Chiến tranh Triều Tiên: Di chứng hiện hữu trong đối sách hiện tại
CNN mới đây có bài bình luận nhân dịp kỷ niệm 64 năm cuộc chiến tranh Triều Tiên tạm chấm dứt. Theo CNN, cuộc chiến tranh diễn ra trong 3 năm đã lấy đi cuộc sống của hàng triệu người và mãi mãi làm thay đổi tình hình trên bán đảo Triều Tiên.
Trích dẫn lời cựu chỉ huy Không lực Mỹ Curtis LeMay năm 1988, CNN cho biết trong bài báo của mình: “Chúng ta đã đến đó, chiến đấu chống lại cuộc chiến tranh và cuối cùng thiêu hủy mọi thị trấn ở Triều Tiên bằng mọi cách. Và một số nơi khác ở Hàn Quốc nữa”.
Cảnh hoang tàn trong chiến tranh Triều Tiên năm 1950. Ảnh: CNN |
Vào thời điểm khi Hiệp định đình chiến được ký kết vào ngày 27/ 7/1953, Triều Tiên đã mất đi 1,3 triệu người vì cuộc chiến. Trong khi đó, phía Hàn Quốc thiệt hại đến 3 triệu dân và 225.000 binh lính.
Tướng Douglas MacArthur, một nhân vật huyền thoại trong quân đội Mỹ đã trở thành tổng tư lệnh của Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc khi cuộc chiến tranh ở bán đảo bắt đầu, từng trả lời trong một cuộc điều trần của quốc hội vào năm 1951 rằng ông chưa bao giờ chứng kiến một sự tàn phá đến như vậy.
“Tôi giật mình vì kinh sợ và không thể diễn tả cảm giác đó bằng lời”, ông MacArthur nói. Cuộc chiến là thứ không bất cứ người nào mong muốn, đến vào lúc Thế chiến II chỉ vừa kết thúc được 5 năm. Ngoài thương vong của người dân trên bán đảo, đã có hơn 33.000 người Mỹ và 600.000 lính Trung Quốc thiệt mạng.
Người Trung Quốc và người Mỹ đã quay trở về sau cuộc chiến, còn người Triều Tiên phải ở lại giữa những tàn tích của nó. Toàn bộ cơ sở hạ tầng bị phá hủy, các thị trấn, thành phố hoàn toàn bị xóa sổ. Và nay, những di chứng đó vẫn là một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của các thế hệ lãnh đạo Triều Tiên, từ cố lãnh đạo Kim Nhật Thành, đến cố lãnh đạo Kim Jong Il và nay là nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
"Tội lỗi ban đầu"
Tướng Curtis LeMay vào tháng 5/1965. Ảnh: CNN |
Đối với người Triều Tiên, sự tàn phá đến từ chính các cuộc không kích do không quân Hoa Kỳ tiến hành với quy mô lớn.
Theo nhà sử học người Mỹ Charles Armstrong, các máy bay chiến đấu Mỹ đã ném xuống Triều Tiên khoảng 635.000 tấn chất nổ. Lượng chất nổ dùng trong 3 năm chiến tranh nhiều hơn tổng toàn bộ lượng chất nổ trong Thế chiến II ở Thái Bình Dương. Trong đó, có 32.000 tấn bom napal đã dội xuống.
Chính sự lo sợ không ngừng trước các cuộc không kích của quân đội Mỹ đã khiến người Triều Tiên luôn miêu tả người Mỹ như là bức biếm họa xa xôi, một kẻ thù vô diện đã sản phẳng đất nước của họ và có thể tái diễn điều đó bất cứ lúc nào.
Theo ông Robert E. Kelly, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Pusan của Hàn Quốc, chiến dịch ném bom đầu tiên này được xem như là tội lỗi ban đầu của Mỹ trong tuyên truyền của Triều Tiên. Chắc chắn đó là sự kiện tàn bạo. Và không khó hiểu khi nó trở thành mục tiêu đối phó suốt đời của người dân Triều Tiên.
Vũ khí hạt nhân
Diễu hành hoành tráng ở Bình Nhưỡng, tháng 6/2017. Ảnh: CNN |
Những mất mát quá lớn đó khiến chính phủ Triều Tiên phải đưa vào hiến pháp đất nước một nhiệm vụ toàn dân: “Bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ tối thượng và danh dự của mỗi công dân” và đưa chính sách quân sự lên ưu tiên hàng đầu trong công cuộc phát triển đất nước.
Trong suốt 64 năm qua, những tấm gương lớn trên thế giới như nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi của Libya hay nhà lãnh đạo Saddam Hussein của Iraq đã bị tiêu diệt khi quyết định đổi việc từ bỏ theo đuổi vũ khí đã thêm vào bài học sâu sắc cho chế độ Triều Tiên. Chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên chính là chìa khóa để tồn tại chế độ và đảm bảo an ninh cho đất nước.
Đó là lý do quốc gia này chi tiêu một phần rất lớn ngân sách dành cho quốc phòng và công bố với người dân rằng các khoản chi tiêu này rất quan trọng để ngăn chặn sự xâm lăng của Mỹ. Với cuộc thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hồi đầu tháng này, Triều Tiên hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu đó.
"Giờ đây, Triều Tiên có đủ khả năng tấn công trung tâm nước Mỹ vào bất kỳ thời điểm nào đã được chứng minh thực tế. Hoa Kỳ sẽ cảm thấy khó khăn hơn khi muốn tấn công Triều Tiên", Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết trong một tuyên bố ngay sau khi phóng tên lửa hôm 4/7, "Đây là cách duy nhất để tự vệ và bảo vệ nhân phẩm của quốc gia trong thế giới thù địch hiện nay, nơi mà luật rừng đang tồn tại".