Chú trọng các biện pháp nâng cao chất lượng học tập suốt đời
Để triển khai các biện pháp hỗ trợ người học nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả học tập suốt đời, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo cơ sở giáo dục đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới cách kiểm tra, đánh giá phù hợp.
Theo đó, Bộ GD&ĐT xây dựng chính sách hỗ trợ học sinh trung học phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Trong đó quy định đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ là học sinh người dân tộc thiểu số, người Kinh thuộc hộ nghèo ở xã, thôn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đang học bán trú tại các trường trung học phổ thông công lập; xây dựng tài liệu giáo dục và phát triển cộng đồng.
Nhiều địa phương đã có chính sách để huy động người mù chữ ra học xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ; chính sách cho người dạy và người học.
Xây dựng trung tâm học tập cộng đồng tại các địa phương |
Bộ GD&ĐT cũng phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam ký kết các chương trình phối hợp đẩy mạnh việc tổ chức các hoạt động học tập suốt đời, các địa phương ký kết chương trình phối hợp, triển khai các hoạt động của Đề án về xây dựng xã hội học tập. Hằng năm, tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện các chương trình phối hợp.
Trong suốt giai đoạn 1 thực hiện đề án về xây dựng xã hội học tập, các tỉnh, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 89; phân công trách nhiệm cụ thể cho các các sở, ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội,... từ tỉnh đến xã.
Cùng với đó, Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo các Sở GD&ĐT ký kết chương trình phối hợp với các sở, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội – nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh để tổ chức hoạt động học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, cũng như kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án xây dựng xã hội học tập tại địa phương.
Hoàng Thanh