Châu Á sẽ nổ ra chiến tranh vì những hòn đảo?
Hiểm họa từ sự trỗi dậy quá nhanh
Trong bài viết có tiêu đề “Liệu châu Á có thực sự đi đến chiến tranh vì những hòn đảo?”, tờ The Economist đã bình luận: “Đúng là những nước châu Á không nhìn thấy cả thế giới trong một hạt cát nhưng họ đã nhận ra mối đe dọa nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia tại các bãi đá nổi, đá ngầm rải rác xung quanh bờ biển của họ”.
Máy bay tuần tra của Nhật Bản trên bầu trời quần đảo Senkaku. |
Không thể phủ nhận một thực tế rằng, trong năm 2012, vấn đề chủ quyền biển, đảo đã nổi lên và bao phủ lên mối quan hệ của rất nhiều nước châu Á. Các cuộc biểu tình dữ dội đã nổ ra ở thủ đô Manila (Philippines), ở Tokyo, ở Trung Quốc… nhưng tựu trung lại, hầu hết các sự kiện tồi tệ này đều liên quan đến một “nhân vật” có tên: Trung Quốc. Khi căng thẳng Trung – Nhật ở Senkaku/Điếu Ngư nổ ra, Toyota và Honda đã phải đóng cửa các nhà máy của mình ở Trung Quốc. “Giữa giọng điệu nóng nảy từ 2 phía, một tờ báo Trung Quốc đã đưa ra đề xuất cực kỳ hiếu chiến rằng: Nên bỏ qua con đường ngoại giao vô nghĩa và tiến thẳng đến trọng tâm bằng cách mang đến cho Nhật Bản một quả bom nguyên tử”, tờ The Economist bình luận.
May mắn thay, đó chỉ là lời nói phóng đại kỳ cục bởi chính quyền Bắc Kinh đang tìm cách giảm thiểu tranh chấp dù nó diễn ra khá muộn màng. Điều này có vẻ là hợp lý nhưng nếu xét đến yếu tố lịch sử, bóng ma chiến tranh lại lảng vảng khắp các vùng biển ở châu Á. Trung Quốc đang trỗi dậy và họ cho rằng đã đến lúc họ phải đòi lại danh dự “sau 150 năm nhục nhã”.
Từ kịch hóa thành… thực
Những người lạc quan cho rằng, những cuộc xô xát gần đây đơn thuần chỉ là một vở kịch chính trị khi Trung Quốc và Nhật Bản đều muốn chuyển hướng sự chú ý của công chúng trong nước ra bên ngoài để chuyển giao thế hệ lãnh đạo (Trung Quốc) hay chuẩn bị bầu cử thủ tướng mới (Nhật Bản). Thông qua cuộc xung đột này, các nhà lãnh đạo mới của cả 2 nước muốn gián tiếp thể hiện quyền lực của mình nhằm lấy lòng người dân của họ. Nhìn chung, luồng ý kiến lạc quan khẳng định các nước châu Á hiện nay đang bận bịu kiếm tiền (phát triển kinh tế) đến mức chẳng còn thời gian để đi gây chiến với nhau. Trung Quốc hiện đang là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản và quan trọng hơn cả là họ đã có đủ rắc rối ở trong nước rồi vậy tại sao họ lại muốn tìm kiếm thêm những rắc rối ở ngoài nước?
Chủ nghĩa dân tộc đang ngày càng gia tăng tại châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm nguy cơ nổ ra chiến tranh. |
Châu Á quả thực có lý do để duy trì những mối quan hệ tốt đẹp và những cuộc tranh cãi gần đây có thể sẽ dịu đi nhưng có điều mỗi khi những tranh chấp liên quan đến các hòn đảo nổi lên thì thái độ cứng rắn lại trở lại và niềm tin của họ đối với nhau tiếp tục bị xói mòn. Hai năm trước, khi Nhật Bản bắt giữ một thuyền trưởng tàu cá của Trung Quốc vì đâm vào một tàu ngay sát quần đảo Senkaku thì nước này đã nhận được đòn trả đũa của Trung Quốc là ngừng bán đất hiếm – loại nguyên liệu cần thiết cho các ngành công nghiệp của nước này.
Chủ nghĩa dân tộc đang ngày càng gia tăng tại châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm nguy cơ nổ ra chiến tranh. Bất chấp tính hợp pháp của tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo này là gì đi chăng nữa thì gốc rễ của vấn đề vẫn nằm ở việc người dân Trung Quốc được giáo dục rằng “các nước láng giềng đã chiếm hết lãnh thổ của Trung Quốc”. Theo The Economist, Trung Quốc đã chủ động tạo ra chủ nghĩa dân tộc và lợi dụng nó khi phù hợp với mình, giờ đây các nhà lãnh đạo của nước này đang phải đối mặt với những lời chỉ trích cay độc nếu họ không đấu tranh vì một phần “lãnh thổ” của nước mình. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy, có tới hơn 1/2 số người dân Trung Quốc tin rằng chỉ vài năm nữa nước này sẽ có một cuộc “đối đầu quân sự với Nhật Bản”.
3 giải pháp
Tại sao các nước châu Á không chịu nhượng bộ nhau quanh vấn đề các hòn đảo? Nhật Bản hay một số nước ASEAN lo sợ rằng nếu họ nhượng bộ thì với bản tính tham lam của mình, Trung Quốc sẽ tận dụng điểm yếu và tiến xa hơn với một đòi hỏi khác còn Trung Quốc thì nghĩ rằng nếu nước này thất bại trong việc thúc đẩy tuyên bố của mình thì Mỹ và những nước khác được “tự do âm mưu chống lại Trung Quốc”.
Dù gì thì người ta vẫn có thể nhận ra rằng Trung Quốc ngày càng thích cư xử một cách kiêu căng và hùng hổ, và cộng đồng quốc tế càng có lý do để lo ngại rằng đó là cách nước này sẽ hành xử với tư cách là một cường quốc chi phối.
Do những căng thẳng liên quan đến quần đảo Senkaku và những phiên bản lịch sử không thể hòa giải của châu Á, 3 biện pháp bảo vệ ngay lập tức là rất cần thiết.
Một là, hạn chế cơ hội để những rủi ro có thể leo thang thành khủng hoảng. Một sự xung đột trên biển sẽ nhanh chóng được giải quyết nếu các bên xây dựng được một bộ quy tắc ứng xử. Các chính phủ cũng sẽ cảm thấy dễ dàng hơn khi làm việc với nhau trong các tình huống khẩn cấp nếu họ thường xuyên làm việc với nhau trong các tổ chức khu vực.
Thứ hai, Trung Quốc cần tìm lại những biện pháp để giải quyết tranh chấp mà không gây tổn hại gì. Ông Hồ Cẩm Đào đã thành công trong chính sách “gác lại vấn đề Đài Loan” hay trước đó cả Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình đều đã vui vẻ “để lại vấn đề Senkaku cho thế hệ sau giải quyết”.
Mỹ cần phải tăng cường thể hiện sức mạnh và làm cho Trung Quốc hiểu rằng Senkaku là nơi không thể sử dụng quân sự. (Ảnh minh họa) |
Nhưng không phải nọi thứ đều có thể giải quyết bằng sự hợp tác nên The Economist đưa ra giải pháp thứ 3 là: Tăng cường răn đe.Với quần đảo Senkaku, Mỹ đã thể hiện quan điểm rằng nước này không đứng về bên nào trong vấn đề chủ quyền nhưng quần đảo này hiện vẫn do Nhật Bản quản lý nên Mỹ buộc phải có một phần trách nhiệm bảo vệ theo Hiệp ước An ninh chung đã ký giữa 2 nước. Để không phải dùng đến quân sự, Mỹ sẽ sử dụng uy tín ngoại giao của mình để hạ nhiệt những cái đầu nóng của cả Trung Quốc và Nhật Bản đồng thời Mỹ cần phải tăng cường thể hiện sức mạnh và làm cho Trung Quốc hiểu rằng Senkaku là nơi không thể bị xâm lược.
Tuy nhiên, cam kết của ông Obama đối với các hòn đảo khác ở châu Á lại không rõ ràng trong khi mức độ hung hăn của Trung Quốc lại không hề có dấu hiệu giảm xuống.