Chống rửa tiền từ thu hồi tài sản tham nhũng
Theo đánh giá của cơ quan Thanh tra, việc phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã có nhiều chuyển biến, tuy nhiên thu hồi tài sản tham nhũng (TSTN) còn hạn chế, gặp nhiều vướng mắc.
Có đến gần 80% tài sản bị tham nhũng chưa được thu hồi. Đây là thách thức lớn cho nỗ lực phòng chống tham nhũng của các cơ quan nhà nước. Tài sản tham nhũng bị tẩu tán, không kiểm soát, không thu hồi được gây khó cho quá trình xử lý vụ án tham nhũng, làm bản án không được thi hành, đặc biệt điều này cũng gây khó khăn trong việc ngăn chặn hoạt động rửa tiền.
Theo các cơ quan chức năng cho hay, nguyên nhân khiến việc thu hồi tài sản gặp nhiều khó khăn là do các đối tượng tham nhũng có chức vụ, quyền hạn thường dùng thủ đoạn tinh vi để đối phó, che giấu, tẩu tán tài sản. Trong khi đó, thời gian giải quyết các vụ án tham nhũng thường kéo dài dẫn đến các tài sản là tang vật bị hư hỏng, giảm giá trị khi bán đấu giá.
Ngoài ra, việc quản lý thông tin về bản kê khai tài sản, thu nhập chưa tập trung, thống nhất, phát hiện và ra quyết định thu hồi tài sản có dấu hiệu sai phạm thông qua thanh tra, kiểm tra còn hạn chế.
Ngân hàng thế giới (WB) là một trong những tổ chức đang tích cực tham gia cuộc chiến chống tham nhũng trên toàn cầu thông qua thúc đẩy Sáng kiến thu hồi tài sản tham nhũng (StAR) và Đơn vị liêm chính thị trường tài chính (FMI).
Hai công cụ này giúp các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển, thiết lập các cơ chế mạnh và hệ thống tài chính minh bạch, tăng cường tính liêm chính của các dòng tài chính, áp dụng các công cụ pháp lý hiệu quả chống “tiền bẩn” và dòng tài chính bất hợp pháp, và thu hồi các tài sản tham nhũng, góp phần giảm đói nghèo.
Ngoài ra, WB cũng hỗ trợ các nước phát triển theo dõi các giao dịch tài chính bất hợp pháp và hoạt động rửa tiền ở cấp quốc gia và quốc tế. StaR và FMI chia sẻ nguồn tri thức giúp các nước đang phát triển sử dụng phối hợp các công cụ pháp lý và tài chính để tăng cường đối phó với các tổ chức tội phạm và tham nhũng, đồng thời phát triển các chính sách thích hợp cho cuộc chiến này.
StAR và FMI đã giúp tăng cường thể chế tình báo tài chính, cải tổ và tăng năng lực chống tham nhũng ở 52 nước.
WB là thể chế tài chính đa phương duy nhất cung cấp cho các nước đang phát triển các trợ giúp kỹ thuật về truy lùng các dòng tài chính bất hợp pháp, tăng cường năng lực quản trị tài chính, chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng.
Chương trình chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố của WB đã thúc đẩy 131 biện pháp cải tổ ở 61 nước nhằm tăng cường năng lực chống tội phạm có tổ chức và khủng bố, nâng cao liêm chính của hệ thống tài chính của các nước - nhân tố quyết định sự ổn định và phát triển của các nước này.
Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính của WB (FATF) đã mở rộng hoạt động ở 170 nước để đối phó với các thách thức từ các tổ chức tội phạm tài chính xuyên biên giới, chống rửa tiền và theo dấu các dòng tài chính tham nhũng để thu hồi các khoản tài chính bất hợp pháp này.
Theo số liệu của WB, tổng số tiền tham nhũng hàng năm ở các nước đang phát triển lên tới 20-40 tỷ USD, tương đương với 20-40% tổng viện trợ phát triển quốc tế mỗi năm. Tham nhũng đã làm chệch hướng dòng tài chính hỗ trợ tăng trưởng, phát triển các dịch vụ công và chống đói nghèo.