Chục nghìn người video call khám bệnh mùa dịch, khi bác sĩ viện lớn sẵn lòng miễn phí
Ứng dụng ISOFHCARE - “Bác sĩ ơi” vận hành từ 4/7 đến nay đã hỗ trợ 15.000 cuộc gọi video khám bệnh, tư vấn của bác sĩ các bệnh viện lớn với người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Điều đặc biệt, đây là cuộc gọi hoàn toàn miễn phí
Nền tảng ứng dụng “Bác sĩ ơi” miễn phí người dân cần hỗ trợ y tế. |
Tổng đài "cháy máy"
Ứng dụng “Bác sĩ ơi” hiện đã tập hợp hơn 2.000 bác sĩ đang công tác tại các bệnh viện hàng đầu ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh như: BV Phổi Trung ương, BV Việt Đức, BV ĐH Y, BV 198, BV E, Ung Bướu, Xanh Pôn, BV 199 Đà Nẵng, BV đa khoa tỉnh Thanh Hóa…
Chị Tạ Vân Anh, CEO nền tảng ứng dụng ISOFHCARE - “Bác sĩ ơi” cho biết, các bác sĩ đã quen sử dụng trên ứng dụng này, vì vậy người dân có thể tiếp cận được với bác sĩ một cách dễ dàng ở mọi lúc, mọi nơi.
Theo đó, người bệnh, người dân chỉ cần ngồi tại nhà, thông qua ứng dụng ISOFHCARE, họ vẫn được bác sĩ quan sát đầy đủ tình trạng bệnh lý qua hình thức video trực tuyến. Điều này giúp gia tăng tính chính xác của chẩn đoán.
“Có những trường hợp khá éo le như nhà có 7 người 4 người lớn đều mắc Covid-19 không được đến cơ sở y tế chữa trị, 3 em bé (dưới 10 tuổi) phải tự chăm sóc nhau.Nữ CEO ISOFHCARE thông tin thêm, từ ngày triển khai ứng dụng, tổng đài chương trình “Bác sĩ ơi” hàng ngày nhận được trung bình 700 yêu cầu, cao điểm lên đến hơn 3.000 yêu cầu thăm khám sức khỏe liên quan đến Covid-19. Mỗi cuộc gọi đến là một hoàn cảnh rất khác nhau.
Hay trường hợp nhà chỉ có hai người già nhưng bị sốt 2 ngày. 23h đêm, cụ bà gọi đến tổng đài khẩn thiết không biết xử trí như thế nào cũng không biết số của y tế phường.
Một trường hợp khác là mẹ đơn thân tại quận 12 TP.HCM, con nhỏ mắc chứng máu khó đông cần truyền máu gấp nhưng các cơ sở y tế quanh nhà đều quá tải, không tìm được người trợ giúp....
Chúng tôi đã tư vấn, kết nối cho những hoàn cảnh này tìm ra phương án tối ưu nhất”, chị Vân Anh chia sẻ.
Mong góp sức nhỏ bé giúp người dân tiếp cận với các bác sĩ nhanh nhất
CEO nền tảng ứng dụng ISOFHCARE - “Bác sĩ ơi” cho biết: Thời điểm này, cả đất nước đang phải đối mặt với làn sóng dịch thứ tư, biến chủng có tốc độ lây lan nhanh, số ca mắc mới liên tục tăng trong những ngày qua. Hệ quả là nhiều thành phố phải giãn cách, nhiều khu vực bị phong tỏa và càng nhiều người phải cách ly, khiến hệ thống y tế tại các vùng dịch bị quá tải.
“Chúng tôi mong muốn góp phần chia sẻ với người dân những khó khăn, vất vả khi bị ảnh hưởng bởi đại dịch, đặc biệt người dân trong khu vực bị phong tỏa, cách ly. Bên cạnh đó, hỗ trợ giảm bớt gánh nặng cho đội ngũ y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch”, chị Vân Anh nói.
Chân dung nữ CEO nền tảng ứng dụng ISOFHCARE-“Bác sĩ ơi” Tạ Vân Anh. |
Xuất phát từ mong muốn đó, chị Vân Anh cùng các cộng sự đã thành lập mạng lưới ISOFHCARE - “Bác sĩ ơi!” – một chương trình hoạt động phi lợi nhuận - nhằm giúp đỡ người dân cần hỗ trợ y tế, những người đang tự cách ly hoặc đang ở trong khu vực bị phong toả có thể nhận sự trợ giúp bởi các bác sĩ đầu ngành nhanh chóng bằng những cuộc tư vấn trực tuyến miễn phí từ xa qua cuộc gọi video.
Chị Vân Anh cho biết, ý tưởng thành lập mạng lưới “Bác sĩ ơi” cũng dựa trên nền tảng sẵn có. Từ tháng 4/2020, ngay trong làn sóng dịch bệnh đầu tiên, ứng dụng ISOFHCARE đã được các bệnh viện (BV) tuyến Trung ương như BV Phổi Trung ương, BV E, BV Đại học Y Hà Nội, BV Việt Đức… sử dụng làm một kênh trực tuyến giúp người dân có thể đặt lịch khám tại viện hoặc khám từ xa với các bác sĩ.
Người dân chỉ cần ngồi nhà, thông qua ứng dụng là được kết nối, nhận được tư vấn từ các bác sĩ. |
Ở đợt dịch thứ 4 này, chị cùng các cộng sự muốn giúp đỡ nhiều người hơn nên đã quyết định kết nối bác sĩ, tư vấn hoàn toàn “miễn phí” cho những vấn đề mà người dân gặp hàng ngày. Nữ CEO trẻ cho hay, đây là phương thức giúp đáp ứng được nhu cầu kết nối tới dịch vụ y tế của mỗi cá nhân: muốn được tư vấn, khám chữa bệnh nhưng ngại di chuyển hoặc không thể di chuyển đến những cơ sở y tế, là những khu vực khá nhạy cảm trong thời kì dịch Covid-19 bùng phát.
Theo đó, mỗi cá nhân được chủ động quyền lựa chọn thời gian, cơ sở y tế, bác sĩ đúng với nhu cầu của chính họ.
Với những đóng góp nhỏ bé của mình, chị Tạ Vân Anh cùng các cộng sự trong chương trình “Bác sĩ ơi” mong muốn hệ thống sẽ hỗ trợ được nhiều hơn nữa những hoàn cảnh bị ảnh hưởng bởi đại dịch này.
N. Huyền