Chỉ hơn 10% doanh nghiệp thực sự hiểu về AEC
“Phần lớn các doanh nghiệp của Việt Nam cũng quan tâm và tìm hiểu về Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) cũng như những cơ hội mới do AEC mang lại. Tuy nhiên, chỉ khoảng hơn 10% doanh nghiệp thực sự hiểu về AEC, hiểu về những thách thức cũng như cơ hội của doanh nghiệp mình”.
Đó là phát biểu của ông Vũ Quang Minh, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao tại Tọa đàm “50 năm ASEAN – Cộng đồng kinh tế ASEAN và cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam” do Bộ Ngoại giao tổ chức sáng 19/07 tại Hà Nội.
Việc không nhiều doanh nghiệp thực sự hiểu về AEC cho dù AEC được hình thàng từ 31/12/2015 sẽ khiến cho các doanh nghiệp mất đi cơ hội đầu tư, kinh doanh, thậm chí không kịp trở tay khi hội nhập ngày một tác động đến đời sống của từng người dân. Chính vì vậy, việc tuyên truyền về AEC đang là ưu tiên của tất cả các quốc gia ASEAN trong đó có Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Quốc Dũng - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn quan chức cấp cao (SOM) của Việt Nam tại ASEAN - doanh nghiệp chỉ có thể tận dụng những lợi thế của cộng đồng kinh tế ASEAN khi thực sự đặt chân vào thị trường ASEAN, trở thành người chơi trên thị trường đó và phải là người chơi có đủ năng lực.
“Hơn hết, doanh nghiệp còn phải chủ động tham gia, đặt ra luật chơi và đóng vai trò lớn hơn trong việc định hình ASEAN và AEC, vì lợi ích của chính các doanh nghiệp. Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng thành công sẽ chỉ đến với doanh nghiệp nào nhận thức được cơ hội và nắm bắt được cơ hội,” ông Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh.
Phát biểu tại Tọa đàm, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho rằng nhận thức của người dân và doanh nghiệp về AEC đã được nâng cao nhưng vẫn còn hạn chế. Để có thể tham gia vào AEC, các doanh nghiệp cần hiểu rõ hơn những tiềm năng, cơ hội và thách thức do AEC mang lại.
Bối cảnh kinh tế hiện nay đã biến đổi rất nhiều, ASEAN đã trở thành một trung tâm thương mại toàn cầu, một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. ASEAN đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 của thế giới và thứ 3 ở châu Á với 640 triệu dân, trong đó có một nửa dân số ở độ tuổi dưới 30. Nếu đạt được đà tăng trưởng, chắc chắn đến năm 2050 ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 của toàn cầu.
Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh phát biểu tại Tọa đàm. |
Theo GS. Hidetoshi Nishimura, Chủ tịch Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), ASEAN cũng đã tạo ra những cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội không chỉ trong lĩnh vực chế xuất mà còn ở lĩnh vực dịch vụ, du lịch. Tuy nhiên, để phát huy lợi thế ASEAN mang lại, doanh nghiệp Việt Nam cần mở rộng hơn nữa với ASEAN.
Bà Nguyễn Quỳnh Nga - Vụ phó Vụ Thương mại đa biên, Bộ Công thương, Trưởng SEOM Việt Nam tại ASEAN – cho rằng lộ trình tự do hóa trong khuôn khổ AEC không phải mới bắt đầu mà đã được Việt Nam thực hiện từng bước trong hơn 20 năm qua, nên cộng đồng doanh nghiệp trong nước đã có thời gian chuẩn bị nhất định để chủ động tham gia vào quá trình này.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Khánh - Giám đốc điều hành nghiên cứu và phát triển CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) – khẳng định để tham gia thành công thị trường ASEAN, DN cần xem xét lợi thế cạnh tranh của chính mình, từ đó đưa ra chiến lược đúng đắn. Khi đã có chiến lược đúng, có con người phù hợp, có hoạt động sáng tạo và hiệu quả sẽ thành công.
“Thách thức luôn đi kèm cơ hội, thách thức với doanh nghiệp này lại là cơ hội cho doanh nghiệp khác. Ngày nay yếu tố phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội ngày một được chú trọng hơn. Các DN muốn tồn tại và phát triển phải đặt sự phát triển bền vững trong chiến lược kinh doanh của mình”, ông Nguyễn Quốc Khánh cho biết.
Theo đó, để tham gia vào chuỗi cung ứng, các thành phần trong chuỗi cần có hành động tích cực, hiệu quả. Muốn vậy thì các thành phần cần phải thấy được lợi ích của chính mình, không chỉ là lợi ích tài chính mà còn là lợi ích về an sinh xã hội, về danh tiếng,… tất cả các thành phần đều phải có lợi ích để có thể tham gia một cách tích cực và hiệu quả.
Cũng theo ông Khánh, DN phải tự nhận thức được sự tồn tại của mình mới có thể vượt qua được khó khăn. Nếu không, cơ hội sẽ mất đi. Người tiêu dùng luôn cần mua sản phẩm tốt, giá cả hợp lý, vì vậy DN muốn tồn tại và phát triển cần phải đáp ứng được nhu cầu cơ bản này.