Chàng trai khuyết tật vùng biển về Bình Dương nuôi tôm càng xanh nước ngọt ở gò đồi
Anh Huỳnh Trọng Tiễn là nạn nhân chất độc da cam, chân phải bị teo cơ. Sinh ra ở vùng đất biển Quảng Ngãi, tuy nhiên anh đã vượt lên chính mình, khởi nghiệp với mô hình nuôi tôm càng xanh nước ngọt trên mảnh đất quê ngoại Bình Dương.
Không ngừng vươn lên
Là nạn nhân chất độc da cam, chân phải bị teo cơ, nhưng anh Huỳnh Trọng Tiễn, ở phường Trần Hưng Đạo (TP Quảng Ngãi) luôn hăng say lao động và có tinh thần cầu tiến, chịu khó học hỏi. Năm 2019, anh mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình nuôi tôm càng xanh nước ngọt.
Từ khi mới sinh ra, anh Tiễn không may mắn là thế hệ thứ hai bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Ba mẹ anh đều là thương binh loại 3, từng tham gia kháng chiến chống Mỹ. Anh Tiễn chia sẻ: “Chân phải của tôi bị teo cơ và từ nhỏ tôi đã tập quen dần với những cơn đau, chuột rút. Dù đi lại khó khăn, không nhanh nhẹn bằng mọi người, nhưng thay vì buồn rầu, tôi học cách chấp nhận khiếm khuyết của mình và tập thói quen kiên nhẫn trong mọi việc”. Là người cầu tiến nên vừa lao động kiếm sống, anh Tiễn vẫn luôn học hỏi, tìm tòi, ấp ủ ước mơ khởi nghiệp.
Trong một lần đến làm việc ở các tỉnh phía nam, anh Tiễn biết đến mô hình “nuôi tôm càng xanh nước ngọt” trong bể xi măng. “Đây là mô hình mới, cần nhiều kiến thức nuôi trồng nhưng nếu nắm chắc được quy trình kỹ thuật sẽ cho hiệu quả kinh tế cao. Nhận thấy triển vọng của mô hình nuôi tôm càng xanh này, tôi quyết tâm theo đuổi và thực hiện”, anh Tiễn cho biết.
Không ngại khó, anh Tiễn dành vài tháng để nghiên cứu, học hỏi kỹ thuật nuôi tôm càng xanh nước ngọt. Năm 2019, anh quay về quê ngoại ở xã Bình Chương (Bình Sơn) để thuê đất, xây bể xi măng nuôi tôm càng xanh. Anh Tiễn bộc bạch: "Nhà tôi ở TP.Quảng Ngãi, không có đất để nuôi tôm nên tôi chọn về quê ngoại, thuê vùng đất gò đồi rộng rãi. Từ số tiền tích cóp nhiều năm đi làm và vay mượn thêm, tôi đầu tư gần 500 triệu đồng xây 20 bể xi măng với tổng diện tích trên 1.000m2 và làm hệ thống dẫn nước, bể lọc... Đến đầu năm 2020, tôi thả nuôi lứa tôm càng xanh đầu tiên với gần 20.000 con giống, nhưng chưa đến một tháng, hơn 80% con giống bị chết”.
Khi xảy ra sự cố, anh Tiễn bình tĩnh kiểm tra tất cả quy trình nuôi tôm để tìm ra nguyên nhân, cố gắng hạn chế rủi ro ở lứa tiếp theo. “Thời điểm tôi thả nuôi tôm càng xanh, ở tỉnh ta chưa có ai nuôi tôm càng xanh nước ngọt trong bể xi măng nên mọi thứ tôi đều tự mò mẫm. Việc sai sót trong quá trình thả nuôi những lứa đầu tiên là điều khó tránh khỏi nên có thất bại lứa đầu, cũng không làm tôi nản lòng”, anh Tiễn cho hay.
Thành công với mô hình mới
Theo anh Tiễn, việc khó nhất trong quá trình thả nuôi tôm càng xanh là kỹ thuật hạ mặn, thuần ngọt tôm giống từ môi trường nước lợ sang nước ngọt. Dù quá trình này chỉ diễn ra trong khoảng 6 tiếng đồng hồ nhưng nếu làm không đúng kỹ thuật, khi thả nuôi trong bể nước ngọt, tôm sẽ chết từ từ.
“Tôm càng xanh là loại thủy sản sống được cả ở vùng nước lợ và nước ngọt. Tuy nhiên, mỗi môi trường nước sẽ phù hợp với từng thời kỳ phát triển của chúng. Với ấu trùng của tôm càng xanh sau khi nở, chúng chỉ sống được ở vùng nước lợ và sau nhiều lần lột xác chúng sẽ trở thành tôm con và có thể trở lại vùng nước ngọt để sinh sống. Dựa vào đặc tính của loại tôm này mà trong quá trình nuôi, phải biết điều chỉnh, xử lý nước sao cho phù hợp”, anh Tiễn chia sẻ.
Sau lứa tôm đầu tiên thả nuôi thất bại, một tháng sau, anh Tiễn tiếp tục thả nuôi lứa tôm giống mới với tỷ lệ sống cao. Sau 5 - 6 tháng thả nuôi, vào tháng 8.2020, anh thu hoạch hơn 100kg tôm càng xanh, với giá bán dao động từ 250.000 - 330.000 đồng tùy theo kích cỡ, anh Tiễn thu về hơn 30 triệu đồng.
“Với bước đầu thành công, vụ tôm tiếp theo, tôi tự tin thả nuôi số lượng lớn. Từ giữa năm đến nay, cứ cách 1 tháng, tôi thả nuôi thêm 20.000 con giống với tỷ lệ sống đạt trên 90%. Trong quá trình nuôi, tôi nhận thấy, nuôi tôm càng xanh nước ngọt cho sản lượng gấp 3 lần nước lợ và kích thước tôm cũng to hơn với 10 - 15 con/kg. Chi phí nuôi trồng cũng khá thấp, mỗi ký tôm đến kỳ thu hoạch chỉ mất khoảng vài chục nghìn đồng tiền thức ăn nên lợi nhuận từ mô hình này khá cao”, anh Tiễn cho biết.
Từ nay đến tết Nguyên đán, anh Tiễn dự tính thu hoạch gần 800kg tôm càng xanh. Anh Tiễn cho hay: "Nhờ nắm chắc quy trình kỹ thuật mà vụ này, tôm phát triển tốt và cho sản lượng cao. Những vụ tiếp theo, tôi sẽ tiếp tục thả nuôi theo hình thức gối đầu cho đến khi kín 20 bể nước ngọt".
Theo Chủ tịch Hội nông dân xã Bình Chương Nguyễn Bảo Khánh, mô hình “nuôi tôm càng xanh nước ngọt” trong bể xi măng là mô hình mới, đầu tiên ở địa phương. Là người tiên phong, bước đầu cũng gặp nhiều khó khăn nhưng đến nay mô hình đã thành công, cho hiệu quả kinh tế cao. Thời gian đến, địa phương sẽ phối hợp với anh Tiễn xây dựng đề án “nuôi tôm càng xanh nước ngọt” để nhân rộng mô hình, triển khai cho bà con thực hiện, góp phần nâng cao thu nhập.
Mang na Thái, Đài Loan về trồng trở thành "tỷ phú na" vùng núi Tây Bắc
Năm 2020, với 2ha na Thái, na Đài Loan, na sầu riêng, chị Nguyễn Thị Hiền ở xã Nà Bó (Mai Sơn, Sơn La) đã thu hoạch được 23 tấn, doanh thu được 1,4 tỷ đồng.
Theo báo Quảng Ngãi