ChatGPT hay là công nghệ AI nổi bật trong năm
Sau khi được phát hành cuối tháng 11/2022, ChatGPT – sản phẩm của công ty OpenAI Inc – đã nhanh chóng tạo nên một hiện tượng trên thế giới.
ChatGPT có nhiều điểm hấp dẫn. Đây là một ứng dụng trí tuệ nhân tạo, được công ty OpenAI Inc (San Francisco) phát triển, có khả năng viết các bài tiểu luận, lời bài hát, thơ, kịch bản, đồng thời trả lời các câu hỏi về mọi điều từ các công việc hàng ngày, xây dựng thói quen, công thức nấu nướng đến các vấn đề kỹ thuật, viết code và bàn luận các chủ đề chính trị, xã hội.
Sau khi ChatGPT được phát hành vào ngày 30 tháng 11 năm 2022, mọi người nhanh chóng nhận ra rằng sự tồn tại của nó kéo là một hiện tượng công nghệ, trở thành công cụ sử dụng có số lượng người tham gia trong một thời gian ngắn, đạt mốc 1 triệu người dùng chỉ sau 5 ngày ra mắt so với các công nghệ khác phải mất hàng tháng, hay nhiều năm để có được số lượng người dùng tương đương.
Mặc dù công nghệ nền tảng, mô hình ngôn ngữ lớn (Large Language Model- LLM), không phải là mới, nhưng ChatGPT đã chiếm được trí tưởng tượng của công chúng kể từ khi ra mắt vào cuối tháng 11 năm ngoái. Trong khi đó, doanh nhân và doanh nghiệp đang chạy đua để phát triển các sản phẩm và dịch vụ do LLM cung cấp, chẳng hạn như hỗ trợ viết blog, trợ lý ảo, chatbot và xây dựng cách tiếp cận mới về cơ chế tìm kiếm (search engine) trên internet.
Nhưng một số chuyên gia cảnh báo rằng chúng ta có vẻ đang trong trạng thái cường điệu về AI với những kỳ vọng vượt xa thực tế. Thách thức là biến những thứ trong phòng thí nghiệm công nghệ cao thành các ứng dụng thương mại có lợi nhuận. ChatGPT đang cho truy cập miễn phí ở nhiều nước nhưng người dùng Việt Nam chưa được tiếp cận một cách chính thức. Gary Marcus, một doanh nhân khởi nghiệp về AI có trụ sở tại Vancouver, người từng đã bán một công ty của mình cho Uber hoài nghi: “Liệu nó có trở thành sản phẩm khả thi hay không vẫn còn phải xem".
Ngay cả nhà cung cấp thu được nhiều lợi ích nhất từ việc áp dụng generative AI cũng đang cố gắng quản lý các kỳ vọng. Giám đốc điều hành OpenAI, Sam Altman đã tweet vào tháng 12: “ChatGPT cực kỳ hạn chế, nhưng đủ tốt ở một số thứ để tạo ra ấn tượng sai lầm về sự vĩ đại”. Ông nói thêm: “Thật sai lầm khi dựa vào nó cho bất cứ điều gì quan trọng ngay bây giờ".
Generative AI là gì?
Tôi hỏi chatGPT và nhận được câu trả lời:
- Generative AI đề cập đến một loại trí tuệ nhân tạo tạo ra dữ liệu mới, chưa từng thấy trước đây dựa trên một tập hợp các dữ liệu hoặc mẫu hình mà nó đã được đào tạo. Điều này có thể bao gồm văn bản, hình ảnh, âm nhạc, v.v.”
- Khoan đã, giải thích cho học sinh lớp 2?
- Generative AI giống như việc bạn tạo ra thứ gì đó mới từ những thứ bạn đã biết. Hãy tưởng tượng bạn muốn làm một món đồ chơi mới bằng cách sử dụng các khối hình cũ. Bạn nhìn vào những khối hình bạn có và sử dụng trí tưởng tượng của mình để tạo ra thứ gì đó mới mẻ và thú vị. Đó là những gì mà Generative AI AI làm, nó sử dụng những gì nó biết để tạo ra thứ gì đó mới mẻ và thú vị.
Văn bản được tạo ra (generative text) đi kèm với những thách thức. Các mô hình ngôn ngữ lớn LLM đã học cách tạo ra các văn bản bằng cách thu thập một lượng lớn các văn bản trên internet: sách, Reddit, Wikipedia, các bài báo và nhiều nguồn khác nữa. Sau đó, tạo văn bản bằng cách dự đoán những từ có khả năng xuất hiện tiếp theo, dự đoán những câu tiếp theo và cả những đoạn văn tiếp theo. Ví dụ đơn giản là khi bạn nói: ‘Trăng hôm nay cao quá!”. AI kiểu Việt Nam sẽ có thể có đáp án: “Anh muốn hôn vào má”. Tất nhiên, ChatGPT không cho đáp án kiểu này vì những dữ liệu văn bản Việt nó học được rất ít trong kho dữ liệu khổng lồ chiếm 530 GB được cung cấp cho nó.
ChatGPT làm được gì?
Bên cạnh việc cung cấp các câu trả lời cho các truy vấn của người dùng, ChatGPT có thể được sử dụng để thực hiện
1. Sáng tạo nội dung văn bản:
ChatGPT có thể được sử dụng để tạo nội dung. Vì là mô hình ngôn ngữ có tính dự đoán (predictive model) nên ChatGPT có thể dễ dàng viết nội dung dựa trên dữ liệu đầu vào, thuật ngữ gọi là “lời nhắc” (prompt). Chẳng hạn, công cụ AI có thể viết một bài hát dựa trên các câu lệnh hay prompt của người dùng. Hơn nữa, ChatGPT cũng có thể giúp người dùng viết giống một phong cách của tác gia nổi tiếng như Ernest Miller Hemingway, F. Scott Fitzgerald hay Franz Kafka.
2. Sáng tạo nghệ thuật AI
Kể từ khi giới thiệu DALLE-2, Midjourney và các công cụ AI nghệ thuật khác, các ứng dụng Generative AI đã đi đầu trong việc tạo ra các hình ảnh nghệ thuật số hóa. Trong tương lai, ChatGPT của OpenAI có tiềm năng to lớn trong việc tạo ra các kịch bản cho Thực tế tăng cường (AR) chi tiết phong phú, khi người dùng ra lệnh bằng prompt.
3. Viết mã và gỡ lỗi
ChatGPT cũng có thể giúp các lập trình viên viết mã máy tínhvà giúp các nhà phát triển gỡ lỗi (debug). Nó có thể được sử dụng để hỗ trợ xây dựng các truy vấn SQL. Vì kiến thức về SQL là bắt buộc đối với các nhà khoa học dữ liệu, nên việc sử dụng ChatGPT để nâng cao kỹ năng SQL là công cụ đắc lực cho những người lập trình và làm việc với dữ liệu.
ChatGPT hướng dẫn, gợi ý và sửa lỗi lập trình
4. Quản lý và thao tác dữ liệu
Dữ liệu phi cấu trúc rất khó sắp xếp, quản lý và tổ chức, khiến dữ liệu luôn lộn xộn và dư thừa (redundant). ChatGPT có thể chuyển đổi dữ liệu phi cấu trúc thành định dạng có cấu trúc bằng cách thao tác dữ liệu. Chẳng hạn, công cụ này có thể được sử dụng để thêm dữ liệu vào bảng, tạo chỉ mục và tạo các tập tin cấu trúc JSON.
5. Giải thích và kèm cặp
Thật thú vị khi ChatGPT có thể giải thích các thuật ngữ, mã máy tính, khoa học. Khi khả năng gia sư AI của ChatGPT phát triển và trở nên hoàn thiện hơn trong những năm tới, công nghệ LLM có thể thay đổi đáng kể cách học sinh tương tác với thế giới. Do đó, ChatGPT cũng sẽ có tác động rất lớn đến ngành công nghệ giáo dục (Edtech). Nhiều công ty công nghệ giáo dục hiện có thể dạy các nguyên tắc cơ bản của một chủ đề và sử dụng ChatGPT để cung cấp cho sinh viên một nền tảng để đặt câu hỏi và giải đáp thắc mắc của họ.
Đào Trung Thành