"Chưa năm nào tăng trưởng cao gấp 2,5 lần so với lạm phát như năm 2019"
Tăng trưởng kinh tế GDP trên 7%, cao hơn mục tiêu 6,8%. |
Báo cáo tại phiên họp thường kỳ quý 4/2019 của Hội đồng Tư vấn chính sách, tài chính, tiền tệ quốc gia do Bộ Tài chính tổ chức, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết: Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức từ những xung đột kinh tế, địa - chính trị và dịch bệnh có quy mô toàn cầu, tuy nhiên chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đã phối hợp hài hòa, chặt chẽ góp phần tạo sự ổn định, vững chắc của kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp (khoảng 2,76%) so với mục tiêu dưới 4%, là mức lạm phát thấp nhất trong 3 năm qua.
Tăng trưởng kinh tế GDP trên 7%, cao hơn mục tiêu 6,8%. NSNN tiếp tục có tiến độ thu khả quan và bền vững hơn. Cán cân thanh toán thặng dư ở mức cao. Thị trường chứng khoán diễn biến tích cực và ổn định, quy mô thị trường trái phiếu tăng 12,8% so với năm 2018… thị trường tiền tệ ổn định, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát. Thị trường ngoại tệ, tỷ giá ổn định trong bối cảnh kinh tế, tài chính thế giới biến động nhanh, phức tạp.
Đánh giá về chính sách tài khóa, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Năm 2019, Bộ Tài chính chỉ đạo các cơ quan thuế, hải quan, cơ quan tài chính địa phương tiếp tục đôn đốc quản lý thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào NSNN.
Đến nay, tổng thu NSNN tăng 8,4% dự toán và vượt 117.000 tỉ đồng, trong đó NSTW vượt khoảng 4%, so với dự toán khoảng 33.000 tỉ đồng, công tác điều hành chi NSNN, đáp ứng đầy đủ nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, trả nợ nước ngoài, chi an ninh quốc phòng, an sinh xã hội và hoạt động của bộ máy nhà nước.
Các chỉ tiêu về nợ công nằm trong giới hạn Quốc hội cho phép, thị trường chứng khoán tương đối ổn định, đang trở thành kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, giảm dần sự phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng thương mại.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, năm 2020, chúng ta tiếp tục phải đối mặt với những diễn biến phức tạp như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, giá cả hàng hóa thế giới biến động và những diễn biến phức tạp, khó lường của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Vì vậy, để hoàn thành kế hoạch năm 2020, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và các đề án cơ cấu ngành, các lĩnh vực nhằm thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô.
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Chưa năm nào tăng trưởng cao gấp 2,5 lần so với lạm phát như năm 2019. Lạm phát 2,75%, thấp hơn 2,5 lần so với tăng trưởng 7,03% đã tạo điều kiện cho thu nhập thực tế của người dân, doanh nghiệp đều tốt hơn.
Cùng với đó, cả 4 chỉ báo quan trọng của kinh tế vĩ mô là tăng trưởng GDP, lạm phát, việc làm, xuất khẩu đều tốt hơn. Kinh tế Việt Nam rõ ràng là điểm sáng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có xu hướng tăng trưởng chậm lại.
Về chính sách tài khóa, Phó Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực cơ cấu lại thu chi ngân sách. Theo đó, nợ công, bội chi đều giảm, áp lực trả nợ cũng giảm sau khi chúng ta thực hiện Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị, Luật Quản lý nợ công mới, kết quả rất tốt. Sự phối hợp với chính sách tiền tệ cũng tốt hơn, qua đó khơi thông được cả nguồn lực bên trong và bên ngoài, giảm gánh nặng cho tín dụng ngân hàng, mở rộng tiêu dùng, tăng trưởng đầu tư trong nước.