Chưa có nhiều cơ chế, chính sách cho người khuyết tật khi tham gia giao thông
Ước tính trên cả nước hiện có khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm khoảng 7,8% dân số. Trong đó: 28% là người khuyết tật dạng vận động; 15% khuyết tật nghe nói; 16% khuyết tật nhìn; 17% khuyết tật thần kinh, tâm thần; 15% khuyết tật trí tuệ; 12% là các dạng khuyết tật khác. Nếu chia theo mức độ thì có trên 20% khuyết tật nặng và đặc biệt nặng.
Có nhiều nguyên nhân gây nên khuyết tật: 36% là do bẩm sinh, 32% do bệnh tật, 26% do hậu quả chiến tranh và 6% là do tai nạn lao động. Theo dự báo của một số chuyên gia, trong những năm tới, số lượng người khuyết tật ở Việt Nam chưa giảm bởi tác động của ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng của chất độc hóa học sử dụng trong chiến tranh, do tai nạn giao thông, tai nạn lao động và hậu quả của thiên tai…
Người khuyết tật hiện nay chủ yếu gặp khó khăn trong việc đi lại và sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ. |
Trên thực tế, đời sống vật chất, tinh thần của người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn. Khoảng 80% người khuyết tật ở thành thị và 70% người khuyết tật ở nông thôn sống dựa vào gia đình, người thân và trợ cấp xã hội; 32,5% thuộc diện nghèo; 24% ở nhà tạm. Những khó khăn này cản trở người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, học nghề, tìm kiếm việc làm, tham gia giao thông, dẫn đến khó khăn trong cuộc sống và hòa nhập với cộng đồng.
Tại hội thảo "Tăng cường khả năng tiếp cận giao thông đường bộ đối với người khuyết tật", ông Đinh Việt Anh, Hội Người mù Việt Nam cho biết, người khuyết tật hiện nay chủ yếu gặp khó khăn trong việc đi lại và sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ.
Theo ông, ngay từ khâu thiết kế, lắp đặt các trang thiết bị trợ giúp người khuyết tật, cơ sở hạ tầng giao thông bao gồm lòng đường, vỉa hè, bến xe khách, nhà chờ xe buýt... hầu như không bảo đảm cho người khuyết tật tiếp cận, sử dụng. Chính sách miễn, giảm giá vé khi tham gia giao thông công cộng mới chỉ áp dụng cho người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng.
Điều đáng nói, chưa có những quy định về thống kê số lượng người khuyết tật để quản lý, giám sát và là cơ sở để đưa ra các cơ chế, chính sách phù hợp. Chưa có cơ chế về thi đua, khen thưởng đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có thành tích trong việc phát triển hệ thống giao thông tiếp cận. Chưa xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá khả năng đáp ứng nhu cầu giao thông tiếp cận cho từng tỉnh, thành phố nên khó có cơ sở nhận biết, điều chỉnh và bố trí nguồn lực; chưa có chính sách ưu đãi về lãi suất vay cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất thiết bị hỗ trợ người khuyết tật khi tham gia giao thông…
Đánh giá thực trạng cơ chế, chính sách về giao thông đường bộ tiếp cận tại Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó vụ trưởng vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải nhận định, hiện nay, cơ chế, chính sách trợ giúp người khuyết tật chủ yếu tập trung vào việc miễn giảm giá vé cho người khuyết tật và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phương tiện vận tải, thiếu chú trọng đến nội dung đào tạo, tập huấn kỹ năng cho các đối tượng trực tiếp hỗ trợ người khuyết tật như: nhân viên lái xe, nhân viên bán vé xe buýt, nhân viên tại các nhà ga, tiếp viên hàng không...
Nhằm tăng cường khả năng tiếp cận giao thông đường bộ đối với người khuyết tật, nhiều ý kiến đề xuất, kiến nghị, cần rà soát, bổ sung, điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, bộ Quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận, có biện pháp đảm bảo cho việc triển khai thực hiện một cách hiệu quả trên thực tế; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để cộng đồng cùng chung tay chia sẻ và thực hiện trách nhiệm xã hội, giúp người khuyết tật trong cuộc sống nói chung, trong việc tiếp cận giao thông đường bộ nói riêng.
Đồng thời, mở rộng đối tượng người khuyết tật được miễn, giảm giá vé. Có các biện pháp để thúc đẩy việc đầu tư cơ sở hạ tầng và phương tiện vận chuyển hành khách đảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận. Tại các bến xe, trạm chờ và phương tiện vận tải hành khách phải có biển báo, thông báo để người khuyết tật có thể tiếp cận và sử dụng. Thiết lập các quy định về chế tài xử phạt đối với các đơn vị vi phạm quy định liên quan đến hỗ trợ người khuyết tật tham gia giao thông đường bộ.