Bệnh nhân chờ nửa năm không thay được thuỷ tinh thể, bác sĩ bất lực vì thiếu thuốc
Chờ 5 tháng vẫn không có thuỷ tinh thể để thay
Tháng 7/2022, bà Nguyễn T. T (67 tuổi ở Đoan Hùng, Phú Thọ) thấy mắt mờ, rát đi khám tại bệnh viện tỉnh được chẩn đoán nếp gấp hoàng điểm mắt trái, 2 mắt đục thuỷ tinh thể. Bệnh nhân được chuyển tuyến lên Bệnh viện Mắt Trung ương điều trị tiếp. Sau khi thăm khám, các bác sĩ cũng kết luận bà bị đục thuỷ tinh thể, chỉ định thay.
Tuy nhiên, nếu bệnh nhân mổ thay thuỷ tinh thể hưởng BHYT thì phải chờ thêm, vì hiện chưa có thuỷ tinh thể, chưa có võng mạc và cũng chưa có máy bóc võng mạc.
Gia đình hoàn cảnh, kinh tế khó khăn nên bệnh nhân đành quay về theo lời hướng dẫn của bác sĩ “chờ khi nào có thì sẽ mổ”.
Mòn mỏi chờ đợi, khi mắt thì ngày càng mờ đi, sau nhiều lần gọi điện thoại đến viện hỏi thì giữa tháng 9, bà T. cũng được thay thuỷ tinh thể mắt phải. Còn mắt trái mổ thay thuỷ tinh thể và võng mạc… lại hẹn 2 tuần sau phẫu thuật nốt.
“Từ đó đến giờ, dì tôi lại đợi 2 tháng vẫn không được mổ. Trong khi mắt bà do bị nếp gấp hoàng điểm nên suốt ngày cay xè khó chịu. Bệnh viện thì cứ bảo chờ còn bà thì lo lắng không biết chờ đến khi nào? Để lâu quá thì tình trạng sẽ ra sao?”, chị An, cháu của bà T. băn khoăn.
Quá sốt ruột, gia đình bà T. đã nghĩ đến việc đi mổ mắt dịch vụ chứ không chờ BHYT nữa. Chị An được phân công đi tham khảo giá tại một số bệnh viện tư ở Hà Nội.
Theo đó, tại một bệnh viện tư nhân chuyên khoa mắt, chị An được báo giá thay võng mạc trung bình 15- 20 triệu, thay thuỷ tinh thể có giá 18-20 triệu. Trong khi một bệnh viện tư khác thì bảo giá thay thuỷ tinh thể lại có giá 12 triệu.
“Giá thì mỗi nơi một kiểu trong khi không biết chất lượng thế nào, gia đình rất lo lắng”, chị An hoang mang.
Bác sĩ bất lực không có thuốc kê đơn
Không chỉ thiếu vật tư, trang thiêt bị y tế mà tình trạng thiếu thuốc cũng xảy ra.
Trung tuần tháng 10/2022, chị T.H (Ba Đình, Hà Nội) nhức đầu, đau buốt hốc mũi, vùng trán hâm hấp sốt sau đợt về quê. Nghi ngờ đau xoang chị gọi cho bác sĩ quen đặt lịch khám.
Tại đây chị được xác định xoang cấp với đơn thuốc nhiều loại (xịt mũi otrivin, thuốc long đờm halixo, kèm kháng sinh dòng nhẹ). Uống đến ngày thứ 3 tình trạng không cải thiện là bao, bác sĩ cho rằng chị phải uống hết đơn 5 ngày thì mới đỡ.
Hết 5 ngày chị H. không còn cảm giác nóng đầu, rát mũi nhưng đờm lại liên tục chảy xuống họng gây ho liên tục. Nghĩ rằng đẩy được dịch nhầy từ xoang ra cũng tốt nên chị cũng không đi khám lại.
Thế nhưng chỉ sau 3 ngày dừng thuốc, tình trạng viêm xoang của chị nặng hơn nhiều.
“Tôi tức ngực không thở nổi. Đáng sợ nữa là cũng mất giọng luôn”, chị T. H kể. Xác định phải mổ xoang vì tình trạng nặng, chị T.H đến BV Việt Nam – Cu Ba khám theo BHYT.
Bác sĩ tiến hành nội soi tai, mũi, họng chị T. H được kết luận viêm xoang cấp. Sau khi đưa đơn thuốc cũ, chị T.H hỏi bác sĩ có cần nhập viện không?
Thật bất ngờ, bác sĩ khám cho chị T. H cho biết, chưa cần nhập viện, chỉ cần uống thuốc nhưng hiện viện cũng không còn thuốc tốt điều trị xoang. Do đó, bác sĩ đưa ra hai phương án: lấy thuốc BHYT (những dòng thuốc như chị uống đợt đầu tiên không khỏi triệt để) hoặc tự túc. Nếu đồng ý phương án tự túc, bác sĩ sẽ kê đơn để bệnh nhân ra ngoài tự bỏ tiền mua thuốc.
Chị H. chọn phương án mua thuốc ngoài. Oái oăm thay, ngay cả khi cầm đơn thuốc ra ngoài mua thì đi đến 3 cửa hàng chị T.H cũng không thể mua nổi kháng sinh Augmentin. Chị đành đổi sang dòng kháng sinh tương tự nhưng kết cục là thêm 7 ngày uống kháng sinh nữa mà những cơn đau xoang của chị T.H vẫn không khỏi dứt điểm.
Chia sẻ với chị T.H, một bác sĩ tại Bệnh viện tuyến đầu lớn nhất Miền Bắc cho biết tình trạng thiếu thuốc tại các bệnh viện kéo dài 6 tháng nay. Đỉnh điểm 3 tháng gần đây bác sĩ không còn thuốc kê cho bệnh nhân. Đặc biệt là những kháng sinh đặc trị.
"Tình trạng này khiến việc điều trị không hiệu quả, thời gian nằm viện của bệnh nhân kéo dài hơn gây mệt mỏi, tốn kém không nhỏ cho gia đình, người bệnh. Gia đình nào muốn rút ngắn thời gian điều trị chúng tôi sẽ phải kê đơn cho bệnh nhân tự túc, có người một đơn thuốc phải đi gom mấy cửa hàng may ra mới đủ", vị bác sĩ này cho hay.
Chia sẻ với phóng viên, Giám đốc BV Bạch Mai Đào Xuân Cơ cho biết hiện bệnh viện cũng đang thiếu trang thiết bị, vật tư tiêu hao trầm trọng. Bệnh nhân đến khám không có thiết bị điều trị, bệnh viện phải chuyển một lượng lớn người bệnh đến bệnh viện khác để chụp Pet, xạ trị... Hệ thống nội soi tiêu hóa hỏng, xuống cấp, mỗi ngày có 800-1.000 người bệnh có chỉ định nội soi nhưng cố lắm chỉ thực hiện được nửa, hoặc quá nửa. Thậm chí, có máy đã kết thúc điều tra (tang vật vụ án), công ty có tặng lại cho bệnh viện nhưng cũng không thể dùng được do liên quan đến vật tư tiêu hao kèm theo, không có vật tư... nên không hoạt động được. |
N. Huyền