Chương trình hàng Việt về nông thôn tại An Giang
Mặc dù là năm đầu tiên thực hiện sứ mệnh hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển thị trường, đẩy mạnh quy mô kinh doanh của doanh nghiệp ở thị trường nội địa, nhưng chương trình đưa hàng Việt về nông thôn trên địa bàn An Giang đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp trong tỉnh. Ngoài việc tuyên truyền đến người dân nông thôn, hưởng ứng cuộc vận động “ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thì đây còn là chương trình giúp người dân nông thôn có cơ hội được thụ hưởng những hàng hóa chính hãng, có chất lượng như người tiêu dùng ở các đô thị lớn, qua đó, góp phần làm thay đổi tư duy của người tiêu dùng về khái niệm hàng Việt Nam. Điều này, đã được chị Huỳnh Thị Bích Thùy- thị trấn Phú Mỹ-huyện Phú Tân khẳng định khi đi mua hàng ở chương trình đưa hàng Việt về nông thôn của Siêu thị Coopmat Long Xuyên. Tiện ích, giá cả ưu đãi, và an toàn về chất lượng là một trong những tiêu chí được người tiêu dùng nông thôn quan tâm tại mỗi chuyến bán hàng lưu động của các doanh nghiệp đưa về nông thôn An Giang hiện nay.
Chính vì ý nghĩa này, phiên chợ Hàng Việt về nông thôn được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua có sức mua sắm khá cao. Mỗi chuyến hàng, không đơn thuần chỉ là buổi “bán hàng dạo”, càng không phải là những hội chợ mua sắm bình thường ở vùng nông thôn, mà là cầu nối giúp doanh nghiệp quảng bá hình ảnh, sản phẩm của đơn vị. Bà Lương Thị Mỹ Nga-Trưởng Phòng quản lý thương mại dịch vụ Sở Công thương An Giang cho biết: Thực hiện chủ trương đưa hàng Việt về nông thôn của Bộ Công thương, Sở Công thương An Giang đã phối hợp với 4 doanh nghiệp gồm Siêu thị Co.opmat Long Xuyên, Siêu thị Vinatex, Siêu thị Tứ Sơn, mắm bà Giáo khỏe 55555 và Phòng kinh tế, kinh tế-hạ tầng của 9 huyện, thị trên địa bàn tỉnh tổ chức các chuyến hàng lưu động về nông thôn. Mỗi chuyến hàng có từ 1 đến 3 doanh nghiệp tham gia. Đây là một trong những chương trình góp phần thực hiện có hiệu qủa cuộc vận động ‘Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, được các doanh nghiệp hưởng ứng nhiệt tình, người tiêu dùng nông thôn quan tâm.
Qua 4 tháng thực hiện, Sở Công thương đã tổ chức được 10 điểm bán hàng lưu động tại các địa phương như: thị xã Tân Châu, Thoại Sơn, Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Đốc, Chợ Mới, An Phú, Châu Phú và Phú Tân, với doanh số trên 700 triệu đồng. Hiện nay, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đã làm thay đổi dần nhận thức người tiêu đối với hàng hóa sản xuất trong nước, qua đó tạo điều kiện để các doanh nghiệp khẳng định thương hiệu. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm đối với người tiêu dùng, thông qua việc cung ứng sản phẩm đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý, và phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.
Có thể nói, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn trong thời gian qua có ý nghĩa khá đặc biệt trong những ngày đón xuân Nhâm Thìn 2012. Từ những chuyến hàng về nông thôn trong dịp cuối năm, đã giúp người dân tiếp cận được nguồn hàng Việt có thương hiệu và chất lượng. Vì vậy, tại những chuyến bán hàng lưu động ở nông thôn, có sức mua khá cao. Tuy nhiên, việc đưa các mặt hàng Việt có chất lượng về sâu hơn trong vùng nông thôn thì vẫn còn nhiều hạn chế. Với cách thực hiện tại một số địa phương hiện nay, chỉ dừng lại ở phần “nổi” chứ chưa đi sâu vào đời sống tiêu dùng của cư dân nông thôn. Với thực tế này, nếu các doanh nghiệp thực hiện các kênh phân phối hàng hợp lý đến các chợ và có các chương trình tiếp thị phù hợp cũng như phát triển các điểm bán lẻ, thì sẽ tác động mạnh đến ý thức tiêu dùng của người dân. Có như vậy, thì chương trình hàng Việt về nông thôn mới thật sự đi vào chiều sâu, trở thành phiên chợ hàng Việt có ý nghĩa ở vùng nông thôn hiện nay.