Chúc Tết qua mạng, mừng tuổi chuyển khoản thì sao?
“Dịch bệnh Covid-19 tạo ra một cuộc khủng hoảng nên việc giữ gìn an toàn cho cá nhân, cho cộng đồng trở thành ưu tiên số 1”, TS Bùi Hoài Sơn
PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên Infonet về việc làm sao ăn Tết an toàn trong mùa dịch khi hiện nay chúng ta vẫn còn những nghi thức truyền thống như tiệc tùng Tất niên, tụ họp đông người đi chúc Tết, mừng tuổi.
Mừng tuổi online là giải pháp giúp mọi người vẫn thực hiện được các nghi thức truyền thống mà vẫn đảm bảo giữ khoảng cách an toàn, không tụ tập tránh lây nhiễm bệnh dịch. |
- Dịch Covid- 19 diễn biến phức tạp, trong bối cảnh như vậy, phong tục gặp nhau chúc Tết, ăn uống tiệc tùng tất niên, tân niên sẽ không thể thực hiện. Ông cảm thấy thế nào?
Chúng ta đang ở trong một dịp Tết vô cùng đặc biệt. Chính vì thế, cách ứng xử với Tết năm nay cũng cần phải đặc biệt.
Chúng ta biết rằng, việc thực hành văn hóa truyền thống trong dịp Tết rất có ý nghĩa đối với mỗi người dân. Đây là dịp để chúng ta tri ân, báo hiếu, cầu mong những điều tốt lành, tạo động lực tinh thần cho một năm sắp tới.
Vì vậy, chúc Tết, đi chùa hay các gia đình, dòng họ tụ tập ăn uống tiệc tùng tất niên, tân niên… không chỉ là cách chúng ta thực hiện theo thói quen truyền thống mà còn là cách chúng ta tái tạo ý nghĩa và trao truyền cho các thế hệ tiếp sau các giá trị truyền thống trong một thời điểm đặc biệt là Tết.
Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta nhất thiết phải thực hành các nghi lễ, thực hiện các thói quen mà bất chấp những mối đe dọa đến sức khỏe của mỗi cá nhân và cả cộng đồng.
Dịch bệnh Covid-19 thực sự tạo ra một cơn khủng hoảng đối với toàn nhân loại, mà hầu như tất cả các quốc gia đều đặt mình trong tình trạng "thời chiến".
Giữ gìn an toàn cho cá nhân, cho cộng đồng từ đó trở thành ưu tiên số 1, một hành động mang tính đạo đức của mỗi cá nhân.
Đó là lý do tại sao chúng ta nên cân nhắc và hạn chế tối đa những hành động ảnh hưởng đến sức khỏe bản nhân và cộng đồng, kể cả đó là dịp đặc biệt như Tết.
Chúng ta cần phải xem việc tạm dừng một năm để giãn cách xã hội, giữ an toàn cho cộng đồng như là một sự thể hiện trách nhiệm đối với đất nước.
Cuộc sống rồi sẽ sớm trở lại bình thường bằng nỗ lực của mỗi chúng ta, và khi đó chúng ta sẽ lại có điều kiện tốt hơn để thực hành nghi lễ truyền thống, chia sẻ niềm vui mỗi đợt Tết đến xuân về.
-Vậy theo ông chúc Tết online có ảnh hưởng gì tới giá trị phong tục Tết truyền thống hay không?
Lời chúc Tết dịp đầu năm mới rất quan trọng đối với người Việt. Chúng ta mong đợi một tâm thế tốt, một động lực tinh thần vững vàng để đối mặt với một năm mới có thể có nhiều thử thách.
Chính vì vậy, chúng ta luôn mong đợi và chúc người thân, bạn bè những lời chúc tốt đẹp nhất về sức khỏe, công danh sự nghiệp, hạnh phúc, tiền bạc… Đây trở thành một điều không thể thiếu trong mỗi dịp Tết.
Dịch bệnh có thể hoành hành và những lời chúc lại càng có ý nghĩa giúp chúng ta có thêm động lực sống, kiên cường hơn trong đối phó dịch bệnh.
PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam. |
Trong bối cảnh xã hội số như hiện nay, khi chúng ta đã có thể thực hiện mọi việc trên mạng, qua các thiết bị truyền thông số thì việc có những lời chúc với sự hỗ trợ của các thiết bị công nghệ cũng là điều dễ hiểu.
Cũng không cần phải đến tận ngày hôm nay chúng ta mới thực hiện điều đó. Kể từ khi có điện thoại di động và Internet, nhiều người đã sử dụng các phương tiện này để gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến người thân, bạn bè.
Như vậy, bối cảnh dịch bệnh chỉ giúp chúng ta tăng cường hơn nữa, thực hiện nhiều hơn nữa việc chúc mừng này, vừa để chuyển tải ý nghĩa của lời chúc là mong muốn những điều tốt đẹp, vừa thể hiện sự quan tâm của chúng ta đối với người thân, bạn bè để cuộc sống có thêm sự gắn kết và chia sẻ.
- Truyền thống mừng tuổi đầu năm mới có nên thay đổi từ trực tiếp sang hình thức chuyển khoản không?
Lì xì đầu năm là một nét văn hóa đẹp của người Việt. Trước đây, chúng ta thường chỉ lì xì cho trẻ nhỏ với những khoản tiền nhỏ, mang tính tượng trưng để cầu mong một năm mới an lành cho trẻ nhỏ.
Giờ đây, tục lệ lì xì mở rộng cho nhiều đối tượng hơn nhưng vẫn chứa đựng những mong ước về điều tốt lành cho mọi người.
Loại trừ hành vi lợi dụng tục lì xì để gây ra những biến tướng thì ý nghĩa hành động mong muốn điều an lành đến mọi người là một cử chỉ nên được khuyến khích.
Như vậy, chúng ta cần ý thức rằng, ý nghĩa của hành động quan trọng hơn so với hình thức của hành động ấy.
Vì vậy, lì xì online hay mừng tuổi chuyển khoản không chỉ được xem là một giải pháp tình thế khi chúng ta không gặp được nhau, mà còn phù hợp với bối cảnh xã hội ngày hôm nay.
Nó giúp chúng ta không những thế hiện được sự tri ân, một lời chúc tốt đẹp, mà còn giúp xã hội an toàn hơn từ những hành động hết sức có trách nhiệm của mỗi người trong hoàn cảnh dịch bệnh.
- Tết này ông sẽ làm gì để có một mùa xuân an vui?
Tôi sẽ thực hiện theo khuyến cáo của ngành Y tế, đồng thời vẫn thực hiện những nghi thức truyền thống trong giới hạn cho phép, trong hình thức mới để vừa có sự thoải mái về tinh thần, vừa thể hiện trách nhiệm công dân của mình.
Xin cảm ơn ông!
Nhận phong bao lì xì 20 ngàn, mặt trẻ tối sầm và câu hỏi khó "to oành" mỗi dịp Tết cận kề
Lì xì ngày Tết là một phong tục đẹp thay lời chúc phúc cho con trẻ sang một tuổi mới bình an. Nhưng có nhiều câu chuyện cười ra nước mắt khiến người ta luôn phải ngẫm ngợi đằng sau sự reo vui hay vẻ thất vọng của lũ trẻ...
N. Huyền (thực hiện)