Choáng trước cuốn sổ tiết kiệm của mẹ
Mẹ già rồi, có xài gì đâu mà cần tiền! Nhưng mẹ vẫn muốn tôi mang tiền về, vì đó là tín hiệu để mẹ biết rằng một năm qua con ổn.
Mỗi năm về tết, câu mẹ hay hỏi tôi nhất là "Năm nay làm ăn được không con, kiếm được nhiều không?". Không chỉ mẹ mà hình như các bà... hàng xóm cũng cứ hỏi tôi câu đó, rằng "Năm nay kiếm được bao nhiêu..."
Vào những năm còn trẻ, tôi thầy phiền lòng, rằng câu hỏi đó không thích hợp. Thật kém tế nhị khi hỏi ai đó về vấn đề tiền nong như thế...
Mang tiền về cho mẹ là cách để mẹ biết rằng cuộc sống của con vẫn ổn. |
Trưởng thành, tôi nhận ra: đó là câu thăm hỏi cửa miệng của những người đàn bà một nắng hai sương. Những người đàn bà quê, mỗi cuối năm lấy cuốn sổ nguệch ngoạc những con số rồi cộng cộng trừ trừ, rồi hoặc cười thật tươi hoặc thở dài thườn thượt, tùy theo việc con số ấy là "âm" hay "dương".
Những con số ấy biểu thị cho một năm bình an hay nhiều bất trắc. Vì thế, hỏi tôi câu đó không phải vì họ muốn biết tôi có bao nhiêu tài sản, bao nhiêu chữ số trong tài khoản ngân hàng, mà để biết rằng tôi đã trải qua một năm như thế nào, suôn sẻ hay đầy lo toan.
Mẹ tôi cũng vậy, người mẹ già chỉ biết dõi theo con từ xa, lúc nào bà cũng cười tít mắt khi thấy tôi mang tiền về. Mà bà có cần tiêu gì với số tiền đó cho cam. Lần nào tôi về, trong tủ của mẹ cũng chỉ có bấy nhiêu bộ đồ, trong chạn cũng những chiếc chén viền mép đã ngả màu, và căn nhà đầy mùi đồ đạc lưu cữu.
Vật dụng mới tôi mua gửi về, mẹ gói lại, cất vào góc tủ, đợi mấy đứa con về thì lôi ra dùng, không thì thôi. Cái chăn mà tôi đặt may gửi về, dặn người ta chần nhiều bông hơn thông thường vì cái lạnh của mùa đông miền Trung buốt lắm, mẹ cũng xếp, cất kỹ trong nhiều lớp túi nilon. Tiền chi tiêu hàng tháng tôi gửi về, bà chỉ dùng khoảng 1/3, còn lại cuộn tròn rồi cột lại, vùi dưới đống quần áo trong tủ.
Vậy nhưng mẹ vui lắm mỗi khi tôi mang tiền về. Mẹ không ngần ngại đi khoe khắp nơi, mặc cho đôi khi người ta thấy mẹ thật... "lố". Vì số tiền ấy nói với mẹ rằng tôi đã có một năm thật thuận lợi, tôi không bữa đói bữa no như nỗi lo hằng đêm của mẹ.
Với số tiền ấy, mẹ cũng không cần phải bóp bụng để dành tiền chợ "phòng khi bệnh tật thì cũng không làm khổ con cái tiền chữa trị", hoặc nếu có, nó cũng không còn là áp lực nặng nề nữa.
Tôi nhớ, năm tôi 30 tuổi, khi tôi về, mẹ khoe một cuốn sổ tiết kiệm. Nhìn con số mà tôi "té ngửa". Hóa ra bao nhiêu tiền tôi gửi mẹ các năm qua đều ở đó. Mẹ đưa cuốn sổ ấy cho tôi, bảo, con đem mà trả tiền ngân hàng đi, mẹ có làm gì đâu mà cần tới nó.
Trong số bạn bè cùng lứa, tôi gần như là đứa mua được căn hộ ở TPHCM sớm nhất mà không nợ nần gì nhiều, nhờ cuốn sổ đó, hay nói đúng hơn là nhờ vào những lần "đem tiền về cho mẹ".
Năm tôi 40 tuổi, bước chân của mẹ đã chậm hẳn, ánh mắt đã mờ đục nhưng vẫn ánh lên nét vui khi tôi "mang tiền về". Có lúc, nằm trong căn nhà vẫn còn nồng mùi lưu cữu ấy, tôi nhìn mẹ rồi tự hỏi, với một đứa tha hương và không ít mối lo với gia đình riêng của mình như tôi, liệu tôi có thể làm gì để mẹ hạnh phúc vào những năm cuối đời?
Không gì cả! Cùng với thời gian, sức khỏe là thứ tôi không thể cho mẹ. Những trận đau thấp khớp vào ngày trở trời ở người già, không thuốc thang nào chữa trị được. Sự già cỗi của hệ tiêu hóa khiến mẹ không thể ăn được nhiều món mình yêu thích, tôi cũng có cách nào cải thiện.
Một chút, một chút thôi, nhờ có thể "đem tiền về cho mẹ", tôi đồng nghĩa với việc không khiến người mẹ già lo lắng về cái ăn cái mặc của con mình. Và đó là điều duy nhất tôi làm được cho mẹ.
Vậy nên, đừng mắng vì anh chàng ca sĩ Đen Vâu bảo phải đem tiền về cho mẹ. Tiền ấy là biểu thị của mâm cơm đầy, của sức khỏe chưa giảm, của tấm áo không sờn...
Mẹ ở những ngày gần đất xa trời, chúng ta còn có thể mang gì về để xoa dịu nỗi lo lắng không ngớt của mẹ với những đứa con xa? Còn cái gì khác để biểu thị một cuộc sống không nhiều bất ổn, ngoài thứ tưởng như nặng vật chất là tiền?
Theo phunuonline.com.vn