Chuyện bên trong phòng khám hiếm muộn
Khát khao làm cha, mẹ ở tuổi xế chiều
Ở hành lang Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Bưu Điện (Hà Nội), chị Hoài (49 tuổi) và chồng (60 tuổi) thấp thỏm chờ tới lượt khám. Khác với nhiều cặp vợ chồng chưa từng được trải qua hạnh phúc làm cha làm mẹ, vợ chồng chị Hoài đã sinh được 2 con.
Tuy nhiên, 3 năm trước, hai con của anh chị qua đời khiến họ suy sụp, bàng hoàng trong thời gian dài. Ở tuổi xế chiều, họ vẫn muốn một lần nữa được có tiếng trẻ thơ trong nhà.
Hai vợ chồng đến Bệnh viện Bưu Điện để được khám trong "Tuần lễ tư vấn, khám miễn phí" cho các cặp đôi hiếm muộn, vô sinh. Thạc sĩ, bác sĩ Vương Vũ Việt Hà, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, người trực tiếp thăm khám cho vợ chồng chị Hoài, cho biết cả hai đã quá tuổi sinh sản.
“Tình trạng tinh trùng của người chồng vẫn ổn nhưng chất lượng trứng của người phụ nữ không còn đảm bảo. Các chỉ số sinh sản rất thấp. Chúng tôi đánh giá sơ bộ chất lượng trứng kết hợp với tinh trùng để mang thai rất thấp, tiên lượng điều trị khó khăn”, bác sĩ Vương Vũ Việt Hà cho biết.
Đối với trường hợp này, nếu muốn có con, các bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân phương án xin trứng. Tuy nhiên, nguyện vọng của anh chị lại là muốn có con bằng trứng của mình.
“Tiên lượng thành công chỉ 5% trong khi chi phí điều trị, thực hiện thụ tinh ống nghiệm (IVF) có thể lên đến hàng trăm triệu. Bên cạnh đó, sinh con ở tuổi cao có thể đối mặt với một số nguy cơ như sảy thai, tiền sản giật, sinh non, sinh con ra mắc hội chứng Down”, bác sĩ Vương Vũ Việt Hà khuyến cáo.
Kết quả khám không ngoài dự đoán của chị Hoài. Trước đó, 2 vợ chồng chị đã đi kiểm tra sức khỏe sinh sản ở một số nơi và cũng nhận được kết quả, tư vấn tương tự.
Tuy nhiên, họ vẫn le lói hy vọng có thể có đứa con bằng chính trứng, tinh trùng của 2 vợ chồng. Nhưng lời khuyến cáo, tư vấn của bác sĩ khiến gương mặt người phụ nữ trầm tư.
Cũng khám tại bệnh viện này là chị Lan (39 tuổi) và chồng (40 tuổi) chưa từng có con sau 15 năm về chung một nhà. 5 năm trước, họ thăm khám và bàng hoàng phát hiện người chồng không có tinh trùng. Nhưng khó khăn về kinh tế khiến 2 vợ chồng chưa thể can thiệp, điều trị.
Tại bệnh viện Bưu Điện, kết quả khám của người chồng có dấu hiệu suy tinh hoàn. Lần này, bác sĩ dự kiến can thiệp phẫu thuật Micro TESE để đi tìm từng con tinh trùng còn sót lại trong tinh hoàn, tỷ lệ thành công từ 50-60%. Sau khi có tinh trùng, bác sĩ lên kế hoạch làm IVF cho vợ chồng.
"Tuy nhiên, độ tuổi phụ nữ càng cao, khả năng mang thai càng giảm, nguy cơ bệnh tật lên mẹ và thai nhi cao hơn. Chưa kể chất lượng tinh trùng cũng kém, khó mang thai hơn", bác sĩ nói.
Chưa đến tuổi 25 đã suy buồng trứng
Theo thạc sĩ, bác sĩ Vương Vũ Việt Hà, sau Tết, nhu cầu khám hỗ trợ sinh sản cao hơn so với mặt bằng chung trong năm. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận từ 1.200 đến 1.400 lượt khám, tăng 30-40% so với trước. Qua thăm khám, các bác sĩ cũng phát hiện nhiều trường hợp suy buồng trứng sớm.
Điển hình là chị Lê Thị H. (ở Hà Tĩnh). 28 tuổi, kết hôn 5 năm nhưng người phụ nữ này chưa có thai lần nào. Chị rất bất ngờ khi kết quả khám, siêu âm, xét nghiệm... cho thấy bản thân bị suy buồng trứng.
Bác sĩ thông tin chị không phải là trường hợp hiếm gặp. Nếu không đi khám sớm, họ sẽ mất cơ hội điều trị để có con của chính mình.
Theo bác sĩ Vương Vũ Việt Hà, suy buồng trứng là tình trạng ngừng hoạt động chức năng buồng trứng ở những phụ nữ lớn tuổi. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến vô sinh ở nữ giới.
Trước đây, suy buồng trứng thường chỉ gặp ở phụ nữ nhiều tuổi, hiện nay, không ít phụ nữ khoảng từ 25 đến 30, thậm chí dưới 25 tuổi đã mắc bệnh.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ vô sinh cao trên thế giới, trong đó 50% số ca mắc bệnh nằm ở độ tuổi dưới 30. Thống kê của Bộ Y tế nước ta cho thấy mỗi năm có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn, tỷ lệ khoảng 7,7%. Tình trạng vô sinh, hiếm muộn đang ngày càng gia tăng, trẻ hóa về độ tuổi và nhiều ca khó.
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ vô sinh, hiếm muộn ngày càng cao, bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, Trưởng Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu Điện, cho rằng nguyên nhân chính gây ra vô sinh hiếm muộn là tình trạng ô nhiễm môi trường, khí hậu. Điều này khiến nguồn nước và thực phẩm cũng bị ô nhiễm, từ đó tác động trực tiếp đến sức khỏe sinh sản của con người.
Bên cạnh đó, áp lực xã hội, những căng thẳng, stress trong công việc, cuộc sống hàng ngày khiến nhiều người kết hôn muộn cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô sinh, hiếm muộn.
Ngoài ra, ảnh hưởng từ lối sống không lành mạnh với tình trạng nạo phá thai không an toàn ngày càng phổ biến cũng là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ vô sinh, hiếm muộn gia tăng.
Bác sĩ khuyến cáo các cặp vợ chồng nếu thấy bất thường (quan hệ tình dục thường xuyên mà không dùng các biện pháp tránh thai trong thời gian từ 6 tháng đến một năm mà vẫn chưa có con...) cần đi khám, tìm nguyên nhân và hướng giải quyết sớm, giúp việc chữa trị hiệu quả hơn.
Ngọc Trang