Chủ tịch nước quyết định nhập quốc tịch Việt Nam cho 119 người
Ngày 12/12, tại xã A Dơi (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức lễ công bố và trao Quyết định của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam về việc nhập quốc tịch Việt Nam cho 119 người không quốc tịch, là người Lào di cư đang sinh sống tại Việt Nam.
Cán bộ hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục làm quốc tịch. Ảnh: VGP/Minh Trang |
Để giải quyết tình trạng người không quốc tịch sinh sống tại vùng biên giới chưa đủ 20 năm trở lên, ngày 8/7/2013, Chính phủ 2 nước Việt Nam - Lào đã ký Thỏa thuận về việc giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú vùng biên giới 2 nước. Thỏa thuận có hiệu lực vào ngày 14/11/2013.
Sau 5 năm, với sự nỗ lực của các cấp ngành từ Trung ương đến địa phương, ngày 27/8/2018, danh sách người di cư tự do được phép ở lại Việt Nam đã được Trưởng đoàn đại biểu biên giới Việt Nam phê duyệt, trong 855 người cư trú tại Quảng Trị, xã A Dơi (huyện Hướng Hóa) có 281 người.
Ngay sau khi có danh sách phê duyệt, UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với Bộ Tư pháp, UBND huyện Hướng Hóa, UBND xã A Dơi hướng dẫn các cá nhân có tên trong danh sách làm thủ tục nhập quốc tịch.
Đợt 1 đã hướng dẫn cho 119 trường hợp làm thủ tục, lập danh sách gửi Bộ Tư pháp trình Chủ tịch nước xem xét.
Ngày 23/11/2018, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã ký Quyết định số 2157/QĐ-CTN về việc cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với 119 cá nhân hiện đang cư trú tại xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị. Điều này đã đáp ứng lòng mong mỏi chờ đợi của chính quyền và người dân sau nhiều năm thực hiện thỏa thuận.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch và chứng thực (Bộ Tư pháp) đã công bố Quyết định của Chủ tịch nước đối với các cá nhân được nhập quốc tịch Việt Nam đang sinh sống tại Quảng Trị.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Thỏa thuận tại Quảng Trị, cho biết sau khi trao Quyết định về quốc tịch cho các trường hợp trên, UBND tỉnh Quảng Trị sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành làm các thủ tục tiếp theo như: Hộ khẩu, chứng minh nhân dân và các chế độ chính sách xem như là một công dân chính thức của nước Việt Nam, đặc biệt khi các cá nhân đều ở trong vùng biên giới, thuộc địa phương nghèo, có đặc thù khó khăn của tỉnh Quảng Trị.
Bên cạnh đó, địa phương sẽ rà soát lại các chủ trương chính sách với đồng bào dân tộc miền núi, vùng khó khăn biên giới để có chính sách về đất đai, hỗ trợ sản xuất, giáo dục, y tế, hộ nghèo, hộ tịch... nhằm xây dựng các bản làng văn hóa, gia đình văn hóa khu vực biên giới...