Chính quyền xã cho xẻ đất ven sông Vu Gia "không hiểu" để làm gì?
Sự việc trên diễn ra trong hai năm nay, khu vực bị xẻ đất thuộc khu đất Phúc Hương, thuộc thôn Mỹ Thuận, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.
Quyết cải tạo đất bất chấp dân phản đối
Vùng đất Phúc Hương có diện tích khoảng 3ha, nằm trong phần đất 5% do xã quản lý, tiếp giáp giữa sông Vu Gia với khu vực đất canh tác của các thôn Hòa Mỹ, Phiếm Ái thuộc xã Đại Nghĩa và một phần của xã Đại Cường. Đây được xem là vùng đất “đệm” ngăn sông Vu Gia với khu vực đất sản xuất nông nghiệp của người dân. Trong mùa nước lũ, khu vực này ngăn nước sông tràn vào đất nông nghiệp và đất định cư của người dân.
Trước đây chính quyền xã Đại Nghĩa cho một số hộ dân thôn Mỹ Thuận thuê để canh tác hoa màu. Tuy nhiên, đến năm 2013 đất bạc màu không thể trồng trọt được nên người dân ngừng đấu thầu thuê đất. Cũng trong năm này xã Đại Nghĩa tiếp tục trưng cầu ý dân cho người dân thôn Mỹ Thuận thuê khu vực đất để tăng gia sản xuất. Trong thôn Mỹ Thuận có gần 30 hộ dân thuê lại khu vực này để nuôi bò. Mỗi hộ dân được thuê trên 1 sào đất, thuế thuê đất là 200 ngàn/sào, thời hạn thuê đất trong vòng 2 năm, từ năm đầu 2013 đến hết năm 2015.
Sau khi thuê đất, người dân thôn Mỹ Thuận vay vốn mua trâu, bò, lập trang trại để phục vụ chăn nuôi. Thế nhưng chỉ vài tháng sau khi thuê đất, chính quyền xã Đại Nghĩa bất ngờ họp dân để thu hồi vùng đất trên với lý do lấy mặt bằng để phục vụ cho dự án cải tạo đất.
![]() |
Tại hiện trường vào chiều 31.3, nhiều xe tải và công nhân hì hục đào đất. |
“Chúng tôi kiên quyết phản đối dự án trên vì đây là vùng đất “đệm” ngăn cách sông Vu Gia với đất nông nghiệp của người dân. Một khi đào bới khu vực này sẽ trở thành một con lạch, nhánh sông lớn ăn sâu vào vùng đất canh tác. Khi lũ về nước sẽ tràn vào đất nông nghiệp thì không những không sản xuất được nà còn đe dọa các thôn, làng sinh sống ven sông" - anh Phan Văn Sỹ, người dân thôn Mỹ Thuận phân trần.
Theo người dân thôn Mỹ Thuận, mặc dù người dân không đồng tình với dự án cải tạo đất nhưng chính quyền xã vẫn quyết định cho doanh nghiệp điều xe chở đất, máy xúc vào khu vực Phúc Hương tiến hành xẻ đất đem bán. Khi người dân khiếu nại thì chính quyền xã tránh né và trả lời “đây là dự án đã được cấp trên phê duyệt”.
Bức xúc trước việc chính quyền xã thu đất trước thời hạn hợp đồng, ông Trần Hữu Minh, trú tại thôn Mỹ Thuận nói: “Chính quyền xã đã đồng ý cho chúng tôi thuê trong 2 năm, bây giờ bất ngờ thu hồi, hơn 200 con bò chúng tôi biết sống ở đâu. Chúng tôi đều là người thôn quê nhưng đất thổ cư không nhiều, mỗi gia đình chỉ khoảng 100 – 200m2, đất hẹp nuôi con heo còn khó khăn, lấy đất đâu nuôi gia súc lớn. Con trâu là đầu cơ nghiệp, không có đất cho nó sống thì phải bán nó đi, nhưng bán đi rồi lấy gì mà cày kéo”.
![]() |
Xới bãi bồi tạo lạch, đón lũ vẫn… hợp lý?
Chiều 31.3, PV có mặt tại hiện trường và chứng kiến 3 xe tải cùng nhiều công nhân đua nhau xúc đất lên xe. Theo quan sát, hơn 1/3 diện tích đất Phúc Hương đã bị cải tạo với hàng chục ngàn khối đất bị lấy đi, khu vực cải tạo kéo dài từ vùng đất canh tác kéo dài đến vùng giáp ranh bờ sông Vu Gia. Khu vực đất bị lấy đi gần với sông Vu Gia nhất khoảng 40m, đoạn sâu nhất hơn 2m. Toàn bộ khu bị cải tạo nham nhở, một số khu vực bị nước mưa xói mòn tạo thành những con lạch, rất nguy hiểm khi người dân qua lại.
Trao đổi với PV về dự án cải tạo đất trên, ông Đặng Văn Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa - cho biết: “Việc khai thác đất tại thôn Mỹ Thuận nằm trong dự án “Cải tạo đất bồi cát để mở rộng đất sản xuất đất màu” đã được UBND huyện phê duyệt. Nguyên do triển khai dự án này là vì những năm gần đây vùng đất này bị sông Vu Gia bồi lấp trở nên cằn cỗi, bạc màu, người dân không thể sản xuất nông nghiệp được. Khi triển khai dự án này sẽ bóc gỡ phần đất bồi, đất bạc màu để trả lạ tầng đất trồng trọt được cho người dân”.
Theo dự toán dự án cải tạo đất được UBND huyện Đại Lộc phê duyệt, khu vực cải tạo đất có diện tích hơn 3ha, diện tích đất bị bóc gỡ khoảng 37.000 m3, bóc mặt với độ sâu trung bình là 1m… Dự án do UBND xã Đại Nghĩa làm chủ đầu tư và giao cho doanh nghiệp khai thác để bán đất cát. Mỗi mét khối đất bị lấy đi chính quyền xã sẽ thu 4.000 đồng. Dự án cải tạo này được triển khai từ tháng 5/2013 đến hết tháng 4/2014. Tuy nhiên do tiến độ cải tạo chậm, hết thời hạn vẫn không hoàn thành nên xã Đại Nghĩa tiếp tục xin gia hạn thêm thời gian 1 năm và được UBND huyện Đại Lộc hành động ý kéo dài dự án này đến tháng 5/2015.
Khi hỏi tại sao dự án không được người dân đồng tình mà chính quyền vẫn triển khai, vì sao chính quyền ngang nhiên thu hồi đất của người dân trong khi thời hạn hợp đồng vẫn còn, ông Lộc cho biết: “Người dân thì nhiều ý kiến lắm, có người đồng tình với dự án, nhưng có người thì không, mà số người không đồng tình thì ít, chỉ phần nhỏ thôi. Dự án được cấp trên phê duyệt chứ có phải xã tự ý làm đâu, xin phép cả rồi. Còn về việc thu hồi đất trước thời hạn thì chính quyền họp dân mới thu hồi đấy chứ, nhưng mà cũng có vài người không chịu giao đất. Chính quyền sẽ làm việc với dân để đền bù thiệt hại hợp đồng, nhưng cụ thể đền bù như thế nào thì sẽ giao cho ban tài chính của xã làm việc”.
![]() |
Ông Đặng Văn Lộc – Phó chủ tịch xã Đại Nghĩa trao đổi với PV. |
Cũng theo ông Lộc, khu vực đất cải tạo là khu đất bị sông Vu Gia bồi nên cao hơn các khu vực khác. Dự án cải tạo này chỉ lấy đi phần đất bồi để trả lại tầng đất trồng trọt được nên không ảnh hưởng gì đến bờ sông và đất sản xuất của người dân. Thế nhưng khi hỏi tại sao khu đất Phúc Hương và các khu đất liền kề có mặt bằng tương đối bằng nhau nhưng không đưa luôn vào dự án cải tạo mà chỉ cải tạo mỗi khu đất Phúc Hương thì ông Lộc ấp úng nói: “Nhìn thế thôi chứ khu đất này (khu đất Phúc Hương – PV) cao hơn các khu khác vì được bồi đắp hàng năm. Ở dãi đất phía trên không cải tạo mà để trồng tre để phòng xói mòn, nước lũ dâng, còn dãi đất phía dưới là của xã khác”.
Ông Phan Văn Ha, Trưởng thôn Mỹ Thuận cho biết, vùng đất này từ bao đời nay nguyên thủy đã như thế, không có chuyện nước lũ mang đất về bồi lên cao, ngược lại mỗi khi lũ về khu đất này còn bị lở thêm. Tôi không hiểu cải tạo đất để làm gì bởi khu đất Phúc Hương toàn cát nên có đào sâu bao nhiêu đi nữa cũng chỉ có cát mà thôi. Hơn nữa, từ khi người dân nuôi bò ở khu đất kinh tế gia đình khá giả hẳn lên. Nuôi bò lợi nhuận hơn cả chục lần trồng trọt, vậy thì vì sao không để cho người dân chăn nuôi mà cứ đưa ra dự án cải tạo, lấy đất bán rồi nói với dân là cải tạo đất để trồng trọt thì thật vô lý”.
![]() |
Ông Phan Văn Ha - Trưởng thôn Mỹ Thuận cho rằng: “Ở đây đào sâu bao nhiêu cũng thấy cát, không thể cải tạo đất sản xuất được”. |
Theo ông Ha, cách đây hơn 2 năm, chính quyền vận động người dân trồng tre giữ làng cách khu vực bãi bồi đang tận thu đất cát hơn 500m. Tuy nhiên, không hiểu gì chính quyền lại “bật đèn xanh” cho doanh nghiệp đào đất cát để bán.
“Làng Mỹ Thuận được mệnh danh là làng “chạy lũ”. Những năm gần đây, cường độ lũ càng mạnh hơn. Việc làm này sẽ để lại hệ lụy khôn lường. Không chỉ người dân thôn Mỹ Thuận mà nhiều hộ dân khác ở các thôn Phiếm Ái và xã Đại Cường sẽ không chống chọi được với lũ dữ” - ông Ha phân tích.