'Chết điếng' vì đau lưng đi khám lại ra ung thư phổi giai đoạn cuối
Ung thư phổi là một căn bệnh nguy hiểm hàng đầu vì diễn tiến âm thầm và khó phát hiện, hầu hết người bệnh đều đến viện ở giai đoạn muộn, điều trị khó khăn lại tốn kém.
Tưởng đau xương hóa ra ung thư phổi
Mấy tháng qua, chị Nguyễn Thị M. – 39 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội thường xuyên đau lưng. Chị M. cứ nghĩ do thoái hóa vì công việc văn phòng ngồi nhiều. Nhưng tình trạng ngày càng tệ hơn, hai tuần nay kèm theo dấu hiệu ho đau tức ngực chị M. mới đi kiểm tra. Bác sĩ chẩn đoán chị bị ung thư phổi di căn xương.
Hay trường hợp của anh Nguyễn Văn T. – Lào Cai, 31 tuổi cũng bị ung thư phổi giai đoạn cuối phát hiện từ tháng 3/2021. Anh T. chia sẻ khi đi khám anh chỉ có dấu hiệu hơi nặng ngực và đau lưng. Kết quả bệnh lại khiến cả hai vợ chồng anh rụng rời chân tay là ung thư phổi giai đoạn muộn. Trước đó, bố anh T. cũng qua đời vì ung thư phổi.
Mỗi năm, trên thế giới có hơn 2 triệu người mắc mới và hơn 1 triệu người tử vong do bệnh này. Chỉ riêng trong năm 2020, Việt Nam có thêm 26.262 người mắc ung thư phổi và có hơn 23.000 trường hợp tử vong. Đây cũng là bệnh ung thư đứng hàng số 2 tại nước ta về tỉ lệ mới mắc và tỉ lệ tử vong.
Ung thư phổi là một căn bệnh đáng lo ngại, nhưng nếu phát hiện sớm thì có thể điều trị kịp thời, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Chính vì vậy, vai trò của việc tìm hiểu về tình hình ung thư phổi, cách điều trị và nguyên nhân gây bệnh, để tìm ra các giải pháp hạn chế ung thư phổi ở Việt Nam là điều vô cùng cấp thiết.
Hình ảnh ung thư phổi. |
Ung thư phổi có hai loại chính là ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ. Để chẩn đoán khẳng định chắc chắn ung thư phổi thì người bệnh phải làm sinh thiết.
BS. Phan Quang Hiếu – Khoa Hô hấp BV Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết nhóm nguy cơ ung thư phổi cao nhất là người hút thuốc lá chủ động và bị động. Ngoài ra, người làm việc trong các nhà máy công nghiệp nặng phải hít các hóa chất kim loại nặng.
Những người có người thân mắc ung thư phổi thì bản thân họ cũng dễ mắc hơn vì ngoài vấn đề gen thì môi trường sống như người hút thuốc lá thì người thân phải hút thụ động nên cũng gây ung thư phổi. Những yếu tố khác là môi trường sống cũng tác động rất nhiều.
Ung thư phổi chia làm 4 giai đoạn từ khi khối u hình thành từ trong mô phổi cho đến giai đoạn di căn xa.
BS Hiếu cũng cho biết hiện tại ung thư phổi ở Việt Nam đang gia tăng đặc biệt là ở nam giới. Ung thư phổi luôn chiếm tỷ lệ cao nhất từ năm 1998 tới nay. Đối với nữ giới tỷ lệ ung thư phổi không cao bằng ung thư vú và cổ tử cung nhưng nhiều năm trở về đây thì tỷ lệ ung thư phổi ở nữ cũng gia tăng. Nguy cơ cao nhất của phụ nữ ung thư phổi chủ yếu do hút thuốc lá thụ động từ người thân, đồng nghiệp.
Ngoài ra, BS Hiếu cũng cho biết tỷ lệ tăng cao cũng là do tiến bộ trong y học, người dân đi khám nhiều hơn, các kỹ thuật chẩn đoán tốt hơn cũng là lý do số ca bệnh tăng lên nhiều so với trước.
Cảnh giác những dấu hiệu này
Theo BS Hiếu giai đoạn đầu ung thư phổi đều không có triệu chứng, đa phần phát hiện qua khám sức khỏe hàng năm. Giai đoạn muộn thì có thêm triệu chứng ho kéo dài từ 2 tuần trở lên. Nếu bạn ho trên 2 tuần uống thuốc ho không khỏi thì nên đi kiểm tra.
Ngoài ra, người bệnh có triệu chứng nặng ở ngực, hơi khó thở, sụt cân, ăn uống kém, chậm tiêu. Nếu ung thư phổi di căn xương có thể gây đau xương, cột sống, đau đầu, buồn nôn, yếu liệt đột ngột, nổi hạch ở cổ, nách.
Để phòng ung thư phổi, cách tốt nhất là giảm nguy cơ mắc bệnh đó là không thuốc lá chủ động, bị động. Các gia đình nếu cha me hút thuốc lá thì con có thể hút thuốc lá thụ động thì sau này bé lớn lên nguy cơ ung thư phổi cao hơn.
Nếu khu vực có khói thuốc bạn nên tránh. Khi đi làm cần có bảo hộ lao động. Duy trì chế độ ăn nhiều rau xanh, trái cây, việc này không chỉ phòng ung thư phổi mà hầu như cho tất cả các bệnh ung thư khác.
Khánh Chi