã cam kết, những nỗ lực giảm thiểu tác hại môi trường (hy vọng thế) và tiếp theo là một loạt các biện pháp giám sát chặt chẽ quy trình xả thải. Bởi vì, việc đóng cửa khu công nghiệp 10 tỷ đôla này sẽ gây ra một loạt hệ luỵ vô cùng lớn, mà người tổn hại không phải chỉ là Formosa. Trong các cuộc tranh luận, những người đang lên tiếng cho rằng họ không hề chủ trương bạo động, không hối thúc nông dân biểu tình đòi đóng cửa Formosa, nhưng cái cách mà họ truyền thông đã gián tiếp tạo ra bất ổn. Đó là hiệu ứng mà Gustave Le Bon đã cảnh báo từ cuối thế kỷ 19 rồi.

Với các nhà báo, kể cả những người làm truyền thông trên mạng xã hội giống như các nhà báo, nên hiểu rằng, một ý tưởng thiên vị nhỏ trong cách mà họ đưa tin đều có thể tác động rất lớn đến tầng lớp thị dân và những người nông dân cảm tính. Từ khi chập chững học làm báo, các thầy giáo của tôi ở Hoa Kỳ và Australia đều dạy rằng, nhà báo buộc phải đưa tin một cách khách quan, chỉ nêu hiện tượng, sự kiện, mà không bình luận. Nếu muốn bình luận, chỉ có thể trích lời bình luận từ những nguồn xác tín. Tôi mong họ cũng như nhà báo Nguyễn Phạm Thu Uyên, đang trực tiếp đưa tin từ Vũng Áng, Hà Tĩnh, không thiên vị, không đóng dấu ấn cá nhân, chỉ có tường thuật những gì mình nhìn thấy.

Để kết luận, tôi lại xin trích một ý của Le Bon, cũng như các bậc thầy của ông như là Gabriel Tarde (Pháp), Scipio Sighele (Ý), Georg Simmel (Đức) rằng, một thực thể mới được dựng lên từ một tập hợp dân chúng, nhưng đó không phải là một cơ thể sống, mà là một sự “vô thức” tập thể. Khi một đám đông tập hợp lại với nhau, có một “ảnh hưởng từ tính” hoặc một nguyên nhân nào khác mà chúng ta chưa biết, chuyển hoá thành các hành vi cá nhân, cho đến khi nó bị chi phối bởi một trí tuệ nhóm. Mô hình của Le Bon coi “đám đông” như là một đơn vị được tạo ra bởi nhiều thành viên, nhưng nó cướp đi của mỗi thành viên các ý kiến, giá trị và niềm tin cá nhân. Ông nói rằng, “một cá nhân trong đám đông là một hạt cát giữa các hạt cát khác, mà gió sẽ khuấy tung lên theo ý muốn”.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, một nhà báo, Chủ tịch Chủ tịch HĐQT kiêm CEO của Lê Group of Companies.

Lê Quốc Vinh

Phát hành đặc biệt bộ tem kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Chiều 31/1, tại Hà Nội, Bộ TT&TT và Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Lễ phát hành đặc biệt bộ tem “Kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2020)”. Trước đó, Bưu chính Việt Nam đã phát hành 10 bộ tem về Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trao giải Báo chí với phát triển bền vững 2019 và phát động cuộc thi năm 2020

Ngày 10/1/2020, Viện Nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED), các đơn vị đồng hành tổ chức lễ trao “Giải Báo chí với phát triển bền vững 2019” và phát động “Giải Báo chí với phát triển bền vững 2020”.

Hà Nội quy hoạch báo chí, giảm 10 tòa soạn báo, tạp chí

Sau sắp xếp, Hà Nội còn 8 cơ quan báo chí, trong đó có 5 báo in, 1 đài truyền hình Hà Nội và 2 tạp chí.

Sách Quốc gia 2019: Bộ sách đồ sộ của cố GS Phan Huy Lê được vinh danh

Bộ sách "Vùng đất Nam Bộ - Quá trình hình thành và phát triển" do cố Giáo sư Phan Huy Lê tổng chủ biên cùng "Động vật chí và Thực vật chí VN" đạt giải A Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 2.

Giải thưởng sách Quốc gia: Mục tiêu cao nhất là lan tỏa tới độc giả

"Giải thưởng Sách Quốc gia hướng tới mục tiêu cao nhất là tạo sự lan tỏa ngày càng sâu rộng trong đời sống văn hóa, xã hội", Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo chia sẻ.

Hà Tĩnh: Dịch vụ bưu chính công ích phát huy tốt vai trò và lợi thế

Việc giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích trên địa bàn Hà Tĩnh đã đi vào ổn định và đang phát huy được vai trò lợi thế, tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm chi phí, thời gian cho nhân dân khi thực hiện các thủ hành chính.

Hỏi ông Putin câu hỏi "chưa được duyệt", nữ phóng viên bị nghỉ việc bí ẩn?

Truyền thông Nga đang có suy đoán khác nhau về việc 1 nữ phóng viên đã bị buộc xin thôi việc sau khi đặt câu hỏi bất ngờ cho ông Putin trong cuộc họp báo thường niên ngày 19/12.

Cục Tần số: Sắp đấu giá băng tần 2.6Ghz để nâng cao chất lượng mạng 4G

ICTnews - Theo ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục Trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ TT&TT đang khẩn trương chuẩn bị đấu giá băng tần 2.6 Ghz để các nhà mạng tiếp tục mở rộng, nâng cao chất lượng mạng 4G, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người sử dụng.

Cục trưởng Cục Viễn thông: "Thị trường viễn thông đã bão hòa, khó phát triển thuê bao di động"

ICTnews - Ông Hoàng Minh Cường, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, thị trường viễn thông đã bão hòa, khó phát triển thuê bao mới. Vì vậy, Cục sẽ cần nghiên cứu phương án tạo động lực cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Các ngôi sao công nghệ thế giới sẽ đến Việt Nam vào tháng 9/2020

Hội nghị và triển lãm Thế giới số 2020 (ITU Digital World 2020) là sự kiện quan trọng của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) do Việt Nam đăng cai sẽ diễn ra từ 06-09/09/2020 tại Hà Nội.

Đang cập nhật dữ liệu !