Chương trình 135 góp phần thay đổi diện mạo vùng sâu, vùng xa Quảng Bình
Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Quảng Bình có 40 xã và 27 thôn được hưởng Chương trình 135 theo Quyết định 900/QĐ-TTg ngày 20/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020; Quyết định 414/QĐ-UBDT ngày 11/7/2017 của Ủy ban Dân tộc về việc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vào diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020.
Người dân nhiều xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa được sử dụng nguồn nước đảm bảo chất lượng. |
Song song với thực hiện các công trình hạ tầng, tỉnh Quảng Bình tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Tỉnh đã xây dựng được 21 mô hình chăn nuôi bò lai sinh sản cho 366 hộ hưởng lợi, góp phần giúp đồng bào có thêm kiến thức, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất và sản lượng. Nhờ triển khai và thực hiện tốt nguồn vốn từ Chương trình 135 nên đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Để nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình đã triển khai 19 lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng, giúp cho cán bộ các xã, thôn, bản, người có uy tín nhận thức sâu sắc hơn trách nhiệm trong việc tổ chức triển khai, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình 135 cũng như các chính sách của Đảng và Nhà nước.
Các địa phương trong tỉnh đã tổ chức nhiều lớp đào tạo về nghiệp vụ quản lý Chương trình cho đối tượng là chủ đầu tư, kế toán, cán bộ văn phòng các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tập huấn cho cán bộ thôn bản và cộng đồng các xã đặc biệt khó khăn; công tác khuyến nông, khuyến lâm, y tế…
Hiện nay, các xã đặc biệt khó khăn, các xã vùng sâu vùng xa đã có cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, thuỷ lợi, điện lưới, trường học, trạm y tế... với 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi lại được cả năm. Số xã có điện lưới và các nguồn điện khác chiếm 94,3%, tỷ lệ hộ dùng điện sinh hoạt đạt 84%. Về giáo dục có 87% số học sinh trung học cơ sở trong độ tuổi đến trường.
Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ đã góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo điều kiện cho hàng hóa thông thương, góp phần thực hiện mục tiêu Chương trình xoá đói giảm nghèo của địa phương.
Những dự án điện mặt trời được xây dựng phục vụ người dân ở những nơi điện lưới không kéo tới được. |
Chương trình 135 cũng đã phát huy tốt vai trò của chính quyền cơ sở và thu hút sự quan tâm lớn của các tổ chức, đoàn thể, người dân trong quá triển khai thực hiện các nội dung đầu tư, hỗ trợ. Cơ chế phân bổ nguồn lực từ tỉnh đến huyện, xã thể hiện minh bạch trên cơ sở tiêu chí đã được xây dựng.
Bên cạnh đó, việc triển khai Chương trình 135 vẫn còn một số hạn chế như huy động sự đóng góp của nhân dân thấp, nhất là người dân trên địa bàn hưởng lợi. Việc phân bổ vốn Chương trình cho các xã, thôn bản còn mang tính bình quân, chia đều, chưa thực sự ưu tiên bố trí vốn ở mức cao hơn cho các xã khó khăn; công tác quản lý nguồn vốn đầu tư còn nhiều hạn chế, khó đánh giá được hiệu quả của nguồn vốn; đội ngũ cán bộ tham gia quản lý dự án, đặc biệt là lĩnh vực xây dựng cơ bản còn thiếu, chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn, kỹ thuật.
Chương trình 135 cùng với Chương trình NTM trong những năm qua đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, nhanh, bền vững; giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, giảm dần vùng đặc biệt khó khăn; từng bước hình thành các trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học vùng dân tộc thiểu số; phát triển nguồn nhân lực, tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số; củng cố hệ thống chính trị cơ sở; giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo ổn định an ninh, quốc phòng.
Hiện nay, tỉnh Quảng Bình đang thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động để các cấp, ngành tổ chức chính trị- xã hội, đoàn thể và cộng đồng tham gia tích cực, có hiệu quả trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình 135. Từ cơ sở đó, phát huy nội lực, nâng cao vai trò, ý thức trách nhiệm của người dân và huy động sự đóng góp tối đa của họ trong quá trình thực hiện Chương trình; đồng thời hạn chế tư tưởng, trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước.