Chàng trai mở 'khu vườn cổ tích' từ mảnh đất trống vườn nhà, khách nô nức check in đem về cho chủ tiền tỷ
Với đam mê làm du lịch, anh Trần Minh Đông, cán bộ văn hóa của xã Tả Phìn, Sa Pa, quyết định nghỉ việc để khởi nghiệp, xây dựng khu du lịch trên mảnh đất của gia đình.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Sa Pa, học xong đại học anh Trần Minh Đông (sinh năm 1986) về làm cán bộ văn hóa xã. Nhưng với đam mê làm và phát triển du lịch địa phương, anh Đông đã quyết định nghỉ việc về xây dựng khu du lịch trở thành khu vườn cổ tích ngay trên mảnh đất của gia đình ở Sa Pa và nơi đây trở thành một trong những địa chỉ "hot" để khách du lịch mỗi lần đến Sa Pa đều check in, chụp ảnh, thăm thú ngoạn cảnh.
Anh Trần Minh Đông. |
Ý tưởng này của anh Đông nhen nhóm từ năm 2016, nhưng mãi đến năm 2020 anh mới bắt đầu bắt tay xây dựng.
“Trước đây làm công tác văn hóa ở xã nên mình có điều kiện học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm. Nhà ở ngay Sa Pa, lại có một mảnh đất rộng có địa thế đẹp nên mình đã xin nghỉ để về mở tự kinh doanh riêng”, anh Đông chia sẻ.
Năm 2015, anh Đông xin nghỉ việc cũng là lúc dịch vụ cáp treo tại Sa Pa bắt đầu đi vào hoạt động. Lúc đó, anh mạnh dạn xin làm đại lí phân phối vé, đồng thời mở một xưởng in, quảng cáo với số vốn hơn 500 triệu đồng, mỗi tháng thu nhập được khoảng trên 20 triệu đồng.
Tuy nhiên, giữa năm 2016, xưởng bị cháy, tất cả tài sản đều bị thiêu rụi. Anh Đông lâm vào cảnh trắng tay nên chỉ tập trung làm phân phối vé cáp treo để tích góp lấy vốn bắt đầu làm lại từ đầu.
Sau một thời gian làm việc anh Đông nhận thấy tiềm năng du lịch của Sa Pa còn rất lớn nên đã quyết định tìm ra hướng đi mới cho bản thân.
Anh Đông chia sẻ: “Mình làm cho dịch vụ bán vé cáp treo đến năm 2018, khi đó lượng khách tới Sa Pa rất đông. Nhận thấy tiềm năng rất lớn, mình nghĩ rằng phải tìm một hướng đi, khai thác tiềm năng du lịch tại đây. Vì vậy, mình xin nghỉ để đi trải nghiệm, học hỏi tìm những điều mình đang cần”.
Cuối năm 2018, anh Đông tình cờ gặp một người bạn và chia sẻ về câu chuyện muốn làm một cái gì đó khác biệt khi ngành du lịch tại Sa Pa đang rất phát triển. Anh được bạn gợi ý về Đà Lạt - nơi các dịch vụ về du lịch rất phát triển để tìm hiểu biết đâu lại nảy ra ý tưởng.
"Muốn tìm cái mới nên mình đi rất nhiều nơi tại Việt Nam nhưng lại không đến với Đà Lạt, đó là sai lầm của mình. Khi đó mình nghĩ Đà Lạt với Sa Pa giống nhau từ điều kiện khí hậu đến môi trường, không có gì đặc biệt cả. Tuy nhiên, sau này khi đặt chân đến Đà Lạt mình không khỏi ngỡ ngàng khi mọi người khai thác du lịch quá tốt. Từ một mảnh đất rất bình thường, mọi người biến nó thành một nơi hàng ngàn khách đến trong một ngày. Mình ở trong đấy một tuần để tìm hiểu mô hình cũng như học hỏi cách vận hành”, anh Đông chia sẻ thêm.
Lên ý tưởng và thiết kế đều do anh Đông tự thực hiện |
Sau khi từ Đà Lạt trở về, anh nhanh chóng lên kế hoạch về một điểm check-in, và ngày 1/1/2020 anh bắt đầu khởi công, gấp rút hoàn thiện trong vòng 1 tháng.
“Bọn mình gần như là người đi tiên phong trong việc xây dựng điểm check-in. Rất may mắn khi thời điểm khởi công tuy có dịch bệnh nhưng số ca không nhiều. Thời điểm đó, vì là mô hình mới nên được rất nhiều khách du lịch yêu thích, doanh thu mình đạt được là khoảng 4 tỷ đồng”, anh Đông cho hay.
Tại điểm du lịch check-in của mình, mặc dù đã có lượng khách tham quan đông, tuy nhiên anh Đông vẫn thấy chưa đủ. Và thế là anh Đông lại lên ý tưởng về một khu du lịch kết hợp mô hình homestay với cái tên “khu vườn cổ tích” trên mảnh đất bỏ trống hơn 10 năm của gia đình.
“Lúc đầu ý tưởng tại đây cũng chỉ là làm địa điểm check-in chứ chưa xác định làm homestay vì nguồn lợi từ điểm check-in rất lớn. Sau đó mình thấy, tại Sa Pa có nhiều người làm theo quá nên mình tính đến phương án bền vững là làm thêm homestay”, anh Đông kể.
Trước khi làm, anh Đông cũng đã tìm hiểu về các câu chuyện cổ tích. Những căn nhà đều được lấy ý tưởng từ những câu truyện cổ tích như: Công chúa ngủ trong rừng, Aladin, hay Nàng bạch tuyết và 7 chú lùn,… để phù hợp với từng ngôi nhà, căn phòng trong khu homestay.
Những căn nhà như thế này được anh Đông học hỏi khi đi du lịch ở Đà Lạt và ấy ý tưởng từ những câu truyện cổ tích. |
Với tổng diện tích lên đến hơn 1 ha, anh Đông đã cho xây dựng 6 phòng và 1 nhà cộng đồng. Khu du lịch này khi hoạt động hết công suất có thể tiếp nhận khoảng 100 khách. Tuy nhiên anh Đông muốn mọi người có một không gian sống thoải mái nên chỉ đón tiếp nhiều nhất là 70 khách.
"Dịch bệnh diễn ra trong 2 năm vừa qua, mặc dù ngành du lịch bị ảnh hưởng rất nhiều nhưng các địa điểm du lịch nhỏ vẫn có khách tới, bởi đó cũng là thời gian để nhiều ngừời nghỉ ngơi, họ muốn tìm một không gian sạch, yên tĩnh để thư giãn”, anh Đông chia sẻ.
Những căn phòng nằm trên "rừng" cây Pơ mu. |
Mỗi căn phòng cho khách thuê có giá thuê từ 800.000 - 1,2 triệu đồng. |
Toàn bộ mái nhà bằng gỗ được anh Đông mua lại từ người dân địa phương. |
Mỗi căn phòng đều được đặt tên theo các câu chuyện cổ tích. |
Từ mảnh đất bỏ trống hơn 10 năm của gia đình, anh Đông đã xây dựng thành khu du lịch gia đình với tên gọi “khu vườn cổ tích” thu hút khách. |
Khu nhà cộng đồng có sức chứa khoảng 30 người. |
Những chiếc tổ chim được anh Đông thiết kế rất bắt mắt. |
Mô hình du lịch của anh được xây dựng tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân ở ịa phương, chủ yếu là người Mông và người Dao với thu nhập trung bình từ 6-8 triệu đồng/tháng/người.
Bảo Khánh
Anh 'gàn' bán nhà đẹp, xe sang ở Hà Nội về quê bán sản vật nhà giàu để người nghèo cũng mua được
Mặc dù có nhà đẹp, xe sang ở Thủ đô Hà Nội, nhưng Nguyễn Khắc Huân (Hương Sơn, Hà Tĩnh) vẫn quyết định trở về quê lập nghiệp, chăn nuôi, chế biến và quảng bá sản vật nhung hươu nổi tiếng.