Chưa có vụ rửa tiền nào ở Việt Nam bị "phanh phui"
Rửa tiền là việc biến đổi thu nhập phi pháp thành tài sản mà các cơ quan công quyền không thể truy ra nguồn gốc phi pháp ấy. Rửa tiền không phải là một hiện tượng mới.
Tội rửa tiền là một tội mới được quy định trong Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 (Điều 251) thay cho tội hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có. Theo quy định, người nào thực hiện một trong các hành vi sau thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm: Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác liên quan đến tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản đó; sử dụng tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác…
Tội phạm rửa tiền phổ biến nhất ở Việt Nam là tuồn tiền “bẩn” từ nước ngoài về để hợp pháp hóa, chuyển sang tiền “sạch”.
Những "bước đi" rửa tiền điển hình Ảnh: Vnexpress |
Đồng thời, một bộ phận tội phạm trong nước đã sử dụng số tiền này lừa đảo, tham nhũng, mua bán ma túy... “rửa” bằng cách mua bất động sản, chuyển cho người thân, đầu tư vào các dự án, hợp đồng kinh tế “ma”. Việc rửa tiền không chỉ được tiến hành qua ngân hàng, mà qua rất nhiều kênh như chứng khoán, bất động sản, đánh bạc ở casino... Trên thực tế, các chiêu thức rửa tiền ngày càng tinh vi và khó phát hiện, đặc biệt là sử dụng công nghệ cao như thẻ tín dụng.
Dù Luật Phòng chống rửa tiền đã có hiệu lực 2 năm nay, nhưng tới hiện giờ vẫn chưa có một vụ án rửa tiền nào được “phanh phui”, dù vẫn triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm có tổ chức, nhiều đường dây buôn lậu….
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc chưa phát hiện được vụ án rửa tiền nào … đúng nghĩa.
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này mà cái khó nhất là làm sao xác định được đầy đủ về các hành vi rửa tiền. Đối với tội phạm trong nước, khi phát hiện có hành vi liên quan đến việc sử dụng tiền, tài sản biết rõ do phạm tội mà có, các cơ quan tố tụng thường xử lý về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Bởi hành vi rửa tiền không chỉ khó phát hiện mà nếu chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì không thể xử lý hình sự.
Ngoài ra, trong cấu thành tội phạm tội rửa tiền ở nước ta hiện nay không quy định cụ thể số lượng tiền, tài sản được rửa có giá trị bao nhiêu thì phạm tội. Luật không quy định, hướng dẫn lại không có nên các cơ quan tố tụng không có căn cứ để xử lý hình sự dù có thể vẫn phát hiện ra dấu hiệu rửa tiền. Cùng với đó, người Việt Nam có thói quen xài tiền mặt, hạn chế việc giao dịch, thanh toán qua ngân hàng.
“Không thể phủ nhận thời gian vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã có những nỗ lực đáng ghi nhận về cơ chế quản lý để kéo tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt xuống”- một chuyên gia về lĩnh vực phòng chống rửa tiền bình luận.
Theo ông, ở bộ phận cơ quan quản lý hành chính Nhà nước thì quy định chuyển khoản là bắt buộc, chỉ số ít giao dịch nhỏ mới được thanh toán bằng tiền mặt. Tuy nhiên, với những lĩnh vực dễ có nguy cơ rủi ro tiềm ẩn rửa tiền như chứng khoán, bất động sản… thì quy định bắt buộc phải chuyển khoản trong các giao dịch mới thực hiện được một phần. Cụ thể, trong lĩnh vực chứng khoán mới quy định bắt buộc các giao dịch qua sàn chứng khoán, Sở Lưu ký chứng khoán … phải chuyển khoản. Còn với các thị trường thứ cấp, sơ cấp… thì chưa thực hiện được quy định này.
“Lý do, thị trường chứng khoán đang trầm lắng và chắc chắn khi thị trường khởi sắc hơn thì sẽ bắt buộc phải điều chỉnh”- ông giải thích.
“Đúng là chúng ta đang đứng trước thách thức liệu những cơ quan được giao có khởi tố thành công vụ án nào rửa tiền hay không, chứ không cơ chế của chúng ta đưa ra không hiệu quả và có khả năng lại “rơi” vào danh sách đen”- ông nói.
Theo vị chuyên gia này, toàn bộ những vấn đề liên quan tới khuôn khổ pháp lý của Việt Nam đều đã đáp ứng chuẩn mực quốc tế. Chính phủ đã ban hành Quyết định 122 về kế hoạch hành động quốc gia phòng chống rửa tiền và tài trợ chống khủng bố giai đoạn 2015 -2020. Những khó khăn vướng mắc ngoài hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thì tới năm 2015 Quốc hội sẽ sửa toàn bộ Bộ Luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự.
“Như vậy, sẽ “giải tỏa” được những vướng mắc thực tế như có hình sự pháp nhân hay không, có thu hồi tài sản thông qua xét xử hay không, vấn đề liên quan tới minh bạch và thanh toán không dùng tiền mặt… Đây là việc cần phải cải thiện nếu muốn nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống rửa tiền”- vị này chốt lại.